Quê ông nội tôi ở Khoái Châu – Hưng Yên, những năm khoảng 1945 tới năm 1950, ông tôi di cư lên Hà Nội sinh sống và lập gia đình tại Hà Nội. Bố tôi được sinh ra, lớn lên và cũng lập nghiệp ở Hà Nội. Hiện nay tôi cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tôi muốn hỏi ban biên tập là trường hợp của tôi, gia đình đã sống 3 đời ở Hà Nội, trong đó cả bố tôi và tôi đều được sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ở Hà Nội, thì cái mục nguyên quán ở trong chứng minh nhân dân và trong hộ khẩu của tôi thì tôi phải ghi nguyên quán của tôi là gì, là Khoái Châu – Hưng Yên hay là Hà Nội. Tôi được biết là con phải ghi theo nguyên quán của cha, nếu ghi như thế thì bố tôi phải theo nguyên quán của ông nội tôi là Khoái Châu – Hưng Yên, và tôi cũng phải ghi theo của bố tôi là Khoái Châu? Như vậy thì con cháu tôi sau này, dù có ở Hà Nội thì vẫn mang nguyên quán là Khoái Châu – Hưng Yên? (Mặc dù khi đó không còn họ hàng thân thích, ko còn ai ở Hưng Yên nữa) Rất mong Qúy cơ quan tư vấn giúp tôi vấn đề này! Chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Phạm Văn Hoàng
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo Điều 1, Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007,trong chứng minh nhân dân sẽ bao gồm có phần nội dung ghi “quê quán”. Theo nội dung của Nghị định này thì cụng từ “Nguyên quán” trước đây trong chứng minh nhân dân sẽ được đổi thành “quê quán”.
Cho đến thời điểm này Bộ Công an chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định quê quán là như thế nào?
Tuy nhiên theo điểm e, khoản 1, mục II, Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/06/2008 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành thì quê quán của con được xác định theo quê quán của người cha hoặc quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ.
Theo đó, việc khai quê quán hiện nay vẫn chưa được thống nhất. Quê quán theo thỏa thuận của cha mẹ thì sẽ được sự lựa chọn một trong hai nơi (cha hoặc mẹ), nếu theo tập quán thì mỗi vùng, mỗi miền mỗi khác.
Khi bạn xin cấp chứng minh nhân dân, cơ quan công an sẽ căn cứ vào hai yếu tố sau để ghi quê quán của anh chị là: (i)Tờ khai của anh/chị; và (ii) hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu này thì Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu hoặc chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn.
Từ những căn cứ nêu trên, thì việc xác định quê quán của bạn sẽ căn cứ vào việc bạn kê khai theo nguyên quán của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi nhận trong quản lý đăng ký hộ tịch của pháp luật Việt Nam.
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội
Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn
Các văn bản liên quan:
Nghị định 170/2007/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân
Thông tư 01/2008/TT-BTP Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: z
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.