Cô của em có một người con trai. Hai vợ chồng người con từ trước đến nay sống chung với cô của em nhưng bây giờ người con cùng với vợ muốn chiếm căn nhà và đuổi cô em ra khỏi nhà. Giấy tờ nhà cô em giữ và vẫn chưa chuyển tên cho người con nhưng người con đã lợi dụng lúc cô em không có ở nhà đã lấy giấy tờ và tự chuyển sang tên của 2 vợ chồng người con. Vậy làm cách nào để lấy lại chủ quyền căn nhà.
Gửi bởi: Thư
Trả lời có tính chất tham khảo
Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Điều 169 Bộ luật dân sự quy định về bảo vệ quyền sở hữu:
– Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
– Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
Hành vi tự ý lấy giấy tờ nhà và chuyển quyền sở hữu cho hai vợ chồng của người con là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của cô bạn. Cô bạn có quyền khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Khi khởi kiện, cô bạn phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
– Tên, địa chỉ của người bị kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo gửi đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
– Nộp trực tiếp tại Toà án;
– Gửi đến Toà án qua bưu điện.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.