Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên

Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên


Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên
Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên

MỞ ĐẦU

Người chưa thành niên là người đang ở lứa tuổi mà khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội bị hạn chế và đôi khi còn bị tác động mạnh mẽ của những điều kiện bên ngoài. Chính sách hình sự của ta đối với người chưa thành niên chủ yếu là giáo dục và giúp đỡ họ sửa chữa những sai lầm, phát triển lành mạnh để họ trở thành những công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, thủ tục tố tụng cũng phải được quy định phù hợp với lứa tuổi của người chưa thành niên.

Trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm chưa thành niên ở nước ta có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Nếu như những năm 2000 trở về trước, người chưa thành niên thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn, thì những năm gần đây thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này cũng không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, tính chất, mức độ của tội phạm lại ngày càng nguy hiểm hơn vượt quá giới hạn của độ tuổi người chưa thành niên như: hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức, có cơ cấu chặt chẽ. Thực hiện các hành vi phạm tội: giết người (con giết cha mẹ, cháu giết ông bà); cướp tài sản có sử dụng vũ khí nóng; hiếp dâm; mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy. Vì những lý do trên, nên vấn đề điều tra, chứng minh trong những vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên ngày càng trở nên quan trọng. Sau đây, là đề tài Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

NỘI DUNG

I.Những vấn đề lý luận cơ bản về đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên

1) Khái niệm đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự nói chung

Nhiệm vụ của hoạt động tố tụng trong giải quyết vụ án cụ thể là phát hiện nhanh chóng, xử lý chính xác, công minh tội phạm và người phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Việc chứng minh tội phạm là nhằm làm sáng tỏ các tình tiết khác nhau của vụ án phục vụ cho\việc định tội, quyết định trách nhiệm hình sự và hình phạt cũng như giải quyết các vấn đề khác liên quan của vụ án. Như vậy ta có thể định nghĩa:

Đối tượng chứng minh là tất cả các tình tiết phải được xác định đảm bảo cho việc giải quyết đúng đắn, khách quan, toàn diện vụ án hình sự.

Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự là một hệ thống các tình tiết thống nhất, liên quan chặt chẽ và có ý nghĩa quan trọng. Để giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án hình sự, cần phải xác định đầy đủ các tình tiết thuộc đối tượng chứng minh, không thể coi trọng hay xem nhẹ bất kì đối tượng nào.

2) Tầm quan trọng của đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên

Việc làm rõ đối tượng chứng minh có ý nghĩa quan trọng trong xác định đúng đắn phạm vi, giới hạn chứng minh. Xác định không đầy đủ đối tượng chứng minh sẽ dẫn đến tội phạm không được chứng minh đầy đủ, các tình tiết của vụ án không được làm rõ hết, làm cho việc giải quyết vụ án không toàn diện, thiếu chính xác. Ngược lại, nếu xác định đối tượng chứng minh quá rộng so với đòi hỏi của pháp luật thì làm cho việc chứng minh dàn trải không cần thiết, quá trình chứng minh rắc rối hơn, kéo dài thời gian tố tụng dẫn đến giải quyết vụ án không kịp thời.

Đối với đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự có bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì việc tìm hiểu những đặc điểm tâm lý lứa tuổi người chưa thành niên là không thể thiếu được đối với cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng. Ở lứa tuổi này, người chưa thành niên thường có những đặc điểm sau:

– Do đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ về thể lực và tâm sinh lý dẫn đến sự thay đổi về tâm lý và hành động của người chưa thành niên trong các quan hệ xã hội. Khả năng phát triển cụ thể của từng người có thể khác nhau, song nói chung đây là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi trẻ con sang tuổi người lớn, họ không còn thụ động với vai trò của người được dạy dỗ nhưng mặt khác lại chưa là người lớn. Nói một cách khác, ở lứa tuổi này, người chưa thành niên đang có sự thay đổi rất lớn về thể chất và sinh lý, tâm trạng thay đổi rất thất thường như dễ bị kích động, lòng kiên trì và năng lực tự kiềm chế thấp, dễ bốc đồng nhưng cũng dễ dao động, hăng hái nhưng khi gặp khó khăn lại dễ chán nản, bỏ cuộc.

– Sự vươn lên vị trí độc lập của người chưa thành niên theo xu hướng chung diễn ra rất tự phát. Do ở độ tuổi này, năng lực trí tuệ cũng như năng lực tư duy trừu tượng đang phát triển và hoàn thiện trong mối tương quan với sự phát triển về thể chất và tâm sinh lý nên dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về mức độ và nhịp độ của hành vi.

– Đối với họ, những áp đặt của người lớn, sự chỉ bảo cặn kẽ, việc kiểm tra, giám sát đã trở thành xiềng xích và cần phải phá bỏ. Họ muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc với người lớn bằng nhiều cách khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của từng người. Từ đó, người chưa thành niên thường thích hành động tự do, nhưng đôi khi lại là tự do thái quá và trở nên tuỳ tiện.

– Thích tìm hiểu mọi vấn đề, tò mò khám phá. Tính hiếu thắng đã trở thành phổ biến trong mỗi hành động của họ và nhiều khi là động cơ trực tiếp thúc đẩy người chưa thành niên đi đến quyết định bột phát, thiếu suy nghĩ, thiếu cân nhắc kỹ lưỡng và có lúc trở thành liều lĩnh. Ở lứa tuổi này, người chưa thành niên rất linh hoạt nhạy cảm và hiếu động, có trí tưởng tượng phong phú, vì vậy ranh giớí giữa cái đúng – sai thường dễ bị lẫn lộn.

– Về mặt động cơ, hành vi của người chưa thành niên là loại hành vi dễ chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh, nhạy bén về tinh thần, có tính hay học đòi, bắt chước nhưng chưa có khả năng tự kiềm chế và đánh giá vấn đề xảy ra với mình một cách toàn diện. Do tính chủ động của người chưa thành niên còn thấp, dễ biến động nên họ dễ bị kích động, lôi kéo hoặc rủ rê và hành động không đúng chuẩn mực vì những lý do khác nhau.

Từ những đặc điểm trên, nên Bộ luật Tố tụng hình sự đã có những quy định riêng về đối tượng chứng minh của vụ án hình sự có bị can, bị cáo là người chưa thành niên, từ đó có căn cứ làm rõ hành vi phạm tội của người chưa thành niên và cũng làm tiền đề để cân nhắc hình phạt cho những đối tượng đặc biệt này.

II.Những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên

Khi tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên, ngoài việc xác định những vấn đề cần chứng minh có tính chất bắt buộc chung đối với các vụ án hình sự và các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án còn phải chứng minh những tình tiết được quy định tại khoản 2 Điều 302 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, đó là:

– Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên

– Điều kiện sống và giáo dục

– Có hay không có người thành niên xúi giục

– Nguyên nhân và điều kiện phạm tội

1) Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên

Trong quá trình tiến hành tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xác định tuổi của người chưa thành niên. Việc này cần thiết cho vấn đề có truy cứu hay không trách nhiệm hình sự đối với người đó. Mặt khác, việc xác định tuổi còn cần thiết cho việc quyết định áp dụng hình phạt thích hợp và đảm bảo chế độ thi hành án đúng quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên.

Do vậy, khi điều tra, truy tố, xét xử những bị can, bị cáo mà lý lịch của họ chưa được làm rõ thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chỉ được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử khi có đầy đủ căn cứ kết luận rằng bị can, bị cáo là người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự và chỉ áp dụng đường lối xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội khi có đầy đủ căn cứ để kết luận rằng bị cáo chưa thành niên khi phạm tội.

Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT –VKSTC –TANDTC –BCA -BTP-BLĐTBXH về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên được ban hành Ngày 12/7/2011 bởi Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã quy định rất cụ thể thủ tục tố tụng hình sự về việc xác định tuổi người chưa thành niên.

Việc xác định tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo thì tuổi của họ được xác định như sau:

a.Trường hợp xác định được tháng sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày thì trong tháng đó lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.

b.Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;

c.Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;

d.Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh của bị can, bị cáo thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.

e.Trường hợp không xác định được năm sinh của bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.

Đối với người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng còn phải làm rõ mức độ phát triển về thể chất và tinh thần của họ. Mức độ phát triển về tinh thần cũng ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của con người, ví dụ như những người mắc bệnh tâm thần, bệnh rối loạn tính tình, trí tuệ thiểu năng,…

Bên cạnh đó, tình trạng trí óc kém phát triển dù ít khi là nguyên nhân trực tiếp của hành vi phạm tội nhưng vẫn có liên quan tới hành vi đó. Những người mắc bệnh này thường dễ bị xúi giục phạm tội hơn là những người có trí tuệ ở mức trung bình. Mặt khác, những đặc điểm thể chất không bình thường như dị hình, khuyết tật, cũng có liên quan mật thiết đến hành vi phạm tội, vì trong thực tế những đặc điểm này tạo ra những khó khăn đặc biệt về tâm lý trong nội tâm cá nhân gây, từ đó những người này sẽ bị cách biệt khó hoà đồng cùng cộng đồng và tiềm ẩn nảy sinh nhiều ý nghĩ, hành vi tiêu cực.

2) Điều kiện sinh sống và giáo dục

Môi trường xung quanh cũng như điều kiện sinh sống và giáo dục có ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản thân người chưa thành niên trong quá trình hình thành nhân cách và ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi phạm tội của họ. Cụ thể là những vấn đề sau đây cần phải được xem xét

– Người chưa thành niên trước hết do bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tiêu cực trong chính môi trường gia đình của họ. Ảnh hưởng của các thành viên trong gia đình tới việc người chưa thành niên phạm tội là rất lớn. Những người thân trong gia đình nếu không gương mẫu trong sinh hoạt, xử sự trái các chuẩn mực đạo đức xã hội, có thái độ dung túng hành vi vi phạm pháp luật sẽ là nguồn gốc, là tấm gương mờ làm vẩn đục tâm hồn, làm nảy sinh ý thức và hành vi phạm tội của các em.

Thực tiễn cho thấy khi hình ảnh về người bố, người mẹ, cùng với những đạo lý giữa người với người, lòng chung thuỷ, sự cao thượng, niềm tin vào con người, tương lai trở nên lu mờ, lạnh nhạt dần trong các em, thì chắc chắn cũng dần dần hình thành ở các em những hành vi chống đối gia đình, xã hội.

Phương pháp giáo dục trong gia đình luôn luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hầu hết trẻ em phạm tội đều sinh ra và lớn lên trong điều kiện thiếu sự quan tâm nuôi dạy chu đáo của gia đình hoặc nếu có thì thường tác động một cách tiêu cực. Ở đó gia đình thường có quan điểm không đúng đắn, thường có sự xung đột giữa phương pháp giáo dục của cha mẹ với tâm lý, tình cảm của con cái hoặc trái ngược hẳn với biện pháp giáo dục của nhà trường.

Hơn nữa, có khi ngay bản thân những người trong gia đình có sự mâu thuẫn trong giáo dục (chẳng hạn người bố quá nghiêm khắc, còn người mẹ lại quá nuông chiều, dễ dãi). Sự đánh đập, thô bạo với các em để buộc các em phải theo một cách thức nhất định không phải là biện pháp tốt, thậm chí còn là nguồn gốc gây ra các trạng thái tâm lý phản ứng, tính thô bạo, sự liều lĩnh của trẻ.

Bên cạnh đó sự nhân nhượng một cách vô nguyên tắc những đòi hỏi oái ăm của con cái, lại dần tạo ra cho đứa trẻ những hành động vô nguyên tắc, vô kỷ luật và do đó đẩy các em tới chỗ hư hỏng. Một số gia đình do không nắm vững được tâm lý lứa tuổi mới lớn, cùng với việc thiếu phương pháp sư phạm trong dạy dỗ con cái, nên thường có hành vi cấm đoán, kiềm chế các em bằng các hình thức kỷ luật hà khắc, tách biệt các em với môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái cũng là một nguyên nhân dẫn đến gia tăng số lượng trẻ em phạm tội, thể hiện ở việc thiếu kiểm tra hoặc có nhưng sơ sài, qua loa đối với hoạt động hàng ngày của con cái.

Ngoài ra, còn phải kể đến một số nguyên nhân khác nữa như: Điều kiện gia đình khó khăn, các em phải nghỉ học phụ giúp gia đình kiếm sống bằng nhiều cách, thiếu sự quản lý của gia đình; sự bất bình đẳng trong gia đình cũng làm phát sinh ở các em tâm lý bi quan, chán nản cuộc sống…

– Nếu gia đình là ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất trong việc đào tạo tư cách của người chưa thành niên thì nhà trường cũng góp phần hết sức quan trọng vào việc hình thành nhân cách của các em. Nhà trường không chỉ dạy và truyền thụ kiến thức cho các em mà còn giáo dục những phẩm chất nhân cách của học sinh và hoàn thiện những nhân cách ấy. Quá trình ở nhà trường là quá trình thầy, cô giáo giúp học sinh nhận biết, khám phá và sáng tạo, là quá trình giúp học sinh chọn lọc, suy nghĩ về cuộc sống thông qua những tri thức được cung cấp từ sách vở đến những hành động trong cuộc đời.

– Môi trường sinh hoạt xung quanh, những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội cũng ảnh hưởng đến đầu óc nhạy cảm và hiếu động của người chưa thành niên. Ảnh hưởng không lành mạnh cảu môi trường xung quanh tác động lớn đến người chưa thành niên, bởi họ đang ở lứa tuổi hiếu động, hăng hái, nhiều khi bồng bột, không có khả năng tự kiềm chế bản thân và thích thú các hoạt động giao tiếp nên dễ bị kích động, lôi kéo.

3) Có hay không có người thành niên xúi giục

Một vấn đề cần được xác định là người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội có hay không sự tham gia và chỉ huy của người thành niên. Trong thực tế kẻ xấu thường lợi dụng sự bồng bột, nhẹ dạ cả tin, có khi là hoàn cảnh khó khăn của người chưa thành niên để lôi kéo họ vào con đường phạm tội. Đôi khi chúng còn đe doạ, khống chế buộc các em phải phạm tội. Cá biệt có những trường hợp bố mẹ lôi kéo, rủ rê, xúi giục con em mình phạm tội.

Theo điểm i khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 thì phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vì vậy trong những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên cần phải xác định có người lớn xúi giục hay không.

4) Nguyên nhân và điều kiện phạm tội

Muốn đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và đối với người chưa thành niên phạm tội nói riêng có hiệu quả đồng thời đề ra được biện pháp khắc phục, ngăn ngừa hợp lý, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân và điều kiện dẫn họ đến con đường phạm tội. Thông qua hoạt động thống kê tội phạm, có thể rút ra bốn nguyên nhân cơ bản sau:

a.Từ phía gia đình

Đây là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu, bởi môi trường sống trong gia đình có tác động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ em. Quản lý và giáo dục của gia đình là một quá trình liên tục và lâu dài từ khi đứa trẻ sinh ra cho đến khi trưởng thành. Gia đình nào tạo dựng được môi trường giáo dục tốt, có nề nếp kỷ cương thì con cái có lối sống trong sáng, lành mạnh. Ngược lại, môi trường giáo dục trong gia đình không tốt sẽ là nguyên nhân dẫn con cái đến con đường vi phạm pháp luật.

b.Từ phía nhà trường

Hiện nay, hầu hết các trường học quản lý còn mang nặng tính hình thức. Trong khi đó, các chương trình giáo dục pháp luật lại chưa được chú trọng, chưa có nhiều giải pháp quản lý, giáo dục và giúp đỡ các học sinh chưa ngoan. Đặc biệt hình thức xử lý là đuổi học khi áp dụng lại vô tình tạo ra khoảng trống thiếu vắng sự quản lý, giáo dục nên dễ đưa học sinh vào con đường vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, sự phối hợp trao đổi thông tin, liên lạc giữa gia đình và nhà trường thiếu chặt chẽ nên nhiều học sinh tự ý bỏ học đi lang thang hoặc tìm niềm vui qua các trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm mà nhà trường và gia đình không hay biết. Đây là điều kiện để các đối tượng xấu ngoài xã hội lợi dụng để lôi kéo các em vào con đường vi phạm pháp luật.

c.Từ phía xã hội

Do những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cùng với những thiếu sót trong việc quản lý văn hóa – xã hội của các cơ quan nhà nước, nên các thứ văn hoá đen cũng ồ ạt tràn vào thông qua các phương tiện như internet, báo chí, đài báo, truyện tranh, cộng với cuộc sống vật chất dư thừa tại các đô thị càng tạo cho người chưa thành niên những điều kiện cần thiết để thực hiện hành vi phạm tội. Mặt khác, chúng ta cũng chưa đánh giá được hết tính chất phức tạp, nghiêm trọng của tình hình vi phạm và tội phạm người chưa thành niên để đề ra những chủ trương, biện pháp phòng ngừa ngăn chặn và đấu tranh phù hợp. Hệ thống pháp luật về trẻ em và người chưa thành niên thiếu đồng bộ, việc thi hành còn nhiều bất cập. Ví dụ điển hình như vụ án Lê Văn Luyện gây ra vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) đã gây chấn động dư luận trong thời gian vừa qua.

d.Từ chính bản thân người chưa thành niên

Người chưa thành niên có những đặc thù riêng, đó là nhóm đối tượng còn chưa được hoàn thiện về thể chất và tinh thần. ở độ tuổi này, họ luôn hướng tới sự ham thích mới lạ, hiếu động, muốn thể hiện tính anh hùng, hảo hán, do đó có trường hợp chỉ vì cái nhìn thiếu thiện cảm hay chỉ vì xích mích nhỏ mà các em thực hiện những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như cố ý gây thương tích, giết người hoặc dễ bị các đối tượng xấu trong xã hội kích động, lôi kéo vào con đường vi phạm pháp luật.

III. Hoàn thiện và vấn đề thực hiện pháp luật về đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên

Các đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên nói chung đã được liệt kê đầy đủ tại khoản 2 Điều 302 và hướng dẫn thi hành tại Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT –VKSTC –TANDTC –BCA -BTP-BLĐTBXH, nhưng khi được đưa vào áp dụng trong thực tế thì vẫn còn vướng phải nhiều bất cập rất khó để xử lý thoả đáng.

– Vấn đề thứ nhất là xác định tuổi của người chưa thành niên: Cụ thể như, trong vụ án hiếp dâm trẻ em tại tỉnh An Giang, người bị hại đã khai mình dưới 13 tuổi, tại phiên toà  xử sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo tám năm tù. Tại phiên phúc thẩm sau đó, bị cáo vẫn một mực cho rằng mình oan vì nạn nhân to lớn thế, không thể nào dưới 13 tuổi… Xét thấy giấy khai sinh của nạn nhân chưa đủ cơ sở pháp lý để tin cậy, tòa hủy án, yêu cầu cơ quan điều tra giám định xương nạn nhân để biết chính xác tuổi bao nhiêu. Và kết quả giám định lại đã kết luận nạn nhân đã 18 tuổi.

Trong một vụ án khác, nạn nhân bị đánh mang thương tật 5%. Thủ phạm bị khởi tố vì có hai tình tiết tăng nặng định khung là dùng hung khí nguy hiểm và phạm tội đối với trẻ em. Sau đó, TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) trả hồ sơ để giám định xương nhằm xác định lại độ tuổi của nạn nhân vì bị cáo cho rằng nạn nhân khai ít tuổi để đi học.

Hai tháng sau, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận vào thời điểm giám định nạn nhân khoảng 18 đến 19 tuổi chứ không phải hơn 13 tuổi như trong các giấy tờ. Tòa cấp sơ thẩm chấp nhận kết quả giám định chứ không thừa nhận giấy chứng sinh, giấy khai sinh. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm sau đó đã nhìn nhận giấy chứng sinh gốc và giấy khai sinh là những tài liệu do các cơ quan chức năng cấp hợp pháp, ngoài ra không có tài liệu nào phủ nhận các giấy tờ này, cấp sơ thẩm chấp nhận kết quả giám định pháp y là thiếu căn cứ pháp lý.

Như vậy chúng ta có thể thấy vấn đề xác đinh độ tuổi đã và đang nảy sinh rất nhiều khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền. Nguyên nhân của hiện tượng này thứ nhất là do hoạt động của các cơ quan chức năng cũng như hiểu biết của người dân trong vấn đề cấp giấy khai sinh còn chưa rõ ràng, chặt chẽ, ở các tỉnh vùng sâu vùng xa còn có hiện tượng con sinh vài năm rồi mới đi làm giấy khai sinh, gây ra hậu quả sai lầm về tuổi tác là rất phổ biến; thứ hai, do những hạn chế về các phương tiện khoa học, kỹ thuật mà nhiều khi các kết quả giám định còn sai lệch, không chính xác.

Mặt khác, theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2003 và Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT –VKSTC –TANDTC –BCA -BTP-BLĐTBXH thì có hướng dẫn cách xác định tuổi của người chưa thành niên bằng phương pháp giám định, nhưng lại không có bất cứ quy định hay hướng dẫn nào về việc nếu có sự khác biệt giữa biên bản giám định và giấy khai sinh thì tài liệu nào sẽ có giá trị pháp lý cao hơn và được ưu tiên sử dụng. Điều này cũng đã gây ra trở ngại lớn trong hoạt động tó tụng đối với người chưa thành niên.

– Vấn đề thứ hai là các cơ quan tiến hành tố tụng chưa được đào tạo kỹ lưỡng về các nghiệp vụ riêng đối với người chưa thành niên:

Đó là, chưa có bộ phận chuyên trách trong cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng đối với trẻ em; chưa có Tòa án dành riêng cho các vụ án liên quan tới người chưa thành niên; phần lớn các cán bộ làm công tác thực thi pháp luật chưa được đào tạo những kỹ năng cơ bản khi làm việc với người chưa thành niên; các biện pháp xử lý không chính thức đối với người chưa thành niên còn thiếu. Có thể nói hệ thống tư pháp hiện hành vẫn chưa đạt được mục tiêu mang lại cho người chưa thành niên cơ hội phát triển tốt nhất.

KẾT LUẬN

Bảo vệ trẻ em nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Mặc dù vậy, trong thời gian qua tình hình người chưa thành niên phạm tội vẫn tiếp tục gia tăng với những diễn biến phức tạp. Bởi vậy, cần thiết phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội, cùng với đó là các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc ngay từ lúc đầu và hạn chế tối đa sự lợi dụng của các đối tượng xấu lên người chưa thành niên.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Bộ luật hình sự 1999
  • Bộ luật tố tụng hình sự 2003
  • Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10-06-2002 của Toà án nhân dân tối cao  về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ
  • Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT –VKSTC –TANDTC –BCA -BTP-BLĐTBXH về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên được ban hành Ngày 12/7/2011 bởi Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Giáo trình Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam

 


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191