Làm đường điện và đường thoát nước qua đất nhà hàng xóm

Làm đường điện và đường thoát nước qua đất nhà hàng xóm

Nhà ông Vĩnh nằm ở phía trong thửa đất nhà ông Xuyên. Do vậy, đường dây điện và đường thoát nước của nhà ông Vĩnh vẫn đi nhờ qua đất của nhà ông Xuyên để ra đường điện và hệ thống thoát nước chung của làng. Khi ông Vĩnh có ý định xây nhà mới, đã đề nghị với ông Xuyên cho làm lại đường thoát nước kiên cố hơn. Đồng thời, ông Vĩnh cũng muốn làm lại đường dây điện mới. Nhưng ông Xuyên không đồng ý với lý do là đường điện mới chạy qua chái bếp nhà ông sẽ không đảm bảo an toàn. Còn hệ thống thoát nước, nếu ông Vĩnh định xây kiên cố trên đất vườn của nhà ông Xuyên thì ông Vĩnh phải mua đất để làm. Giữa hai gia đình không thể thống nhất ý kiến nên đã nhờ cán bộ tư pháp tư vấn giúp. Vậy, cán bộ tư pháp phải tư vấn như thế nào trong trường hợp này?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Mâu thuẫn nảy sinh giữa hai gia đình ông Vĩnh và ông Xuyên khi ông Vĩnh muốn làm lại đường điện và đường thoát nước cũ qua đất nhà ông Xuyên. Cán bộ tư pháp xã cần phải xem xét và tư vấn cho hai ông về vấn đề: quyền mắc đường dây tải điện qua bất động sản liền kề; quyền thoát nước qua bất động sản liền kề.

Việc giải quyết tình huống này cần căn cứ vào Điều 273, Điều 276 và Điều 277 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Về yêu cầu mắc đường dây điện

Theo Điều 276 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trong trường hợp này, ông Vĩnh được phép làm lại đường dây điện chạy qua phần đất nhà ông Xuyên. Tuy nhiên, nếu đường dây điện chạy qua chái bếp nhà ông Xuyên thì sẽ không đảm bảo an toàn. Do vậy, ông Vĩnh chỉ có thể để đường dây mới chạy theo vị trí cũ hoặc thoả thuận với ông Xuyên tìm một vị trí mới thích hợp.

Về yêu cầu làm hệ thống thoát nước kiên cố

Theo quy định tại Điều 277 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì ông Xuyên phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Việc ông Xuyên yêu cầu ông Vĩnh phải mua đất nhà mình để làm đường thoát nước là không phù hợp với quy định của pháp luật. Về phần mình, ông Vĩnh phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhà ông Xuyên khi làm đường thoát nước.

Việc xây dựng lối thoát nước của nhà ông Vĩnh trên đất nhà ông Xuyên có kiên cố hay không do hai bên tự thoả thuận, đồng thời cũng cần phải thoả thuận về mức đền bù hợp lý cho gia đình ông Xuyên theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Các văn bản liên quan:

Bộ Luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: Admin Portal


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191