Câu hỏi của khách hàng: Con sinh ra ngoài thời kỳ hôn nhân thì bố có phải chu cấp
Xin các luật sư tư vấn giúp em cái ạ!
Em và bạn gái cũ có với nhau 1 đứa bé. Em xin nói trước ở đây không nói về tình cảm, sống đúng hay sai nhé, em chỉ hỏi về luật ạ! Khi đang quen thì chia tay, 1 thời gian sau cô ấy nói là có thai với em, rồi cù cưa này kia xong im bặt, cũng không chắc là của em ạ! Sau đó cô ấy tự sinh bé ra. Sau này cô ấy đòi e chu cấp hằng tháng để nuôi bé! Em xin hỏi là em có phải chu cấp cho bé không, với mức chu cấp là bao nhiêu, phụ thuộc vào khoảng nào ạ!
Em cảm ơn ạ.
Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 25/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha khi không trực tiếp nuôi dưỡng con
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
3./ Luật sư trả lời Con sinh ra ngoài thời kỳ hôn nhân thì bố có phải chu cấp
Theo quy định của pháp luật thì con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Tức là, mặc dù hai bên chưa đăng ký kết hôn nhưng đứa trẻ vẫn sẽ được hưởng quyền và có nghĩa vụ như con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân. Tức là, việc cấp dưỡng cho con khi không trực tiếp nuôi con là một trong những nghĩa vụ của người cha.
Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ được đặt ra khi người này được công nhận (bởi một loại giấy tờ có giá trị pháp lý) theo quy định của pháp luật là cha của đứa trẻ.
Căn cứ Khoản 2 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình:
“Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con
… 2.Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. …”
Và Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình thì người cha không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Nhưng, nghĩa vụ này chỉ được đặt ra khi mẹ đứa trẻ chứng minh được bạn thực sự là cha của đứa trẻ. Việc này không phụ thuộc vào lời nói của người mẹ mà phải dựa trên những chứng cứ nhất định. Ví dụ như, thông tin của bạn được ghi ở mục cha của đứa trẻ trong Giấy khai sinh của đứa trẻ. Hoặc người mẹ có Giấy giám định ADN của bạn và đứa trẻ, trong kết luận giám định có xác nhận bạn là cha của đứa trẻ này.
Mà theo bạn trình bày thì bạn với cô ấy có quen nhau 1 thời gian. Sau khi chia tay, cố ấy có thai, sau đó không liên lạc lại và giờ có liên lạc với bạn nói bạn là cha của bé yêu cầu bạn phải cấp dưỡng. Tức, xét về mặt pháp lý, hiện giờ bạn không phải là cha của đứa trẻ. Nên, về mặt pháp lý, hiện giờ bạn chưa có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đứa trẻ.
Việc cấp dưỡng sẽ chỉ đặt ra khi bên kia đưa ra được chứng cứ chứng minh bạn là cha của đứa trẻ.
Khi về mặt pháp lý, bạn là cha của đứa trẻ thì bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với người con thuộc phạm vi quy định tại Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình:
“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Bên cạnh đó, pháp luật không có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng mà cha phải cấp dưỡng cho con khi không trực tiếp nuôi dưỡng. Mức tiền này sẽ được nhận định trên thỏa thuận giữa cha mẹ hoặc được Tòa án quyết định dựa trên yêu cầu của cha, mẹ, tình hình tài chính của các bên và mức chi tiêu thực tế của người con.
Theo đó, nếu cô ấy khởi kiện tới Tòa yêu cầu bạn cấp dưỡng cho con thì phải chứng minh bạn là cha đứa bé. Dù giữa bạn và cô ấy không đăng ký kết hôn nhưng nếu bạn được xác định là cha của bé thì thông thường bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho bé đến lúc bé thành niên. Tiền cấp dưỡng dựa trên mức thu nhập thực tế của bạn cũng như chi phí thực tế nuôi dưỡng đứa trẻ hoặc dựa trên sự thỏa thuận giữa bạn và cô ấy.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.