Họp chợ, xây đặt bục, bệ trái phép trên đường phố gây cản trở hoạt động giao thông đường bộ

Họp chợ, xây đặt bục, bệ trái phép trên đường phố gây cản trở hoạt động giao thông đường bộ

Trong quá trình phát triển của thành phố Lạng Sơn về phía bắc, quốc lộ 1A cũ đã trở thành đường đô thị trục chính nối thành phố với thị trấn Đồng Đăng, hai bên đường là một loạt các căn nhà cao tầng của các cơ quan, đơn vị và các hộ dân đã và đang được xây dựng. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển này, xuất hiện tình trạng họp chợ dân sinh tự phát trên đường phố, nhất là vào giờ tan tầm các buổi chiều (từ 16h đến 19h) hàng ngày tại đoạn từ điểm A đến điểm M thuộc phường HĐ, khiến cho giao thông trên đoạn đường này vào thời điểm đó rất khó khăn, đôi khi xảy ra ùn tắc cục bộ. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc buôn bán, nhiều hộ dân có cửa hàng ở hai bên đường đã xây lấn bục bệ ra hè phố để kê, trưng bày hàng hoá lấn chiếm vỉa hè, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người đi bộ. Tình hình này đã được Đài phát thanh – truyền hình tỉnh Lạng Sơn phản ánh trong chương trình bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, phát sóng vào 20h hàng ngày nhân dịp phát động Tháng bảo đảm an toàn giao thông năm 2005, với mục đích đề nghị chính quyền phường sở tại có biện pháp khắc phục tình trạng họp chợ, xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường phố làm cản trở hoạt động giao thông đường bộ. Chủ tịch UBND phường HĐ, sau khi xem chương trình truyền hình phản ánh tình trạng trên, sẽ giải quyết việc này như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Tình trạng họp chợ dân sinh tự phát (thường gọi là chợ cóc, chợ tạm ) trên đường bộ (hoặc đường phố) và việc các hộ kinh doanh xây, đặt bục, bệ làm nơi trưng bày hàng hoá lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở hoạt động giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn trên cả nước. Các hành vi họp chợ trên đường bộ và xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường phố này là những hành vi bị cấm theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 và điểm b khoản 2 Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2001. Việc sử dụng đường phố đô thị phải tuân theo nguyên tắc: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời vào mục đích khác do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (khoản 1 Điều 34).

Thẩm quyền xử lý vụ việc này thuộc về UBND phường HĐ theo các quy định của Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Nghị định số 152/2005/NĐ-CP. Theo đó, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có quyền phạt tiền từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi họp chợ, bày bán hàng trên đường bộ; phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi xây, đặt bục bệ trái phép trên hè phố hoặc lòng đường; và áp dụng các hình phạt bổ sung khác (điểm c khoản 1 Điều 18; điểm c khoản 2 Điều 18; khoản 1 Điều 44; khoản 1 Điều 45). Thực tế cho thấy, chỉ khi nào chính quyền địa phương có giải pháp hợp lý và thực hiện quyết liệt thì mới có thể giải quyết triệt để tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông nói trên. Vì vậy, UBND phường HĐ cần tổ chức nghiên cứu tìm một địa điểm trong phạm vi của phường hoặc của phường giáp ranh có thể làm chợ tạm được mà không gây cản trở giao thông để nhân dân có nơi mua bán hàng hoá, phục vụ cuộc sống hàng ngày của họ; đồng thời cương quyết giải toả, cưỡng chế thu giữ hàng hoá đối với những hộ kinh doanh, những người tham gia buôn bán không đúng quy định trên đoạn đường này.

UBND phường HĐ phải thực hiện những công việc sau:

– Thành lập Tổ công tác giải toả chợ cóc, chợ tạm của phường do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phường làm Tổ trưởng để thực hiện nhiệm vụ trên;

– Nghiên cứu tìm địa điểm họp chợ mà không ảnh hưởng đến giao thông trên địa bàn. Trong trường hợp địa điểm được chọn nằm trên địa bàn phường giáp ranh thì báo cáo UBND thành phố để thành phố có sự chỉ đạo phối hợp giữa các phường thực hiện nhiệm vụ giải toả;

– Phổ biến công khai chủ trương trên của phường về việc xác định địa điểm họp chợ tạm để những người tham gia mua bán chuyển đến bán hàng ở chợ tạm mới. Thông báo rõ ngày giờ phải di chuyển, nếu không sẽ cưỡng chế, thu giữ hàng hoá, xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền như đã nêu ở phần phân tích tình huống;

– Thông báo cho các hộ dân ở hai bên đường phố phải tự phá bỏ các bục, bệ xây, đặt trái phép lấn chiếm hè đường; nếu không, lực lượng cưỡng chế của phường sẽ tiến hành phá bỏ; và hộ dân nào không tự giác chấp hành sẽ phải chịu chi phí phá dỡ đó; đồng thời bị xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền như đã nêu ở phần phân tích tình huống;

– Đúng thời gian đã thông báo, lực lượng cưỡng chế của phường sẽ tiến hành ra quân, xử lý kiên quyết những hộ buôn bán nào trên đường phố đoạn từ điểm A đến điểm M không chấp hành quyết định của phường về việc giải toả chợ cóc, chợ tạm, xây lấn bục bệ trái phép làm ảnh hưởng tới hoạt động giao thông trên địa bàn như đã được thông báo;

– Thường xuyên tiến hành kiểm tra để đảm bảo không tái diễn tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ;

– Thông báo cho Đài phát thanh và truyền hình tỉnh biết về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của Đài, chính quyền địa phương đã tiến hành giải toả tình trạng họp chợ tự phát gây ùn tắc giao thông trên địa bàn như đã nêu trên.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2001/QH10 Giao thông đường bộ

Nghị định 152/2005/NĐ-CP Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 Xử lý vi phạm hành chính

Trả lời bởi: Admin Portal


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191