Khoa Luật – Đại học Vinh: Bắt nhịp với yêu cầu đào tạo mới
08/05/2008
Sau thời gian thăm dò, điều tra xã hội học, việc thành lập Khoa Luật tại trường Đại học Vinh chính là một định hướng đúng đắn, thoả mãn được cùng lúc 2 nhu cầu lớn. Trước hết, nó đã “đánh” trúng nguyện vọng của bà con miền Trung còn nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế hạn chế. Con em của họ đã có cơ hội học luật ngay tại địa phương mà không phải vào TP. HCM hoặc ra Hà Nội vừa tốn kém vừa xa xôi. Tiếp đến, việc mở Khoa đáp ứng mong mỏi của các cơ quan nhà nước miền Trung, nhất là cơ quan pháp luật, trong việc bổ sung nhân lực có trình độ, kiến thức về luật pháp. Có thực trạng là con em miền Trung mà đỗ Đại học đi học luật ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thường xin việc tại đây, ít khi muốn quay về miền Trung vì đã đầu tư quá lớn. Trong khi đó, nhu cầu cán bộ tư pháp của cơ quan nhà nước, cơ quan pháp luật rất thiếu. Như vậy, việc tuyển sinh viên luật, học và xin việc luôn ở quê hương rất phù hợp với sự bố trí một cách hợp lý cơ cấu nguồn nhân lực. PGS. TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Hợi – Hiệu trưởng trường Đại học Vinh cho biết, qua nghiên cứu nhu cầu số lượng để xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường nhận thấy tỷ lệ sinh viên ra trường có ngay việc làm là rất cao (trên dưới 90%), bởi nhiều cơ quan đã “đặt hàng” ngay khi sinh viên còn đang học.
Chỉ thị số 30 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên bộ môn Giáo dục công dân trường THCS, THPT – THCB ban hành từ ngày 20/5/1998 song đến nay, bộ môn giáo dục công dân vẫn yếu kém và chưa được chuyên nghiệp hoá. Ra đời trong bối cảnh chấn hưng nền giáo dục nước nhà, lại có truyền thống 50 năm đáng tự hào là ngôi trường sư phạm, Khoa Luật Đại học Vinh đã đưa ra một trong những nguyên tắc đào tạo là xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy luật của trường Đại học Vinh có trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm để trường có thể đảm bảo đào tạo kỹ năng sư phạm cho các cử nhân luật giúp họ trở thành các giảng viên luật trong các cơ sở đào tạo có nhu cầu. Nếu nguyên tắc này được thực hiện tốt, chắc chắn chất lượng giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân ở các trường phổ thông sẽ được nâng lên, tạo điều kiện cho học sinh sớm tiếp cận pháp luật, nắm được những quyền và nghĩa vụ cơ bản của một công dân mẫu mực trong xã hội.
Nhận thức được Khoa Luật là non trẻ nhất (mới tuyển sinh khoá đầu tiên vào năm 2007 với 400 sinh viên), lãnh đạo nhà trường đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và đội ngũ giảng viên từ thời nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhưng thế vẫn chưa đủ, nhất là giảng viên thiếu hụt nhiều. Chính vì vậy, trường đã tận dụng thế mạnh của đội ngũ giảng viên kiêm chức, kiêm nhiệm mà biểu hiện rõ là ký Bản Thoả thuận hợp tác đào tạo với Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. Theo đó, Viện sẽ “đỡ đầu” cho Khoa, đảm bảo nguồn giảng viên có trình độ cao, nguồn tài liệu bằng việc mời nhiều GS, TS có tâm huyết với công tác đào tạo cán bộ cho miền Trung tham gia giảng dạy.
Là đơn vị đi sau nên Đại học Vinh có được một số lợi thế như kế thừa được các giáo trình và sách tham khảo phong phú, đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm đông đảo và sẵn sàng ủng hộ. Quyết tâm đào tạo theo tín chỉ, đổi mới căn bản phương pháp giảng dạy và học tập – không cho phép dạy cuốn chiếu và sinh viên tự học là chủ yếu, trường đã đầu tư một số phòng học hiện đại, xây dựng các bài học điện tử, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Với sự tiếp cận sớm yêu cầu đào tạo trong điều kiện mới, có thể tin rằng, đây sẽ là nơi đào tạo chuẩn ngay từ đầu, hưởng ứng cuộc vận động “Hai không” của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, nhằm thể hiện đặc trưng, thế mạnh là một trường sư phạm, trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD&ĐT, Đại học Vinh đã mở chương trình học tự chọn khá hấp dẫn để ngay trong thời kỳ học, sinh viên có thể lựa chọn những định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng của mình. Các học phần tự chọn sẽ bao gồm 4 chuyên đề về bổ trợ tư pháp, tố tụng tư pháp, hành chính nhà nước – hành chính tư pháp, kỹ năng sư phạm, do các chuyên gia đảm nhiệm. Điều này khiến sinh viên ra trường không bỡ ngỡ với việc mình sẽ làm, rút ngắn thời gian làm quen với công việc và nâng cao tính chuyên nghiệp.
Hoàng Thư
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Là lãnh đạo của ngành, và là một người con của quê hương miền Trung, tôi thực sự rất trăn trở với công tác đào tạo thế hệ pháp lý cho tương lai. So với các nước trên thế giới, ngành Luật thường được tổ chức đầu tiên thì sự sinh sau đẻ muộn của Khoa Luật trường Đại học Vinh như vậy là hơi ngược. Thực ra, ý tưởng xây dựng Khoa đã “thai nghén” từ năm 2001, nhân một hội thảo khoa học do Bộ Tư pháp tổ chức tại Vinh đã nhận định tình hình giảng dạy bộ môn giáo dục công dân ở các trường phổ thông yếu, đội ngũ giáo viên giảng dạy thiếu và không chuyên nghiệp. Nhưng mãi đến khi có Nghị quyết 49 thì mới thành hiện thực. Bởi thế, Khoa rất cần sự hỗ trợ nhiều mặt từ cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy đến đội ngũ giảng viên. Tôi tán thành với công thức đào tạo mới của Khoa, không chỉ cung cấp kiến thức pháp luật mà còn giúp sinh viên thạo nghề và có tác phong chuyên nghiệp. |
PGS. TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Hợi – Hiệu trưởng trường Đại học Vinh: Trong chương trình đào tạo của Khoa Luật, chúng tôi xây dựng 20% phần “mềm” để buộc các tổ bộ môn phải đổi mới, liên tục bổ sung làm giàu cho ngân hàng bộ môn tự chọn. Mỗi môn tự chọn chỉ cần từ 15 – 20 sinh viên là chúng tôi tổ chức lớp, không sợ lỗ lãi gì. Vì quan trọng là cần phải nhanh chóng chuyển mình và đổi mới, nếu không sang năm 2009, các trường Đại học nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam thì chúng ta sẽ thua ngay trên “sân nhà”. |
Đại học Vinh là 1 trong 10 trường Đại học, Cao đẳng có quy mô lớn với gần 30 nghìn sinh viên đến từ 64 tỉnh thành và 4 nước Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ. Đây còn là trường Đại học sư phạm đầu tiên chuyển từ mô hình đào tạo đơn ngành sang đa ngành với 42 ngành đào tạo cấp bằng Đại học, 32 ngành đào tạo cấp bằng Đại học vừa học vừa làm và 33 ngành đào tạo sau Đại học. Trường có cả hệ PTTH chuyên Toán, Tin, Lý và liên kết đào tạo quốc tế với 2 mục đích bồi dưỡng cán bộ và trao đổi sinh viên. Khoa Luật của nhà trường cũng là khoa chuyên ngành luật đầu tiên trên toàn quốc đào tạo theo hệ tín chỉ. Hiện, biên soạn xong khung chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ với 58 môn, 140 tín chỉ, trong đó có 26 môn liên thông, 32 môn chuyên ngành; đã xây dựng và nghiệm thu xong đề cương chi tiết các môn học của chương trình đào tạo luật… |
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.