Cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án

Cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án

 

 

Tôi được cấp đăng ký mở dịch vụ cầm cố, thế chấp, trong quá trình giao dịch, ông A có vay của tôi số tiền 400 triệu đồng, nhưng tôi muốn ông A đưa tài sản thế chấp để bảo đảm, do vậy ông A có nhờ người chị là bà B đứng ra thế chấp quyền sử dụng đất. Hợp đồng thế chấp được công chứng. Do ông A không trả nợ đúng cam kết, tôi đã kiện ra Tòa án. Tòa án tuyên buộc như sau: “Ông A phải có nghĩa vụ trả cho tôi 400 triệu đồng. Trường hợp ông A không trả được nợ vay, tôi có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản thế chấp là tài sản của bà B (Tòa án không ấn định thời hạn ông A có nghĩa vụ trả nợ sau khi bản án có hiệu lực). Khi tôi đến làm đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tôi phải chứng minh tài sản của ông A thì mới thụ lý đơn yêu cầu thi hành án và không chấp nhận việc ngay từ đầu tôi yêu cầu phát mãi tài sản của bà B. Cho tôi xin hỏi: Cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tôi phải chứng minh tài sản của ông A để có căn cứ nhận đơn của tôi là đúng hay sai và không cho tôi được quyền yêu cầu phát mãi tài sản của bà B là đúng hay sai? Do bản án không ấn định thời hạn ông A thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trong quá trình thi hành án ông A xin trả dần số tiền 400 triệu đồng có được không? Nếu tôi không đồng ý cho ông A trả dần và yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phát mãi tài sản để thu hồi nợ cho tôi có được không?

 

Gửi bởi: Nguyễn Long

Trả lời có tính chất tham khảo

 

Với nội dung bản án của Tòa án tuyên buộc như sau: “Ông A phải có nghĩa vụ trả cho tôi 400 triệu đồng. Trường hợp ông A không trả được nợ vay, tôi có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản thế chấp là tài sản của bà B”. Như vậy, để phát mãi tài sản thế chấp là tài sản của bà B thì phải xác định ông A không trả được nợ vay. Ông A không trả được nợ vay trong trường hợp này có thể do ông A không có tiền, tài sản hoặc có tiền, tài sản nhưng có giá trị không đáng kể hoặc tài sản thuộc loại không được kê biên để thi hành án.

Theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự hiện hành thì đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; nội dung yêu cầu thi hành án; thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Do vậy, cơ quan thi hành án yêu cầu ông phải chứng minh tài sản của ông A để có căn cứ nhận đơn là có cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ. Theo đó, trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không có đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc không nêu rõ thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhưng không yêu cầu xác minh thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo để đương sự bổ sung nội dung đơn yêu cầu thi hành án trước khi ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu người được thi hành án không bổ sung hoặc bổ sung không đúng nội dung quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự không thụ lý đơn yêu cầu thi hành án và có văn bản trả lời cho đương sự biết, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Vì thế, nếu ông chứng minh ông A không có tiền, tài sản hoặc có tiền, tài sản nhưng có giá trị không đáng kể hoặc tài sản thuộc loại không được kê biên để thi hành án nên không trả được nợ vay thì ông có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản thế chấp là tài sản của bà B để thi hành án.

Bản án của Tòa án không ấn định thời hạn ông A có nghĩa vụ trả nợ sau khi bản án có hiệu lực, vì thế ông cần sớm xác minh ông A có hay không có tài sản để thi hành án và kịp thời yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản thế chấp là tài sản của bà B để thi hành án. Khi yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản thế chấp là tài sản của bà B để thi hành án, ông gửi kèm theo có tài liệu chứng minh ông A không tra được nợ. Nếu ông đã tiến hành xác minh nhưng không thể biết được ông A có hay không có điều kiện thi hành án thì ông có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ. Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh. Người được thi hành án khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả. Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Nghị định 125/2013/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191