Câu hỏi: Điều kiện quảng cáo thuốc
Tôi đang kinh doanh thuốc và một số thực phẩm chức năng, tôi muốn thuê một số đơn vị để tiến hành quảng cáo, công ty hãy tư vấn cho tôi điều kiện để quảng cáo thuốc và những thứ được quảng cáo trên thuốc?
Luật sư Tư vấn Điều kiện quảng cáo thuốc – Gọi 1900.0191
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.
Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1. Thời điểm sự kiện pháp lý
Ngày 19 tháng 09 năm 2017
2. Cơ sở pháp lý
Luật Quảng cáo 2012
Nghị định 181/2013/NĐ-CP
Nghị định 59/2006/NĐ-CP
Nghị định 43/2009/NĐ-CP)
3. Luật sư trả lời
Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo Luật quảng cáo 2012 bao gồm:
– Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật (xem chi tiết tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP)
– Thuốc lá
– Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên
– Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ dung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình vú và vú ngậm nhân tạo.
– Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
– Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
– Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
– Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Theo đó, nếu thuốc của anh/ chị thuộc loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc thì không được quảng cáo
Nếu loại thuốc của anh/ chị không thuộc loại thuốc cấm quảng cáo thì anh chị được thực hiện quảng cáo thuốc nếu đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Điều 20 Luật quảng cáo 2012 sau đây:
Điều 20. Điều kiện quảng cáo
1. Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
3. Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
…
Ngoài ra,
Nội dung quảng cáo thuốc phải phù hợp với các tài liệu:
– Giấy phép lưu hành tại Việt Nam;
– Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt;
– Chuyên luận về thuốc đã được ghi trong Dược thư Quốc gia hoặc có trong các tài liệu về thuốc đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất công nhận.
Quảng cáo thuốc phải có các nội dung sau đây:
– Tên thuốc theo quyết định cấp sổ đăng ký lưu hành tại Việt Nam;
– Tên hoạt chất của thuốc:
Thuốc tân dược dùng tên theo danh pháp quốc tế;
Thuốc có nguồn gốc dược liệu dùng tên theo tiếng việt, trường hợp tên dược liệu ở Việt Nam chưa có thì dùng theo tên nguyên bản nước xuất xứ kèm tên la-tinh
– Chỉ định của thuốc
– Chống chỉ định hoặc các khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người có thai, người đang cho con bú, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính;
– Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
– Khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.
Quảng cáo thuốc trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng tên thuốc, tên hoạt chất thuốc và khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Nếu thành phần thuốc có từ 03 hoạt chất trở lên thì tùy theo thời lượng phát sóng, có thể đọc tên hoạt chất chính hoặc đọc tên chung các vitamin, khoáng chất, dược liệu.
Quảng cáo thuốc trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đáp ứng đủ nội dung về tên thuốc, tên hoạt chất thuốc, tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”
Các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc bao gồm:
– Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong;
– Chi định điều trị bệnh lây qua đường tình dục;
– Chỉ định điều trị chứng mất ngủ kinh niên;
– Các chỉ định mang tính kích dục;
– Chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u;
– Chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự khác.
Thông tin, hình ảnh cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc bao gồm:
– Hình ảnh người bệnh;
– Sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá;
– Hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.