Đã nộp lệ phí xác minh tài sản nhưng vẫn chậm được thi hành án

Đã nộp lệ phí xác minh tài sản nhưng vẫn chậm được thi hành án

 

 

Tôi là người có quyền lợi liên quan đến vụ án ly hôn. Người thi hành án phải trả cho tôi số tiền 20 triệu đồng từ tháng 10 năm 2009 đến nay. Cơ quan Thi hành án dân sự đã nhận đơn yêu cầu của tôi và lệ phí xác minh tài sản người phải thi hành án nhưng lâu không thấy gì? Giờ tôi phải làm sao?

 

Gửi bởi: bùi quang liên

Trả lời có tính chất tham khảo

Trường hợp ông nêu, ông là người được thi hành án số tiền 20 triệu đồng từ tháng 10 năm 2009; ông đã làm đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đã nhận đơn yêu cầu thi hành án của ông và lệ phí xác minh tài sản nhưng đến nay kết quả thi hành án chưa xong. Trong trường hợp này, ông có thể thực hiện việc:

1. Một là, liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự nơi đã nhận đơn yêu cầu thi hành án của ông đề nghị cơ quan thi hành án dân sự thông tin cho biết về kết quả, tiến độ thực hiện việc thi hành án, như: Kết quả xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nhưng khó khăn dẫn đến việc thi hành án kéo dài từ năm 2009 đến nay.v.v. Đồng thời, đề nghị cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc thi hành án nếu việc thi hành án có điều kiện thi hành.

2. Hai là, đối với “lệ phí xác minh tài sản” mà cơ quan thi hành án dân sự đã nhận của ông thì pháp luật không quy định “lệ phí” xác minh tài sản, mặc dù pháp luật có quy định người được thi hành án phải chịu phí thi hành án nhưng khoản phí thi hành án được thu trên số tiền mà người được thi hành án thực nhận và chỉ được thu khi cơ quan thi hành án chi trả tiền hoặc tài sản được thi hành án cho người được thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/09/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự “khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án chưa phải nộp phí thi hành án. Cơ quan thu phí chỉ được thu phí thi hành án khi trả tiền hoặc tài sản được thi hành án cho người được thi hành án”.

Đối với chi phí xác minh điều kiện thi hành án, theo quy định tại khoản Điều 44, điểm a khoản 2 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Điều 6, khoản 1 Điều 31 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ thì người được thi hành án phải trả các chi phí thực tế, hợp lý cho việc xác minh trong trường hợp yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án và khoản chi phí này được xác định là chi phí cưỡng chế thi hành án. Chi phí xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sựđối với trường hợp người được thi hành án có đơn yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án do người được thi hành án chịu được hướng dẫn cụ thể tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, gồm các chi phí: Chi tiền công tác phí cho các đối tượng tham gia vào việc xác minh điều kiện thi hành án; chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào quá trình xác minh điều kiện thi hành án và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho việc xác minh điều kiện thi hành án.

Về thủ tục thu nộp chi phí cưỡng chế thi hành án, Điều 4 Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 quy định chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án, người được thi hành án nộp hoặc được khấu trừ vào tiền bán đấu giá tài sản đã bị kê biên hoặc khấu trừ vào tài sản của người phải thi hành án đang do người khác giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa. Trong khi chưa thu được chi phí cưỡng chế thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ứng trước kinh phí cho các Chấp hành viên để tổ chức cưỡng chế thi hành án từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao cho cơ quan thi hành án dân sự. Ngân sách nhà nước bố trí một khoản kinh phí trong dự toán của cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án. Trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên phải lập và trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án (trừ trường hợp phải cưỡng chế ngay). Kế hoạch cưỡng chế gồm các nội dung theo quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án dân sự: biện pháp cưỡng chế cần áp dụng; thời gian, địa điểm cưỡng chế; phương án tiến hành cưỡng chế; lực lượng tham gia (số lượng người, thành phần tham gia); dự toán chi phí phục vụ cho cưỡng chế. Dự toán chi phục vụ cưỡng chế được lập căn cứ vào nội dung chi, mức chiquy định tại Điều 2, Điều 3 Thông tư liên tịch này và thông báo cho đương sự biết trước ngày tiến hành cưỡng chế theo quy định tại Điều 39, 40, 41, 42, 43 của Luật Thi hành án dân sự. Trên cơ sở kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt, Chấp hành viên làm thủ tục tạm ứng kinh phí cho hoạt động cưỡng chế từ nguồn kinh phí được ngân sách nhà nước giao cho cơ quan thi hành án dân sự. Khi xử lý tài sản hoặc thu được tiền của người phải thi hành án, người được thi hành án, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng chi cưỡng chế thi hành án trước đó cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự.

Như vậy, pháp luật hiện nay không quy định “lệ phí xác minh tài sản”. Đối với quy định người được thi hành án phải trả chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án nhưng đó là các chi phí thực tế, hợp lý cho việc xác minh; ngân sách nhà nước tạm ứng khoản tiền chi phí này trong khi chưa thu được tiền mà không quy định người được thi hành án nộp tạm ứng chi phí cưỡng chế đối với khoản xác minh điều kiện thi hành án. Mặt khác, theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015 thì người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án, khoản tiền này do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Trường hợp vụ việc của ông, vì không có hồ sơ thi hành án và ông cũng không nêu rõ cơ quan thi hành án dân sự đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thu được khoản tiền nào của người phải thi hành án hay chưa. Do đó, nếu cơ quan thi hành án dân sự chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế, chưa thu được tiền của người phải thi hành án để chi trả cho ông mà đã thu “lệ phí xác minh tài sản” thì ông có thể đề nghị cơ quan thi hành án dân sự trả lại khoản tiền “lệ phí” này.

Các văn bản liên quan:

Luật 64/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự

Thông tư liên tịch 184/2011/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Nghị định 125/2013/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191