Đặc điểm các thuộc tính nhân cách của bản thân và nêu phương hướng rèn luyện

Mô tả đặc điểm các thuộc tính nhân cách của bản thân và nêu phương hướng rèn luyện.

          Con người luôn luôn là vấn đề trọng tâm của mỗi thời đại, mỗi xã hội, và mỗi thể chế chính trị. Đặc biệt, trong xã hội Việt Nam hiện nay mỗi khi đánh giá về một con người thường chủ yếu nói về nhân cách. Nhân cách là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng mối quan hệ giữa con người với con người từ những chuyện bình thường, mối quan hệ gia đình, đến mối quan hệ xã hội. Nhân cách thể hiện qua cách ứng xử của con người với nhau, cũng như với những sự việc trong cuộc sống, đồng thời nhân cách thể hiện trình độ văn hóa, nhân tính và nguyên tắc sống của con người. Nhà tâm lý học nổi tiếng người Nga Lev Vygotsky đã từng khẳng định: Vấn đề nhân cách và phát triển nhân cách là vấn đề tập trung cao nhất của toàn bộ tâm lý học. Nhân cách là toàn bộ các giá trị mà con người đạt được trong sự trưởng thành xã hội của nó. Những giá trị đó gắn liền với những chức năng và vị thế của con người trong các quan hệ xã hội mà nó biểu hiện ra bằng hoạt động, với tất cả sự phong phú và toàn vẹn của đời sống cá nhân trong môi trường xã hội. Vì vậy, vấn đề nhân cách và giáo dục nhân cách phải được nhìn nhận là điểm cốt lõi nhất, là chỗ sâu sắc và tinh tế nhất của triết lý giáo dục. Do đó, trong phạm vi bài tiểu luận này, em xin được trình bày về vấn đề nhân cách và thuộc tính nhân cách của bản thân em với đề tài “Mô tả đặc điểm các thuộc tính nhân cách của bản thân và nêu phương hướng rèn luyện”.

I. Các thuộc tính tâm lý của nhân cách và đặc điểm các thuộc tính tâm lý nhân cách của bản thân:

          Nhân cách chỉ bao hàm phần xã hội, tâm lý của cá nhân mà thôi. Đó là con người với tư cách là chủ thể của hoạt động, chủ thể của quan hệ người – người. Theo A. G. Covaliov: “Nhân cách là một cá nhân có ý thức, chiếm vị trí nhất định trong xã hội và đang thực hiện một vai trò xã hội nhất định”; Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân cách gồm 2 mặt đức và tài. Hay theo Phạm Minh Hạc, Trần Trọng Thủy, nhân cách là toàn bộ những đặc điểm, phẩm chất tâm lý của cá nhân quy định giá trị xã hội và hành vi xã hội của họ.

          Nhân cách của một con người có những đặc điểm như: tính thống nhất, tính ổn định, tính tích cực và tính giao lưu. Người có nhân cách luôn làm chủ được suy nghĩ và hành động để không ảnh hưởng đến người xung quanh, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, biết lắng nghe và luôn lắng nghe để hoàn thiện bản thân mình…Nhân cách con người còn được biểu hiện qua rất nhiều hình thái: Ứng xử, lời ăn tiếng nói… “Lời nói không mất tiền mua…”. Bên cạnh đó, nhân cách còn được đánh giá qua tư tưởng, thái độ, hành động. Có nhân cách thì tư tưởng cởi mở, trong sáng, thái độ hòa hiếu, hành động dứt khoát, quyết liệt … và ngược lại.

          Các thuộc tính tâm lý của nhân cách là xu hướng, tính cách, năng lực và khí chất. Cũng giống như một vecto lực có phương, chiều, cường độ và tính chất của nó thì xu hướng nói lên phương hướng phát triển nhân cách, năng lực nói lên cường độ của nhân cách, khí chất và tính cách lại thể hiện tính chất, phong cách của nhân cách bản thân.

1. Xu hướng và phương hướng rèn luyện.

          Xu hướng là ý định hướng tới những mục tiêu có nhiều ý nghĩa đối với đời sống cá nhân, là hướng hoạt động chủ yếu nhằm vươn tới mục tiêu đó trong thời gian tương đối dài. Xu hướng có những mặt biểu hiện như nhu cầu, hứng thú, thế giới quan và lý tưởng.

1.1. Nhu cầu:

          Nhu cầu là sự đòi hỏi tất yếu mà cá nhân nhận thấy cần được thỏa mãn để tồn tại và phát triển trong những điều kiện xã hội, lịch sử nhất định. Đối với bản thân em hiện nay, nhu cầu của em đó là thi kết thúc học phần các môn học trong học kỳ này với số điểm cao. Để thỏa mãn được nhu cầu của bản thân, em đã và đang cố gắng học tập, đọc nhiều tài liệu và làm bài tập để chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới. Bên cạnh đó, nội dung của nhu cầu do điều kiện và phương thức thỏa mãn nó quy định. Điều kiện sống của cá nhân quy định nội dung, đối tượng của nhu cầu.          Điều kiện sống vật chất và tinh thần của em đầy đủ, nên em sẽ hướng tới những nhu cầu phong phú, phản ánh những điều kiện sống của em. Ngoài ra, nhu cầu có tính chu kỳ và cường độ tăng dần: Chu kỳ của nhu cầu bắt đầu từ trạng thái thiếu hụt làm nảy sinh nhu cầu, nhu cầu gặp đúng đối tượng nảy sinh động cơ thúc đẩy chủ thể tác động vào đối tượng để thỏa mãn nhu cầu. Sau khi thỏa mãn được nhu cầu thì chu kỳ của một loại nhu cầu kết thúc nhưng lại nảy sinh những nhu cầu khác với cường độ cao hơn chu kỳ trước đó.

          Căn cứ vào hình thức tồn tại đối tượng của nhu cầu, người ta chia nhu cầu thành nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Nhu cầu vật chấtlà những đòi hỏi kháchquan phải được thoả mãn về các phương tiện sinh hoạt vật chất của con người, như nhu cầu ăn, mặc, ở, phương tiện đi lại, công cụ lao động. Từ khi còn bé, nhu cầu vật chất của em được thỏa mãn thông qua tác động với người khác và chủ yếu là những người có ý nghĩa với em. Như được bố mẹ cho ăn, tắm rửa, bế bồng, ôm ấp. Khi đó, nhu cầu vật chất được thoả mãn như thế nào, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tương lai sau này. Đối với bản thân em, nhu cầu được đáp ứng nhất quán với sự tôn trọng, từ đó em đã phát triển ý thức tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác và môi trường sống xung quanh em. Thứ hai, nhu cầu tinh thần như: nhu cầu nhận thức, vui chơi giải trí,… Đây là nhu cầu có liên quan tới sự tồn tại xã hội của con người, nhu cầu chỉ ở con người mới có. Cũng như đối với nhu cầu vật chất đã nêu trên, khi ngay từ bé em đã đươc thỏa mãn những nhu cầu tình thần, được bố mẹ yêu thương, được vui chơi giải trí và giao tiếp với mọi người xung quanh từ đó em đã phát triển cảm giác mình thật sự có giá trị, có phẩm giá, tự tôn đi đến yêu thương người khác. Đó là cơ sở đầu tiên để hình thành xu hướng cá nhân em và là một trong những động lực cửa sự phát triển nhân cách. Hai loại nhu cầu trên có mối quan hệ với nhau. Nhu cầu vật chất là cơ sở để hình thành nhu cầu tinh thần. Thỏa mãn nhu cầu vật chất tạo điều kiện để nhu cầu tinh thần nảy nở và phát triển. Thỏa mãn nhu cầu vật chất trong chừng mực nhất định cũng là thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Nhu cầu tinh thần khi đã hình thành sẽ có tác dụng chỉ đạo nhu cầu vật chất.

1.2. Hứng thú:

          Hứng thú là thái độ riêng có tính chất đặc thù của cá nhân đối với đối tượng nào đó vừa có ý nghĩa trong đời sống vừa có khả năng mang lại cho cá nhân sự khoái cảm. Trở lại với liên hệ về bản thân em ở trên, việc em muốn đạt được kết quả cao trong kỳ thi cuối học phần sắp tới, em có nhu cầu muốn thỏa mãn điều đó, khi cá nhân em có sự hứng thú và hiểu rõ ý nghĩa của nó đối với đời sống cá nhân. Sự hứng thú thể hiện trước hết ở sự tập trung chú ý cao độ, sự say mê học tập và trau dồi kiến thức. Bên cạnh đó, sự hứng thú là động cơ thúc đẩy em tham gia tích cực vào công việc học tập ấy, khi đó sẽ hoạt động một cách thoải mái, tích cực, tự giác, sáng tạo và có hiệu quả cao. Hứng thú làm tăng sức làm việc cho cá nhân, làm cho cá nhân dẻo dai hơn, ít mệt mỏi hơn.

1.3. Thế giới quan cá nhân:

          Thế giới quan cá nhân là hệ thống những quan điểm, quan niệm của cá nhân, thể hiện trong việc xem xét, đánh giá và giải quyết các vấn đề trong tự nhiên, xã hội và bản thân. Thế giới quan cá nhân có những phẩm chất cơ bản như tính khoa học, tính hệ thống và nhất quán, tính khái quát và tính cụ thể, tính hiệu lực. Thế giới quan đóng vai trò nhân tố sống động của ý thức cá nhân, giữ vai trò chỉ dẫn cách thức tư duy và hành động của cá nhân. Đối với bản thân em, thế giới quan đóng vai trò chủ đạo, quyết định việc lựa chọn xu hướng cá nhân. Khi em đang học lớp 12, xu hướng của em là muốn được học đại học chuyên ngành Luật. Và thế giới quan cá nhân như một chiếc la bàn định hướng cuộc sống, và là “cương lĩnh bên trong”, giúp em xác định mục tiêu kế hoạch phấn đấu đó là phải thi đỗ vào một trong các trường đại học có chuyên ngành Luật. Thế giới quan là động lực mạnh mẽ thúc đẩy em học tập, trau dồi kiến thức, luyện thật nhiều đề thi để có kết quả thi Đại học như mục tiêu của bản thân. Bên cạnh đó, em kết hợp với niềm tin, để tạo cho em nghị lực, ý chí để hành động phù hợp với quan điểm đã chấp nhận.

1.4. Lý tưởng:

          Lý tưởng là mục tiêu mà cá nhân cho là cao đẹp, mẫu mực hoàn chỉnh nhất của cuộc sống, có tác dụng lôi cuốn mạnh mẽ toàn bộ cuộc sống và hoạt động của cá nhân trong một thời gian tương đối dài để đạt tới mục tiêu đó. Lý tưởng vừa có tính hiện thực vừa có tính lãnh mạn; bên cạnh đó, lý tưởng còn có tính xã hội và giai cấp. Với câu chuyện thi vào đại học năm lớp 12 của em, em nhận thấy rằng. Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp đẽ và ý nghĩa để bản thân em cũng như tất cả mọi người có cơ hội được học tập, được lập nghiệp. Vì thế vào đại học là ước mơ cao đẹp và chính đáng của đa số các bạn. Theo như em được biết, từ trước tới nay đã có nhiều thiên tài trên thế giới trưởng thành từ môi trường Đại học như nhà sinh vật học Darwin, nhà hóa học Marie Curie, Mendeleev, nhà bác học Anh-xtanh… Vì vậy, trước khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, khi ấy em muốn chọn cho mình con đường Đại học và quyết tâm theo đuổi ước mơ ấy đến cùng, dù cánh cửa các trường Đại học có hẹp, dù mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Mười hai năm đèn sách, vượt qua bao vất vả gian nan, trên vai mang nặng công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy, trước ngưỡng cửa cuộc đời ai cũng mong ước mình sẽ có một tương lai rạng rỡ. Tương lai ấy là gì? Đó là cuộc sống ổn định, có việc làm phù hợp với sở thích, khả năng và ngành nghề mà mình đã được đào tạo, có thu nhập cao, có điều kiện phát huy năng lực sáng tạo và cống hiến cho xã hội. Đối với em, tương lai ấy tạo ra cho bản thân cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, có thể phấn đấu trở thành một người Luật sư – người bảo vệ công lý cho tất cả mọi người, hay một Pháp chế doanh nghiệp…Khi ấy em mang trong mình lý tưởng mong muốn được vào Đại học, mong muốn sẽ được tiếp cận và tiếp thu những tri thức cơ bản về ngành nghề mà ta theo học từ các thầy cô, các giáo sư có trình độ học vấn và chuyên môn giỏi.

* Phương hướng rèn luyện:

          Để phát triển nhân cách và có xu hướng hướng tới những mục tiêu cao đẹp của bản thân, em cần xây dựng cho mình những hứng thú tích cực, đặc biệt là hứng thú với hoạt động học tập, nghiên cứu, rèn luyện trong nhà trường. Đồng thời phát triển nhiều hứng thú trên các lĩnh vực khác làm cho đời sống tâm lý thêm phần phong phú. Bên cạnh đó, cần tạo cho mình một lý tưởng cao đẹp như một ngôi sao dẫn đường chỉ hướng cho cuộc sống và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của cá nhân, điều khiển bản thân đến con đường thành công. Ngoài ra, em sẽ xây dựng lên một niềm tin đúng đắn về chân lý khách quan giúp tạo cho em một động lực, ý chí để hành động phù hợp với quan điểm đã chấp nhận.

2. Tính cách, đặc điểm của tính cách và phương hướng rèn luyện tính cách của bản thân:

          Tính cách cá nhân bao gồm nhiều nét tính cách. Nét tính cách là một thuộc tính tâm lý nói lên thái độ đặc trưng của cá nhân đối với từng mặt, từng khía cạnh, từng lĩnh vực của hiện thực, được biểu hiện bằng các hành vi xử sự tương ứng quen thuộc của cá nhân. Mỗi nét tính cách là một thuộc tính tâm lý cá nhân. Tổng hợp nhiều nét tính cách tạo thành tính cách cá nhân. Giữa các cá nhân có sự khác nhau về tính cách chủ yếu là do sự khác biệt về các tính chất như tính ổn định và bền vững, tính phức tạp và thống nhất, tính xã hôi – lịch sử quy định.

          Nói về tính cách của bản thân, em nhận thấy mình là người có tính cách mạnh mẽ. Đôi lúc em muốn tự lực để chứng minh sức mạnh của bản thân và kháng cực các điểm yếu, cố gắng để chi phối mọi thứ xung quanh. Em thích giải quyết vấn đề, kiểm soát được mọi tình huống xảy ra và đưa ra các giải pháp một cách kịp thời.  Tính cách của em được hình thành và phát triển trong quá trình sống và hoạt động của cá nhân, chịu sự tác động của điều kiện xã hội – lịch sử và hoàn cảnh sống riêng của bản thân.

* Phương hướng rèn luyện:

          Vì vậy, là một sinh viên Đại học để rèn luyện những nét tính cách tích cực cho bản thân em cần rèn luyện những hành vi thói quen phù hợp với chuẩn mực xã hội. Bên cạnh đó, em cần rèn luyện tính kiên trì, có thái độ trân trọng đối với công việc, không dễ dàng chấp nhận thất bại để giải quyết vấn đề, không dễ ngã lòng trước khó khăn. Tiếp đó, cần học tính độc lập và chấp nhận rủi ro, khi đối diện với thực tế, dù vui hay buồn vẫn tỏ ra bình tĩnh, dám chấp nhận trách nhiệm về các vấn đề để hoàn thành công việc, không hảo huyền, không nôn nóng, biết tính toán các nguy cơ. Để hình thành nét tính cách, tính cách tốt đáp ứng các yêu cầu của xã hội không phải dễ dàng, trong thời gian ngắn, vì vậy em sẽ cố gắng tự rèn luyện bản thân để phát triển bản thân trở nên tốt đẹp hơn.

3. Năng lực và phương hướng rèn luyện năng lực.

          Năng lực là tổ hợp các thuộc tính tâm lý cá nhân, đáp ứng những yêu cầu đặc trưng của một loại hoạt động nhất định nhằm bảo đảm cho hoạt động đó đạt kết quả cao. Theo mức độ chuyên biệt của năng lực chia thành: năng lực chung và năng lực riêng. Năng lực chungcòn được gọi là năng lực trí tuệ: là năng lực nắm và vận dụng tri thức cơ bản của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội làm cơ sở cho mọi hoạt động trong xã hội. Năng lực riêngcòn gọi là năng lực chuyên môn: là năng lực đặc trưng riêng trong những lĩnh vực hoạt động nhất định.

          Đối với bản thân em, sau khi đi thực tập ở văn phòng luật trên lĩnh vực luật, em nhận thấy mình có năng lực giao tiếp, thuyết trình, lập luận và đưa ra quan điểm của mình trước những Luật sư có kinh nghiệm và trước mọi người trong văn phòng. Vì khi đi thực tập, em đã được đi cùng các anh chị luật sư lên tòa án và gặp các đương sự trong nhiều vụ việc dân sự nên trong quá trình đó, năng lực riêng của em đã được hình thành và phát triển.  Khi hình thành nên năng lực giao tiếp, thuyết trình giúp em tự tin hơn trong quá trình giao tiếp, xử lý các công việc được giao một cách thuận lợi hơn.

* Phương hướng rèn luyện:

          Để nâng cao năng lực của bản thân theo em trước hết cần rèn luyện sự tập trung vì Tập trung là một trong những yếu tố giúp con người nâng cao năng lực cho bản thân. Theo Bill Gates và Warren Buffett cho biết “tập trung là bí quyết giúp bạn thành công trong bất cứ một lĩnh vực nào khi làm việc”. Những người có năng lực cao nhất là những người vô cùng tập trung. Họ luôn tập trung thời gian và tâm trí vào những công việc quan trọng nhất đồng thời loại bỏ những công việc không cần thiết, không quan trọng.

          Bên cạnh đó, cần phát triển khả năng tiên liệu “Nếu … thì”. Trong cuốn sách “Pre-Suasion: A Revolutionary Way to Influence and Persuade”, tác giả có đề cập tới một phương pháp giúp nâng cao năng lực làm việc của bản thân đó là phương pháp “Nếu… thì…”. Phương pháp này giúp bạn chinh phục mục tiêu, nâng cao năng lực nhanh gấp 3 lần so với những người chỉ làm việc theo bản năng.

          Ngoài ra, em sẽ tập thói quen lên kế hoạch cho ngày hôm sau, vì phương pháp này sẽ giúp con người phát triển nhanh hơn trên lộ trình phát triển năng lực của bản thân. Có một doanh nhân nổi tiếng từng nhận định “Khi bạn dành 1 phút để lập kế hoạch sẽ tiết kiệm 10 phút thực thi”. Điều này có nghĩa là khi chúng ta lên kế hoạch, liệt kê tất cả các công việc cần làm vào ngày hôm sau, đưa vào khung thời gian cụ thể sẽ giúp chúng ta gia tăng hiệu quả làm việc.

          Một người có năng lực là người làm chủ được chính bản thân mình. Vì vậy, chúng ta cần làm chủ tư duy, làm chủ suy nghĩ để cho trí óc chúng ta ngày càng trưởng thành, tích cực hơn. Suy nghĩ thoáng hơn, nhìn nhận lại vấn đề và sử dụng ngôn từ đúng đắn. Đó là làm chủ tư duy. Sự chủ động đối với thành công giống như que diêm đang cháy đối với ngọn nến. Robert Downey Jr. đã bước ra thế giới, từ bỏ con đường nghiện ngập và giờ đã trở thành một ngôi sao lớn trên dàn điện ảnh Hollywood. Đó là một người biết làm chủ bản thân, tự cứu mình ra khỏi phần đen tối trong xã hội này.

4. Khí chất, những ưu – nhược điểm của bản thân và rèn luyện khí chất của bản thân.

          Khí chất là thuộc tính tâm lý biểu hiện về cường độ, tốc độ và nhịp độ của các hoạt động tâm lý. Theo “Thuyết thần kinh” do nhà sinh lý học Nga I.P.Paplôp đề ra, cơ sở sinh lý của khí chất là do kiểu hoạt động thần kinh cấp cao  quy định.

          Theo như em nhận thấy, bản thân em thuộc người có khí chất nóng nảy. Khi tham gia hoạt động nhóm em luôn nhiệt tình, hăng hái, năng động và sẽ cố gằng hoàn thành tốt phần công việc của mình. Khi đã tiếp nhận một nhiệm vụ nào đó, bản thân em sẽ có thái độ nghiêm túc, say mê công việc, và đôi lúc còn có thể dùng nhiệt tình của mình để lôi cuốn người khác. Mỗi cá nhân là một thực thể riêng biệt, độc đáo, và mỗi người có một khí chất riêng.Với khí chất nóng nảy của bản thân, em nhận thấy mình có nhiều ưu điểm như khi đứng trước những lựa chọn, thường sẽ quyết định nhanh chóng, quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Đối với những người bạn mới, những người chưa từng quen biết, khi tiếp xúc với họ em thường là người sẽ làm quen trước, cởi mở hơn và giao tiếp một cách thẳng thắn, bộc trực.

          Có một sự thật mà ai cũng phải thừa nhận rằng, con người ai cũng có khuyết điểm, chẳng có ai là tốt đẹp về mọi mặt, được cái này thì mất cái kia, đó là quy luật của cuộc sống không ai có thể phủ nhận. Và một người có khí chất nóng nảy cũng như vậy, ngoài những ưu điểm như trên, vì nhận thức nhanh, phản ứng mau lẹ nên bản thân em thường nhận thức không sâu, đặc biệt là khó kiềm chế bản thân, dễ bị kích động dẫn đến những hành động bột phát. Điều này khiến em dễ làm mất lòng người khác, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn sẽ thường không tự chủ được bản thân. Nhưng khi mọi chuyện đã qua đi, em thường không để bụng, và không bao giờ thù dai. Sau những sự việc đã xảy ra trong cuộc sống, em nhận thấy bản thân mình thiếu kiên trì, bền bỉ, khi gặp những khó khăn trở ngại thường dễ nản trí và cảm thấy bi quan, thất vọng. Về vấn đề tình cảm tuy là người yêu ghét rõ ràng nhưng lại sống thiên về tình cảm nhiều hơn lý trí, và đôi khi dễ bị tình cảm lất át lý trí bản thân.

* Phương hướng rèn luyện:

          Trong cuộc sống, con người luôn sống trong những câu hỏi về giá trị của chính mình, khí chất của bản thân mình. Hàng loạt những câu hỏi luôn được đặt ra như: Mình đang đứng ở vị trí nào? Mình là người như thế nào trong mắt mọi người? Hay phải làm sao để nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh? Chúng ta cứ sống và tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó. Hiểu và tìm kiếm khí chất bản thân là nhu cầu chính đáng của con người bởi vì “Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”. Vì vậy, để khắc phục những nhược điểm của khí chất nóng nảy, mỗi khi cảm thấy mình sắp nổi nóng, em sẽ hít thở thật sâu, tự trấn an hoặc dừng ngay những suy nghĩ tồi tệ. Bên cạnh đó, em sẽ chia sẻ với những người thân thiết, giãi bày những vẫn đề của bản thân và nỗ lực thay đổi cách ứng xử của chính mình. Ngoài ra, ngay từ bây giờ bản thân em phải học cách lắng nghe, nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ, đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để có những đánh giá khách quan hơn.

II. Phương hướng rèn luyện chung để phát triển nhân cách:

          Để phát triển nhân cách cho bản thân, cần phát triển các thuộc tính tâm lý của nhân cách là xu hướng, tính cách, năng lực và khí chất. Vì vậy, bản thân em cũng tất cả mọi người, phải biết nỗ lực, rèn luyện nhân cách, nâng cao tâm hồn mình theo chiều hướng tốt. Điều đó giúp mỗi người không ngừng tiến bộ và cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Cho dù vị trí trong xã hội có khác nhau, nhưng mỗi người phải giữ gìn nhân cách của mình và luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Nhân cách của một người được thể hiện thông qua hành động và việc làm của người đó. Người có nhân cách tốt không bao giờ có tính đố kị, ghen tị với người khác mà họ luôn nỗ lực để không thua kém người khác. Họ chịu khó tìm tòi, học hỏi nhiều hơn và duy trì nghiêm túc thói quen này. Họ sống thật khiêm tốn, không hề tự mãn và luôn nhìn lại bản thân mỗi ngày để kiểm tra xem xét lại mọi hành động và suy nghĩ của mình, nỗ lực sửa chữa những sai sót. Sống nhân hậu, vị tha, họ luôn chú tâm vào từng lời nói và mỗi việc làm, không bị chi phối, không bất mãn, lo âu vì những chuyện không cần thiết. Trong bất kì hoàn cảnh nào của cuộc sống, họ đều biết gìn giữ nhân cách, phẩm giá của bản thân, sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình và luôn lắng nghe ý kiến của người khác để hoàn thiện bản thân. Nhân cách chính là tài sản mà chúng ta cần phải biết coi trọng, gìn giữ. Sống chân thật với bản thân, với tất cả mọi người là điều mà chúng ta cần phải khắc ghi để rèn luyện nhân cách, nâng cao phẩm giá của mình. Điều đó không chỉ giúp ích cho chính bản thân mà còn góp phần làm đẹp cho cuộc sống này.

          Trên đây là bài làm của em về đề tài “Mô tả đặc điểm các thuộc tính nhân cách của bản thân và nêu phương hướng rèn luyện”. Việc hình thành nhân cách ở mỗi con người là một quá trình liên tục, lâu dài và chịu sự quy định của nhiều yếu tố. Nhân cách của mỗi con người không nằm ở việc bạn được sinh ra ở đâu, do ai sinh ra, mà là ở sự nỗ lực hình thành và phát triển nhân cách của bản thân . Nếu ta không ngừng nỗ lực, kiên trì dù không quá thông minh, nhưng chắc chắn cũng sẽ đạt được ước nguyện. Nhân cách của chúng ta do chính chúng ta tạo nên, không có muộn, không có sớm, chỉ có bắt đầu và không bao giờ kết thúc.

          “Cuộc sống là một khung vải rộng và bạn nên vẽ vào đó tất cả những màu sắc trong khái niệm của mình” (Danny Kaye). Thật vậy, cuộc sống là khung vải rộng mà ở đó bản thân có thể thỏa sức sáng tạo nên chính nhân cách của bản thân, hạnh phúc của mình. Bản thân mỗi con người là một bản gốc, không có bản sao lưu nào khác, vì vậy hãy vẽ lên cuộc sống giá trị khác nhau của bạn, tạo cho mình một nhân cách tích cựcvà mang nét riêng của bản thân “Tôi tự hào vì khác biệt” (Khuyết danh).

Các bài luận liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191