Hướng dẫn tất tần tật về thủ tục mở siêu thị, cửa hàng bán hàng tự động

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Hướng dẫn tất tần tật về thủ tục mở siêu thị, cửa hàng bán hàng tự động

Xin cho hỏi về thủ tục để mở siêu thị, cửa hàng bán hàng có đề giá và bán hàng tự động, tôi đang có dự định sẽ mở và kinh doanh dịch vụ này, tuy nhiên mô hình lúc đầu chỉ nhỏ thôi thì có cần xin phép ngay không và thủ tục như thế nào, các anh chị hãy hướng dẫn chi tiết cho tôi từ các bước đầu tiên để tôi thực hiện được không


Luật sư Tư vấn Luật Doanh nghiệp – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 27 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Thủ tục mở siêu thị mini.

  • Luật doanh nghiệp năm 2014.
  • Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
  • Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

3./ Luật sư tư vấn

Bạn đang muốn mở siêu thị hoặc cửa hàng bán hàng với mô hình lúc đầu nhỏ như vậy bạn có ý định mở rộng quy mô lớn hơn về sau này. Nên để tiện cho việc kinh doanh và phát triển sau này bạn có thể thành lập công ty Trách nhiệm hữu hạn hoặc bạn cũng có thể thành lập hộ kinh doanh cá thể. Về ưu và nhược điểm của 2 loại hình này như sau:

Về mô hình hộ kinh doanh cá thể: Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Ưu điểm của loại hình này là quy mô gọn nhẹ, chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản và phù hợp với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.

Nhược điểm của loại hình này là không có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ hộ kinh doanh cá thể.

Thủ tục mở siêu thị mini cho hộ kinh doanh cá thể khá đơn giản, về cơ bản nếu nhu cầu của bạn là kinh doanh cá nhân thì đây là hình thức phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, việc mua hóa đơn thuế đối với hình thức này thì khá phức tạp.

Căn cứ Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh thì thủ tục thành lập siêu thị mini theo mô hình này như sau:

Bước 1, bạn cần chuẩn Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Với nội dung:

+Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

+Ngành, nghề kinh doanh: siêu thị hoặc cửa hàng bán hàng

+Số vốn kinh doanh;

+Số lao động;

+Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực;

-Bước 2: Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

+Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

+Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký;

+Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.

Về mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn: Hiện nay, ở nước ta loại hình doanh nghiệp này vẫn là sự lựa chọn tối ưu nhất đối với những doanh nghiệp mới thành lập. Trong loại hình lại chia ra làm 2 loại dựa theo số lượng người chủ sở hữu là công ty TNHH một thành viên do một tổ chức hay cá nhân là chủ sở hữu và công ty TNHH 2 thành viên trở lên do hai hay nhiều cá nhân tổ chức đồng chủ sở hữu:

a.Đối với công ty TNHH một thành viên thì có những ưu điểm sau: công ty do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty, có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản (chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đưa vào kinh doanh).

Nhược điểm của loại hình này là : khó khăn trong việc huy động vốn. Công ty TNHH 1 thành viên khi muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển nhượng vốn góp cho người khác hoặc tiếp nhận phần vốn của thành viên mới thì phải chuyển đổi sang Công ty trách TNHH 2 thành viên trở lên; Công ty TNHH nói chung không được phát hành cổ phiếu.

b.Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

Ưu điểm là: Doanh nghiệp có nhiều thành viên nhưng làm chủ sở hữu không được quá 50 thành viên theo quy định của pháp luật, thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp; Việc mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên trong công ty được luật pháp quy định khá chặt chẽ nên nhà quản lý dễ dàng kiểm soát được phần vốn góp của các thành viên, hạn chế được sự gia nhập của người lạ vào công ty; Có tư cách pháp nhân kể từ khi nhận giấy đăng ký kinh doanh.

Nhược điểm là: Công ty TNHH 2 thành viên trở lên không có quyền phát hành trái phiếu; Chịu sự quản lý của pháp luật chặt chẽ  hơn so với các công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân; Đối với một  số trường hợp, do việc các thành viên chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm theo phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp nên khiến cho nhiều đối tác và khách hàng không thực sự muốn hợp tác vì sợ rủi ro có thể xảy ra mà họ phải chịu.

Thủ tục mở siêu thị hoặc cửa hàng bán hàng quy mô nhỏ theo hình thức Công ty TNHH sẽ phức tạp với nhiều giấy tờ hơn, tuy nhiên nếu bạn ấp ủ kì vọng phát triển thành chuỗi thì đây lại là phương án tối ưu. Đồng thời, Công ty TNHH là hình thức để bạn có thể kết hợp làm ăn với nhiều người và xây dựng bộ máy nhiều nhân sự hơn. Nếu chỉ có 1 mình bạn làm chủ thì lựa chọn công ty TNHH 1 thành viên còn có người khác cùng góp vốn đồng chủ sở hữu với bạn thì có thể lựa chọn công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Căn cứ vào Điều 22 và Điều 27 Luật doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập công ty TNHH như sau:

-Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp với nội dung:Tên doanh nghiệp; Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có); Ngành, nghề kinh doanh; Vốn điều lệ; vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân; Thông tin đăng ký thuế; Số lượng lao động; Họ, tên, chữ ký, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Điều lệ công ty;

Danh sách người ủy quyền (nếu có);

Danh sách thành viên công ty;

Bản sao các giấy tờ sau:

+Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân

+Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.

Thủ tục thành lập công ty sử dụng biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT.

-Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh tại nơi mở cửa hàng (siêu thị)

Sau 03 ngày làm việc sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là mã số thuế doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Công ty thực hiện việc khắc dấu và thông báo đăng ký sử dụng mẫu dấu doanh nghiệp tới Phòng đăng ký kinh doanh

Như vậy, trên đây là loại hình và thủ tục thành lập, tùy thuộc vào mục đích nhu cầu và hướng phát triển để bạn có thể lực chọn loại hình phù hợp nhất.

Với những tư vấn về câu hỏi Hướng dẫn tất tần tật về thủ tục mở siêu thị, cửa hàng bán hàng tự động, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191