Công tác tư pháp Lạng Sơn sau một năm nhìn lại

Công tác tư pháp Lạng Sơn sau một năm nhìn lại

21/01/2016

Công tác tư pháp Lạng Sơn sau một năm nhìn lại Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc nước ta, với diện tích tự nhiên là 8.328 km2, dân số toàn tỉnh là 831.887 người (theo điều tra dân số 01/4/2009), có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Địa hình tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là đồi núi, mật độ dân cư phân bố không tập trung. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính huyện và 1 thành phố, là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây (như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn), phía Đông (như tỉnh Quảng Ninh), phía Nam (như Bắc Giang, Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội) và phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc. Ngoài những điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phong phú, Lạng Sơn còn là tỉnh có hệ thống giao thông thuận lợi (có đường quốc lộ 1A đi qua; có đường biên giới chung với Trung Quốc dài 253 km; có 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 2 cửa khẩu quốc gia (Chi Ma, Bình Nghi) và 7 cặp chợ biên giới; có đường sắt liên vận quốc tế) cho việc giao lưu kinh tế, khoa học – công nghệ với các tỉnh phía Nam trong cả nước, với Trung Quốc và sang các nước vùng Trung Á, châu Âu và các nước khác1… Trong điều kiện hiện nay, khi Nhà nước ta đang thực hiện chính sách đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, thì Lạng Sơn càng có điều kiện để phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là thương mại, du lịch và dịch vụ. Khu kinh tế cửa khẩu là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, là khu vực phát triển năng động nhất, là trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, tăng thu nhập cho ngân sách địa phương và trung ương.

Trong những năm qua, sự phát triển về mọi mặt của tỉnh Lạng Sơn có đóng góp không nhỏ của Ngành Tư pháp. Có thể nói, việc tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Sở Tư pháp đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp Lạng Sơn được thành lập theo Quyết định số 72/UB-QĐ-TC ngày 22/02/1982 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trên cơ sở cơ cấu tổ chức của Ban Pháp chế tỉnh. Trong quá trình 33 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn có nhiều thay đổi, tuy nhiên, trong bất kỳ thời điểm nào, Sở Tư pháp luôn tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ở các lĩnh vực công tác như: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; pháp chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính… Hiện nay, Sở Tư pháp 6 phòng chuyên môn, 2 tổ chức giúp việc và 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Để phản ánh hoạt động của Ngành Tư pháp Lạng Sơn, tháng 11/2015, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Công tác pháp chế, công tác tư pháp ở tỉnh Lạng Sơn”. Tại Tọa đàm này, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, đánh giá kết quả đạt được của công tác tư pháp Lạng Sơn trong một năm qua, đồng thời nêu ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tư pháp và pháp chế trong thời gian tới. Một số lĩnh vực hoạt động nổi bật của tư pháp xứ Lạng năm vừa qua, đó là:

Về xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Trong năm 2015, công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định, đảm bảo đúng thẩm quyền; kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Về công tác bổ trợ tư pháp: Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, việc xã hội hóa tiếp tục được đẩy mạnh, các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường, góp phần tạo sự phát triển bền vững cho các hoạt động bổ trợ tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tổ chức và người dân. Tuy nhiên, việc kiện toàn tổ chức và phát triển luật sư theo Đề án chưa đạt hiệu quả cao, chất lượng giải quyết vụ việc của luật sư chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân. Về hoạt động công chứng, mặc dù đã có quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng nhưng số lượng tổ chức hành nghề công chứng còn ít. Do vậy, việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là yêu cầu cấp thiết hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Có thể nói, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai tương đối đồng bộ thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Nội dung phổ biến thiết thực, gắn với từng đối tượng và phù hợp với nhiệm vụ kinh tế – chính trị của địa phương, yêu cầu nhiệm vụ của các ngành, các tổ chức đoàn thể. Hình thức phổ biến được thực hiện một cách đa dạng và phong phú, đem lại hiệu quả thiết thực. Do vậy, nhiều nội dung pháp luật đã đi vào cuộc sống đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc hạn chế các vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật ở một số nơi chưa thực sự nghiêm (ví dụ như khu vực đô thị), vì thế, trong thời gian tới, cần có những giải pháp cụ thể giúp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao đối với từng đối tượng.

Về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính: Năm vừa qua, tất cả các quy định về thủ tục hành chính được đánh giá tác động, thẩm định theo đúng pháp luật; thực hiện đầy đủ việc công bố công khai thủ tục hành chính; hoàn thành việc rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương; công tác rà soát quy định, thủ tục hành chính được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh rà soát tràn lan.

Về hoạt động trợ giúp pháp lý: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh luôn bố trí viên chức thực hiện việc tiếp công dân kịp thời, có hiệu quả; cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; thực hiện tốt việc phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động có hiệu quả tại cơ sở và tư vấn pháp luật miễn phí tại chỗ cho những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, công tác trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và phương tiện đi lại.

Năm 2016 và những năm tiếp theo, Ngành Tư pháp tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, nỗ lực hết mình để khắc phục những khó khăn, hạn chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu đưa Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn trở thành đơn vị đi đầu trong hoạt động tư pháp.

Huyền Bùi

Tài liệu tham khảo:

http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/cactinhvathanhpho/tinhlangson/thongtintinhthanh?view=introduction&provinceId=1366.

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191