Gây tai nạn rồi bỏ chạy

Gây tai nạn rồi bỏ chạy

Tôi là tài xế lái xe taxi. Trong 1 lần chở khách xe của tôi bị một xe khác đi ngược chiều đâm vào, hậu quả là hành khách trên xe của tôi bị thương và xe tôi bị hư hỏng (xe của tôi đi đúng làn đường và đúng tốc độ). Sau khi gây ra tai nạn chiếc xe kia đã bỏ chạy. Vậy tôi muốn hỏi tài xế của chiếc xe gây tai nạn rồi bỏ chạy kia sẽ bị xử lí như thế nào?

Gửi bởi: Đỗ Thanh Tùng

Trả lời có tính chất tham khảo

Hành vi đi ngược chiều đâm vào xe taxi làm hành khách bị thương và xe taxi bị hư hỏng và sau khi gây ra tai nạn bỏ trốn thì tùy vào mức độ thiệt hại cho sức khỏe của hành khách ngồi trên xe taxi và xe taxi của bạn mà người lái xe kia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc chỉ phải chịu xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cụ thể:

– Nếu thiệt hại đối với hành khách ngồi trên xe taxi và xe taxi được cơ quan có thẩm quyền xác định là gây thiệt hại nghiêm trọng và với tình tiết sau khi gây tai nạn rồi bỏ trốn thì người lái xe này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định theo điểm c khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 và sẽ phải chịu áp dụng hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội, cụ thể:

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

– Ngược lại, nếu thiệt hại đối với hành khách ngồi trên xe taxi và xe taxi được cơ quan có thẩm quyền xác định là gây thiệt hại chưa hoặc ít nghiêm trọng thì tùy thuộc vào hành vi vi phạm cụ thể về an toàn giao thông đường bộ mà người lái xe này chỉ phải chịu xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định 34/2010/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm đối hành vi: Đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều; trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định”.

Bên cạnh đó, cho dù ở vi phạm ở mức độ nào thì người lái xe trên cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 cho hành khách trên xe taxi và và cho chủ xe taxi bị hỏng./.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 34/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Trả lời bởi: Thạc sỹ Ngô Thanh Xuyên


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191