Đe dọa gọi điện hành hung tinh thần của người thân con nợ có phạm pháp luật không?

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Đe dọa gọi điện hành hung tinh thần của người thân con nợ có phạm pháp luật không?

Em là người thân(con trai) của con nợ, năm nay em 19 tuổi. Mẹ em có vay ngoài một khoản tiền, do việc kinh doanh làm ăn thua lỗ nên tiền hiện tại chưa có khả năng trả nợ, vẫn có khất chủ nợ (gồm nhiều người) chứ không hoàn toàn trốn nợ. Thấy vậy, chủ nợ (gồm nhiều người) có gọi cho em chửi bới lăng mạ và đe dọa thấy em ở đâu sẽ đánh ở đó vì mẹ em không trả được nợ. Thật sự lúc này em cảm thấy rất hoang mang và bất bình. Em mong wiki luật sẽ tư vấn và đưa ra hướng đúng đắn nhất cho em tham khảo với ạ. Em xin chân thành cảm ơn.


Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 06 tháng 09 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Xử lý hành vi đe dọa tinh thần và chửi bới người thân của bên vay

  • Bộ luật Dân sự năm 2015
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
  • Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình

3./ Luật sư tư vấn

Trong giao dịch dân sự hàng ngày, việc một cá nhân vay tiền của một hoặc nhiều người khác xảy ra tương đối thường xuyên. Sẽ không có vấn đề gì xảy ra nếu hai bên có thể thỏa thuận được và thực hiện đúng thỏa thuận đó, sự việc chỉ đặt ra khi bên vay nợ không có khả năng trả nợ như đã thỏa thuận từ trước. Khi đó, để đòi nợ nhiều người cho vay sẽ áp dụng những phương thức khác nhau, một trong số đó là người cho vay sẽ đe dọa, chửi bới người vay, thậm chí là người thân của người vay mà không hề biết hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ Khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự:

“1.Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; …”

Theo đó, bên vay là đối tượng có nghĩa vụ trả tiền khi đến hạn trả theo thỏa thuận vay tiền. Khi bên vay không thực hiện được nghĩa vụ trả tiền như đã thỏa thuận thì chủ thể có nghĩa vụ trả tiền có thể là người chịu nghĩa vụ liên đới với người vay về khoản nợ, hoặc người bảo lãnh của người vay về khoản nợ với người cho vay theo thỏa thuận. Ngoài những đối tượng trên thì không một cá nhân nào (kể cả là người thân của người vay) có nghĩa vụ trả tiền cho người vay.

Hơn nữa, việc yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận phải được thực hiện theo đúng yêu cầu của pháp luật, tức là, hai bên (bên vay và bên cho vay) phải thỏa thuận với nhau về việc trả nợ của bên vay, nếu không thỏa thuận được thì bên cho vay có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa giải quyết. Việc đe dọa, chửi mắng người khác (kể cả người vay và người thân của họ) đều không phải là hành vi được pháp luật cho phép áp dụng để đòi nợ. Nên, việc gọi điện đe dọa hành hung, lăng mạ người thân của người vay là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp chủ nợ có hành vi chửi bới lăng mạ và đe doạ người thân của người vay, họ sẽ phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lý bất lợi, phù hợp với mức độ hành vi của họ, cụ thể:

-Căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về “Vi phạm quy định về trật tự công cộng”:

“1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a)Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; …”

Theo đó, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Trong trường hợp này bạn có thể gửi đơn tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền như công an xã, phường, thị trấn,… để yêu cầu giải quyết.

-Căn cứ Điều 592 Bộ luật Dân sự quy định về “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm” thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và các thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội làm nhục người khác” thì “người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Theo đó, trong trường hợp hành vi chửi bới, lăng mạ có dấu hiệu tội phạm thì bạn có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Nếu sau quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà Tòa án ra bản án, quyết định có hiệu lực tuyên người này phạm tội thì họ sẽ phải gánh chịu hình phạt trên theo quy định.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn không có nghĩa vụ trả nợ và người chủ nợ có các hành vi như bạn đã nêu bị coi là người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có thể gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết và tùy theo mức độ của hành vi này mà những chủ nợ sẽ phải gánh chịu những hậu quả khác nhau.

Với những tư vấn về câu hỏi Đe dọa gọi điện hành hung tinh thần của người thân con nợ có phạm pháp luật không?, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191