Câu hỏi của khách hàng: Không có giấy tờ gì thì làm sao để đòi lại đất được Nhà nước cấp
Ngày xưa mẹ tôi được nhà nước cấp 1 mảnh đất màu theo nhân khẩu. Đến khi lấy chồng người em nói từ từ rồi tách thửa sau. Nhưng đến nay người em đã bí mật sang tên không hỏi ý kiến mẹ tôi. Mẹ tôi thiếu hiểu biết lúc trước đã ký biên bản gia đình, không có giấy tờ nào trong tay, xin hỏi có thể đòi lại mảnh đất đó được không ạ. Nếu được thì cần những loại giấy tờ nào
Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 11/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chứng minh quyền sở hữu quyền sử dụng đất khi không có giấy tờ
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Không có giấy tờ gì thì làm sao để đòi lại đất được Nhà nước cấp
Trong trường hợp của bạn, mẹ của bạn do nhiều lý do đã ký vào biên bản gia đình, biên bản này được làm căn cứ để nhận định việc mẹ của bạn đồng ý việc mảnh đất màu được chia cho người em. Nay có nhu cầu đòi lại mảnh đất màu đáng ra thuộc sở hữu của mẹ của bạn, nay thuộc sở hữu của cô của bạn (tức là người em của mẹ bạn). Tranh chấp phát sinh là tranh chấp về quyền sở hữu quyền sử dụng mảnh đất màu. Việc giải quyết tranh chấp được thực hiện như sau:
-Thứ nhất, hai bên (mẹ của bạn và cô của bạn) nên tự thỏa thuận với nhau về việc chia mảnh đất màu đó sao cho hợp lý để tránh những chi phí trong quá trình hòa giải, tranh chấp.
-Thứ hai, khi hai bên không thể tự thỏa thuận được, mẹ của bạn cần làm đơn yêu cầu hòa giải tại UBND cấp xã để được thực hiện thủ tục hòa giải. Sau phiên hòa giải, UBND xã sẽ ra Biên bản hòa giải trong vụ việc trên cho hai bên.
-Thứ ba, khi không đồng ý với kết quả hòa giải của UBND, mẹ của bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự, cụ thể là tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ Điều 35 và điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì tòa án nhân dân huyện nơi có bất động sản là Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên.
Tuy nhiên, để Tòa án giải quyết tranh chấp mẹ của bạn cần: đưa ra các căn cứ chứng minh được biên bản gia đình trên vô hiệu về phần quyết định phân chia mảnh đất màu trên.
+Đó là trường hợp biên bản trên không được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
+Trường hợp có công chứng, chứng thực thì phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh mẹ của bạn ký biên bản do bị nhầm lẫn. bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, hay khi xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Nhưng trong trường hợp này việc chứng minh trên là rất khó do văn bản công chứng, chứng thực có giá trị chứng cứ cao trước pháp luật.
Ngoài ra, mẹ bạn có thể làm thủ tục khiếu nại quyết định việc cấp Giấy chứng nhận cho cô của bạn để yêu cầu chủ thể có thẩm quyền hủy quyết định cấp Giấy chứng nhận trên do việc cấp Giấy chứng nhận không được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, mẹ của bạn cần thu thập những tài liệu, chứng cứ chứng minh việc ký biên bản gia đình là không hợp pháp để lấy căn cứ khởi kiện Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp. Hoặc thực hiện thủ tục khiếu nại việc cấp Giấy chứng nhận là sai quy định của pháp luật để yêu cầu hủy Giấy chứng nhận.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.