Cộng tác viên dịch thuật sử dụng dấu đóng chữ ký

Cộng tác viên dịch thuật sử dụng dấu đóng chữ ký

Theo quy định của Luật công chứng thì cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng được quyền đăng ký chữ ký. Tuy nhiên, khi dịch bản dịch thì công tác viên lại sử dụng dấu đóng chữ ký mà không ký trực tiếp lên bản dịch. Cho em hỏi như vậy có hợp lệ hay không?

Gửi bởi: phan hong minh

Trả lời có tính chất tham khảo

Thủ tục công chứng bản dịch được thực hiện theo quy định tại Điều 61 Luật công chứng, cụ thể như sau:

– Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.

– Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.

Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.

– Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

Luật công chứng không có quy định cho phép cộng tác viên sử dụng dấu đóng chữ ký, và về nguyên tắc, mọi chữ ký đều phải là chữ ký tươi, chữ ký trực tiếp của chính cộng tác viên đó. Như vậy, theo quy định đã nêu trên, người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch, việc cộng tác viên sử dụng dấu đóng chữ ký mà không ký trực tiếp lên bản dịch như bạn nêu là không phù hợp quy định của pháp luật.

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191