Đóng án phí dân sự mới tiến hành phúc thẩm

Đóng án phí dân sự mới tiến hành phúc thẩm

Gia đình tôi là bị đơn trong một vụ án dân sự về vi phạm hợp đồng vay cá nhân. Tòa tuyên án là chúng tôi phải bồi thường phần tiền theo trên giấy nợ giữa gia đình chúng tôi và nguyên đơn (nhưng một điều bất thường là trong giấy vay tiền có một chữ ký bị giả mạo mà chúng tôi đề nghị giám định chữ ký đó để xác định tính trung thực của giấy nợ, chữ ký này là chủ sở hữu của tài sản là đất và nhà mà nguyên đơn nhận thế chấp) và phải thanh toán án phí là hơn 4tr500 ngàn. Nay chúng tôi không đồng tình về quyết định này của tòa án và làm đơn xin phúc thẩm lại vì cho rằng tính công minh của tòa đã có phần méo mó nhưng khi làm đơn gửi tòa thì tòa lại buộc phải đóng tiền án phí như đã nêu trên thì mới tiến hành phúc thẩm. Là một người công dân có phần hạn chế về pháp luật hiện hành, tôi kính mong nhận được sự giải đáp từ Quý cơ quan.

Gửi bởi: Đỗ Thị Huyền Trang

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo trình bày của bạn thì bạn là bị đơn trong một vụ án dân sự về vay tài sản. Vụ việc đã được tòa án cấp sơ thẩm giải quyết và theo phán quyết của tòa án, bạn phải nộp án phí là 4.500.000 đồng. Bạn đã thực hiện quyền kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm để tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp. Bạn có hỏi rằng tại sao tòa án cấp phúc thẩm lại yêu cầu bạn “phải đóng tiền án phí như đã nêu trên thì mới tiến hành phúc thẩm”. Về vấn đề này, tôi trả lời như sau:

Về án phí, theo quy định pháp luật bao gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm (Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004).

Án phí sẽ được tòa án cấp sơ thẩm quyết định theo đó đương sự phải chịu án phí đối với yêu cầu của họ không được chấp nhận và bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận (khoản 1, 2 Điều 27 Pháp lệnh về án phí, lệ phí tòa án năm 2009). Mức án phí được tính tùy thuộc vào vụ việc thực tế cụ thể tùy thuộc vào loại tranh chấp là dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân gia đình… và tùy thuộc và vụ tranh chấp là có giá ngạch hay không có giá ngạch và được quy định cụ thể tại Danh mục mức án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh về án phí, lệ phí tòa án năm 2009.

Khi kháng cáo, theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 28 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án năm 2009, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này. Mức tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.

Theo quy định tại Điều 248 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, “sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm” (khoản 1) và “trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng” (khoản 2).

Từ các quy định trên, trong trường hợp đơn kháng cáo của gia đình bạn là hợp lệ, theo quy định tòa án cấp sơ thẩm sẽ có thông báo cho gia đình bạn nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Thời hạn nộp là 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Vì tranh chấp của gia đình bạn với nguyên đơn là tranh chấp dân sự liên quan đến vay nợ nên không thuộc các trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án; không thuộc trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án. Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm bằng mức án phí dân sự phúc thẩm và theo Danh mục mức án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án thì mức án phí dân sự phúc thẩm bằng 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng).

Mặt khác, căn cứ, điều kiện để tòa xét xử phúc thẩm không có điều kiện phải là bên kháng cáo phải nộp đầy đủ án phí dân sự sơ thẩm. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự tại các điều 242, 243, 244, 245, 248 thì khi người có quyền kháng cáo có đơn kháng cáo hợp lệ, trong phạm vi thời hạn kháng cáo theo quy định (15 ngày, kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc ngày niêm yết của bản án), người kháng cáo đã nộp đủ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn quy định.

Như vậy, việc tòa án yêu cầu gia đình bạn phải đóng đủ án phí sơ thẩm là 4.500.000 đồng mới tiến hành phúc thẩm là không phù hợp với quy định pháp luật. Trong trường hợp gia đình bạn đã có đơn kháng cáo hợp lệ và trong thời hạn kháng cáo thì chỉ phải đóng tạm ứng án phí phúc thẩm. Mức tạm ứng án phí phúc thẩm bằng án phí phúc thẩm và bằng 200.000 đồng.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12 Án phí, lệ phí tòa án

Trả lời bởi: CTV5


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191