Công chứng bản dịch

Công chứng bản dịch

Chào ban biên tập, tôi cần công chứng dịch một số lượng lớn văn bằng giấy tờ từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Tại văn phòng công chứng yêu cầu đưa bản gốc và họ sẽ dịch công chứng, phí dịch và phí công chứng tính riêng.

Tuy nhiên theo như tôi đọc tại Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; có ghi:

“5. Người dịch Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 79 thì người dịch phải là người thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch. Để xác định người thông thạo tiếng nước ngoài thì căn cứ vào một trong các tiêu chuẩn sau đây: a) Người dịch có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch; b) Người dịch có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên tại nước ngoài đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch.”

Nay tôi xin được tư vấn:

(1) tôi có thể mang văn bản đã dịch và đi với người dịch đến văn phòng công chứng để đóng dấu công chứng dịch hay không.

(2) Trường hợp chị gái ruột của tôi có văn bằng đại học và cao học chính quy ngành ngoại ngữ (tiếng Anh) vậy chị tôi có thể đứng ra làm người dịch văn bản cho tôi hay không.

(3) Có hay không các quy định về cách trình bày văn bản dịch công chứng? Tôi xin chân thành cám ơn.

Gửi bởi: Nguyen Huyen Trang

Trả lời có tính chất tham khảo

Chào bạn!

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật công chứng năm 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì bạn có thể yêu cầu Phòng tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực chữ ký người dịch trong văn bản hoặc yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng công chứng bản dịch. Luật công chứng quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch trước người yêu cầu công chứng sẽ đảm bảo quyền lợi của bạn sau này.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 61 Luật công chứng về công chứng bản dịch và Điều 27, 28 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về Tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch, Cộng tác viên dịch thuật thì người dịch phải là Cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng nơi bạn thực hiện công chứng bản dịch hoặc Phòng tư pháp cấp huyện thực hiện chứng nhận chữ ký người dịch.

Như vậy, ngoài việc đáp ứng điều kiện về người dịch thuật thì chị gái bạn phải là Cộng tác viên dịch thuật của tổ chức hành nghề công chứng hoặc Phòng tư pháp cấp huyện nơi bạn thực hiện việc công chứng bản dịch.

Về cách thức trình bày văn bản dịch công chứng: Pháp luật không có quy định điều chỉnh riêng về vấn đề này. Tuy nhiên, khi dịch ngoài việc bảo đảm dịch đầy đủ, chính xác thì cần căn cứ vào thể thức của bản được dịch để trình bày cho hợp lý.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 23/2015/NĐ-CP Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch

Luật 53/2014/QH13 Công chứng

Trả lời bởi: CTV8


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191