Năm 2002 bà Nguyễn Thị An (chồng đã chết, không để lại di chúc) viết giấy giao cho con gái thứ 6 là Lê Thị Ngân được sử dụng thửa đất bà đang ở, có xác nhận của UBND xã. Năm 2005 bà An chết. Trước khi chết, bà An gọi tất cả các con lại và nói là mảnh đất bà đang ở sẽ chia đều cho 6 người con, mọi người đều nghe và viết lại lời bà An nói, cùng ký, nhưng không có xác nhận của chính quyền. Sau đó, chị Ngân làm đơn kiện, cho rằng mảnh đất trên thuộc quyền sử dụng của mình, không chia cho ai hết. Xin hỏi như vậy có đúng không?
Gửi bởi: Trần Đức Hiền
Trả lời có tính chất tham khảo
Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai quy định: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này. Do đó, bà An với tư cách là chủ sử dụng đất có toàn quyền chuyển giao thửa đất của mình cho người khác.
Theo thông tin bạn cung cấp, năm 2002, bà An đã viết giấy giao cho con gái là Lê Thị Ngân được sửdụng thửa đất. Với thông tin này thì không thể xác định được rằng: bà An chỉ ủy quyền cho bà Ngân sử dụng mảnh đất; hay đã chuyển quyền (chuyển nhượng/tặng cho) mảnh đất đó cho bà Ngân.
Nếu bà An chỉ cho bà Ngân sử dụng mảnh đất mà không chuyển quyền sử dụng thửa đất đó thì chủ sử dụng thửa đất vẫn là bà An. Bà An có toàn quyền định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật, trong đó có việc để lại thừa kế theo di chúc.
Nếu theo giấy viết có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, bà An đã chuyển quyền sử dụng thửa đất cho bà Ngân thì bà Ngân có quyền thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để trở thành chủ sử dụng đối với mảnh đất đó.
Lưu ý: Theo thông tin bạn cung cấp, trước khi chết, bà An để lại di chúc miệng. Việc lập di chúc miệng là phù hợp với quy định của pháp luật: Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Tuy nhiên, di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp khi: Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực (theo khoản 5 điều 652 Bộ luật Dân sự). Theo quy định này thì di chúc của bà An không được coi là hợp pháp (những người làm chứng đã ghi lại nhưng không công chứng, chứng thực).
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 45/2013/QH13 Đất đai
Trả lời bởi: CTV3
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.