Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Chứng khoán năm 2006, quan điểm về sự thay đổi

Hoạt động chào bán chứng khoán vẫn còn là một đề tài, lĩnh vực rất mới với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Thực tế trong hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng đã phát sinh nhiều vấn đề dẫn tới nhu cầu nghiên cứu và tìm ra ra giải pháp như vấn đề chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước về hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán các sản phẩm chứng khoán. Vì vậy em xin chọ đề bài số 3: “Tìm hiểu điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Chứng khoán năm 2006, từ đó trình bày quan điểm của anh/chị về sự thay đổi này” làm bài thi kết thúc học phần.

1. Khái niệm Chứng khoán

Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: cổ phiếu; trái phiếu; chứng chỉ quỹ; chứng quyền; chứng quyền có bảo đảm; quyền mua cổ phần; chứng chỉ lưu kí; chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định[1]

Chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau đây:

  • Chào bán chứng khoán thông qua phương tiện thông tin đại chúng
  • Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở nên, không kể nhà đàu tư chứng khoán chuyên nghiệp
  • Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định[2]

2. Quy định của Luật Chứng khoán 2019 về điều khiện chào bán chứng khoán ra công chúng

2.1. Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần:

Vốn điều lệ: Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán

Hoạt động kinh doanh: Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

Kế hoạch chào bán: Có phương án phát hành, có phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Tỉ lệ phần trăm số cổ phiếu tối thiểu: Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn, trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;

Nghĩa vụ cam kết: Cổ đông lớn phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán; có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;

Điều kiện khác: Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích; có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán; tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán[3]

2.2. Điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng

 Đáp ứng quy định tại các điểm a, c, e, g, h và i khoản 1 Điều 15 Luật chứng khoán 2019

 Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;

Giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;

Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán. Tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.[4]

2.3. Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông công ty đại chúng:

Cổ phiếu được chào bán phải là cổ phiếu của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán.

Trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức, phương án chào bán cổ phiếu phải được cấp có thẩm quyền của tổ chức đăng ký chào bán thông qua theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của cổ đông đăng ký chào bán.

Cổ phiếu được chào bán thuộc sở hữu của cổ đông đăng ký chào bán và là cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là công ty chứng khoán.

Cổ đông đăng ký chào bán phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.

Việc chào bán cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng có cổ phiếu được chào bán.

Có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính về việc cổ đông chuyển nhượng cổ phiếu của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm trong trường hợp phải có sự chấp thuận theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.[5]

2.4. Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần

Có phương án chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.

Có phương án phát hành được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; có phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán (trừ trường hợp chào bán theo hình thức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định này) được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.

Các thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu công ty phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Việc chào bán cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo quy định của pháp luật.

Có thỏa thuận giữa thành viên có phần vốn được chào bán với tổ chức phát hành về phương án chào bán, giá chào bán trong trường hợp chào bán phần vốn góp của thành viên.

Điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, e, g, h và i khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán.[6]

2.5. Điều kiện công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng với giá thấp hơn mệnh giá

Giá cổ phiếu của tổ chức phát hành giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, trong đó giá cổ phiếu được tính bằng bình quân giá tham chiếu của 60 ngày giao dịch liên tiếp liền trước ngày chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến hoặc hợp Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành.

Có đủ thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán đủ bù đắp phần thặng dư âm phát sinh do chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá.

Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán.

2.6. Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng

Về vốn điều lệ: Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán

Về hoạt động kinh doanh: Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi; không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm.

Kế hoạch chào bán: Có phương án phát hành, có phương án sử dụng, trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán, tất cả phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua

Nghĩa vụ cam kết: Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác; tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích.

Điều kiện khác: Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán; có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng; tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán; tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán[7].

Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại điều 19 nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán như tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh

2.7. Điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng:

Điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng áp dụng theo quy định tại khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 15 luật chứng khoán 2019 và các quy định tại điều 21 nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán 2019

2.8. Điều kiện chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng

Tổng giá trị chứng chỉ quỹ đăng ký chào bán tối thiểu là 50 tỷ đồng;

Có phương án phát hành và phương án đầu tư vốn thu được từ đợt chào bán chứng chỉ quỹ phù hợp với quy định của Luật này;

Phải được giám sát bởi ngân hàng giám sát theo quy định của Luật này;

Chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng phải được niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán, trừ trường hợp chào bán chứng chỉ quỹ mở.[8]

Ngoài ra, nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ còn quy định một số điều kiện cho các loại hình chào bán chứng khoán ra công chúng khác như: Điều kiện chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng (điều 23), Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng bằng đồng Việt Nam của tổ chức tài chính quốc tế (điều 26), Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng cho nhiều đợt chào bán (điều 28), Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty sau quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp (điều 30), Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty hình thành sau hợp nhất công ty không thuộc trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp (điều 32), Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty sau chia, tách công ty (điều 34), Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam của doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài (điều 36), Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (điều 39).

3. Sự thay đổi về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo Luật Chứng khoán 2019 và Luật Chứng khoán 2006

Luật chứng khoán năm 2019 có một số điểm thay đổi về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng so với Luật chứng khoán 2006 như sau:

STTĐiều kiệnLuật chứng khoán 2006Luật chứng khoán 2019
1Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bánTừ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toánTừ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán
2Lãi năm trướcHoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bánHoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán

Ngoài ra luật chứng khoán 2019 còn quy định thêm một số quy định như sau:

Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1000 tỷ đồng trở lên tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành

Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán

Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích

Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán.

Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán

Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.

Những thay đổi của luật chứng khoán 2019 so với luật chứng khoán 2006 có ý nghĩa lớn trong việc hoàn thiện pháp luật về chứng khoán:

-Luật chứng khoán 2019 nâng điều kiện về vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng. Đồng thời, điều này cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để gắn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với niêm yết chứng khoán và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc quy định nâng mức vốn điều lệ lên 30 tỷ khi thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn và thị trường (hiện nay ở Việt Nam có khoảng 98% các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ)[9].

-Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, nhất là các nhà đầu tư

-Thể hiện được tính công bằng minh bạch của thị trường chứng khoán từ đó ngăn ngừa và kiểm soát được các rủi ro cho các chủ thể tham gia vào hoạt động chào bán chứng khoán cũng như các nhà đầu tư[10]

– Đảm bảo sự giám sát hoạt động sử dụng vốn huy động từ hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, đặc biệt là đối với hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng.

Chào bán chứng khoán ra công chúng dù đã trải qua nhiều năm áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam vẫn là một trong những vấn đề còn khá mới mẻ không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước mà các chủ thể tham gia như tổ chức phát hành, nhà đầu tư, tổ chức trung gian…. Vì vậy cần phải hoàn thiện hơn nữa pháp luật về chứng khoán nói chung và điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng nói riêng từ đó tạo cơ sở cho sự phát triển ổn định và lâu dài của thị trường chứng khoán Việt Nam.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Giáo trình luật chứng khoán, Đại học Luật Hà Nội, nxb Công an nhân dân 2021, chủ biên TS Phạm Thị Thu Giang.
  2. Luật chứng khoán 2019
  3. Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán

[1] Khoản 1 điều 4 luật chứng khoán 2019

[2] Khoản 19 điều 4 luật chứng khoán 2019

[3] Khoản 1 điều 15 luật chứng khoán 2019

[4] Khoản 2 điều 15 luật chứng khoán 2019

[5] Điều 13 nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật chứng khoán 2019

[6] Điều 15 nghị định 155/2020/NĐ-CP QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CHỨNG KHOÁN

[7] Khoản 3 điều 15 luật chứng khoán 2019

[8] Khoản 5 điều 15 luật chứng khoán 2019


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191