Tôi làm công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án từ năm 1997 đến nay đã hơn 10 năm. Theo quy định của Chính phủ thì cán bộ làm công tác thi hành án được hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Vậy xin hỏi trong bộ máy thi hành án những công việc gì được coi là công tác làm hồ sơ thi hành án? Kế toán nghiệp vụ kiêm kế toán ngân sách có được coi là cán bộ làm công tác thi hành án hay không? Nếu không được hưởng phụ cấp thì đương nhiên được hiểu là không phải cán bộ làm công tác thi hành án. Tuy nhiên trong thủ tục tác nghiệp hồ sơ thi hành án mà không có sự tác động của kế toán thì liệu hồ sơ thi hành án có được coi là xong hay không? Theo quy định tại Thông tư 91/ TT-BTC thì công việc kế toán không hề đơn giản chút, vậy thì kế toán có được hưởng phụ cấp như thư ký hay không? Như tôi và đồng nghiệp của tôi ngoài công việc kế toán hành chính sự nghiệp, còn phải làm công tác thu chi thi hành án đây là công việc không đơn giản để thực hiện.
Gửi bởi: Nguyễn Viết Phương
Trả lời có tính chất tham khảo
Về nội dung “trong cơ quan thi hành án những công việc gì được coi là công tác làm hồ sơ thi hành án” hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định. Cụm từ “công tác làm hồ sơ thi hành án” là lối nói nôm na, chỉ đến những hoạt động nghiệp vụ thi hành án của Chấp hành viên, Chuyên viên pháp lý trong việc tiến hành các tác nghiệp để thi hành việc thi hành án dân sự.
Cụm từ “cán bộ làm công tác thi hành án” là cụm từ dùng để chỉ tất cả những người công tác thi hành án, bao gồm cả thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và thi hành án hành chính. Trong từng lĩnh vực thi hành án nêu trên lại có nhiều với nhiều vị trí công tác, nghiệp vụ khác nhau, chức danh khác nhau, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau như: Giám thị trại giam, Quản giáo, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, kế toán, văn thư, lái xe, bảo vệ cơ quan thi hành án v.v., với tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ khác nhau (đại học luật, đại học tài chính kế toán, trung cấp văn thư v.v.). Kế toán nghiệp vụ kiêm kế toán ngân sách của cơ quan thi hành án cũng được coi là cán bộ làm công tác thi hành án, nhưng chức danh, mã ngạch, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không giống Chấp hành viên, Thẩm tra viên hoặc Thư ký thi hành án dân sự.
Về chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ, công chức của các cơ quan thi hành án dân sự, theo quy định tại Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ “về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang” và Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính “hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm” phải là người đã đã được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh chuyên ngành thi hành án dân sự
Chế độ phụ cấp thâm niên nghề áp dụng đối với cán bộ, công chức trong biên chế xếp lương theo các ngạch hoặc các chức danh chuyên ngành thi hành án dân sự theo hướng dẫn tại Công văn số 566/BTP-TCTHA ngày 09/3/2010 của Bộ Tư pháp, bao gồm:
– Các ngạch Chấp hành viên của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương;
– Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương;
– Thư ký thi hành án dân sự.
Hiện nay không có văn bản nào quy định kế toán nghiệp vụ được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên như Thư ký thi hành án dân sự.
Các văn bản liên quan:
Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT-BNV-BTC Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm
Nghị định 76/2009/NĐ-CP Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
Nghị định 204/2004/NĐ-CP Về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức,viên chức và lực lượng vũ trang
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.