Đánh giá thực trạng công tác trợ giúp pháp lý của Việt Nam hiện nay – cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý
28/04/2009
Về tổ chức, đến cuối năm 2008, cả nước đã có 63 Trung tâm TGPL Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp, 123 Chi nhánh của Trung tâm, 886 Tổ TGPL, 3387 Câu lạc bộ TGPL, 715 mô hình khác như Điểm TGPL, Hòm thư TGPL… Đã có 30/60 Trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và Văn phòng Luật sư, 106/839 tổ chức hành nghề Luật sư đăng ký tham gia TGPL. 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, tạo cơ sở cho việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Về đội ngũ cán bộ, đến nay cả nước có 172 người đã được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý, 67 người đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL và đang trong quá trình làm thủ tục để trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm. Ngoài ra, tham gia TGPL còn có đội ngũ cộng tác viên với 8.013 người, trong đó có 858 cộng tác viên là Luật sư, còn lại hầu hết là những người có kiến thức pháp luật làm việc tại các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội… Theo đánh giá, so với nhu cầu TGPL, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế về số lượng; đội ngũ cộng tác viên còn thiếu, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên số lượng, chất lượng hoạt động không đồng đều, không được hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên… nhìn chung là chưa đáp ứng được nhu cầu TGPL trong xã hội.
Về kết quả TGPL, từ năm 1997 đến năm 2008, Cục TGPL và các Trung tâm đã thực hiện được 1.215.820 vụ việc, trong đó 25.426 vụ đại diện, 47.374 vụ bào chữa, còn lại 1.106.439 vụ tư vấn, 14.533 vụ kiến nghị, 22.048 vụ hòa giải, tổng số có 1.260.680 lượt người được TGPL, trong đó có 545.561 người nghèo, 198.051 người dân tộc, 187.556 người có công với cách mạng, còn lại là các đối tượng khác. Kết quả trên cho thấy, TGPL đã “bắt rễ” vào đời sống xã hội và ngày càng được nhân dân tin dùng.
Như lời đồng chí Nguyễn Đình Lộc – Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo, những con số đánh giá thực trạng như trên đã thể hiện được vai trò của công tác TGPL trong đời sống xã hội. Đến nay, TGPL đã trở thành thiết chế không thể thiếu, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được đông đảo nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, Chiến lược phát triển TGPL phải đặt trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo vị trí thượng tôn của Hiến pháp và luật. Theo đó, công tác TGPL không chỉ là Nhà nước giúp đỡ người dân trong những vấn đề có liên quan đến pháp luật, vì lợi ích của người dân mà còn để đảm bảo cho lợi ích của chính Nhà nước, đảm bảo pháp luật do Nhà nước ban hành có hiệu lực thực tiễn. Muốn vậy, TGPL không phải chỉ là “cầm tay chỉ việc”, mang tính sự vụ, mà cần làm cho dân biết pháp luật, hiểu pháp luật và tự giác thực hiện pháp luật. Đây không chỉ là nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác TGPL mà còn phải là mối quan tâm của ngành Tư pháp nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Ngọc Khánh (Nguồn Cục Trợ giúp pháp lý)
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.