Lời tuyên thệ của Kiểm sát viên được thể hiện từ ý chí đến hành động.
Là cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân, ai cũng thuộc mười chữ vàng mà Bác Hồ đã dạy đối với cán bộ ngành Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời dạy của Bác Hồ là “kim chỉ nam”, là tiêu chí mà người cán bộ Kiểm sát phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trong suốt cuộc đời.
Như chúng ta đã biết, Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (TCVKSND) được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khoá II, Kỳ họp thứ Nhất, thông qua ngày 15 tháng 7 năm 1960. Và ngày 26/7/1960, Bác Hồ ký Lệnh số 20/LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực thi hành. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên. Theo lời kể của đồng chí Bùi Lâm, để chuẩn bị cho việc thành lập hệ thống ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Lắm cùng với đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc xây dựng dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Sau khi xây dựng xong dự thảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt giao cho đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc đến báo cáo với Bác Hồ để xin Người cho ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với dự thảo trên nguyên tắc chung của Hiến pháp năm 1959 đã quy định. Hồ Chủ tịch căn dặn, đại ý là: Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, Viện kiểm sát phải có biện pháp cụ thể để thực hiện cho được chức năng, nhiệm vụ của mình và đó cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Kiểm sát. Là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, cán bộ ngành Kiểm sát phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Chính vì vậy, khi dặn dò đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bác Hồ đã nói cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) được thành lập, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ thị toàn ngành Kiểm sát phải triển khai thực hiện lời dạy trên của Bác Hồ. Mười chữ vàng mà Bác Hồ đã căn dặn ngành Kiểm sát nhân dân được xem như phương châm hoạt động và rèn luyện đối với từng cán bộ Kiểm sát được đưa vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân. Đến nay, lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát được xem là nội dung quan trọng để giảng dạy về đạo đức cho các thế hệ cán bộ Kiểm sát, cho sinh viên các khóa học tại các trường của ngành Kiểm sát và là tiêu chí phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi cán bộ Kiểm sát.
Trên cơ sở đó, Điều 107 Hiến pháp năm 2013 đã quy định chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Theo đó, Điều 2 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định: VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật nhằm bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất, bảo vệ chế dộ xã hội chủ nghĩa, Điều 85 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định người được bổ nhiệm vào các ngạch Kiểm sát viên phải tuyên thệ:
Một là, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân:
– Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nghĩa là Kiểm sát viên phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Kiểm sát nhân dân, bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, nhằm giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
– Tận tụy phục vụ nhân dân, nghĩa là không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái pháp luật.
Hai là, đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật, nghĩa là mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vàtrongsuốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ba là, kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội, nghĩa là kịp thời phát hiện các quy định của pháp luật trái với Hiến pháp để thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị buộc các cơ quan, tổ chức và công dân tự điều chỉnh hành vi và điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp để bảo đảm cho pháp luật được thống nhất, lẽ phải được bảo vệ và tôn trọng nhằm bảo đảm sự công bằng trong xã hội, mọi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật và phải làm việc theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Bốn là, không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, nghĩa là khi được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên các cấp thì yêu cầu người được bổ nhiệm Kiểm sát viên phải có đầy đủ phẩm chất và phải đạt được một trình độ chuyên môn nhất định, đồng thời, sau khi được bổ nhiệm Kiểm sát viên phải tiếp tục phấn đấu, ra sức học tập và làm theo lời dạy của Bác để: “Vữngvềchính trị, giỏivềnghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho.
Năm là, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, nghĩa là Kiểm sát viên phải có quan điểm: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Kiểm sát viên phải luôn thực hiện và duy trì kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ để xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân luôn trong sạch, vững mạnh, luôn là địa chỉ đáng tin cậy của nhân dân.
Muốn như vậy, Kiểm sát viên cần phải nói đi đôi với làm, lý thuyết gắn liền với thực tiễn và ý chí phải được thể hiện bằng hành động trong thực tế. Điều 85 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 là dấu ấn không thể nào quên đối với cuộc đời một Kiểm sát viên, do đó, trước khi trở thành Kiểm sát viên cần phải tuyên thệ trước hình ảnh của Bác, trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc, lời tuyên thệ thể hiện ý chí, sự quyết tâm của người Kiểm sát viên với tập thể cơ quan và với nhân dân. Đồng thời, lời tuyên thệ cũng là lời nhắc nhở của Bác, của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với Kiểm sát viên được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin giao cho trọng trách.
Đó cũng là lời hứa để Kiểm sát viên sẽ tiếp tục ra sức tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ tư pháp phải:“Phụng công thủ pháp, chí công, vô tư”, đối với cán bộ Kiểm sát phải:“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Có như thế, ngành Kiểm sát nhân dân mới xây dựng được đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên:“Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; từ đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao.
Thanh Nghị
VKSND huyện Phù Mỹ, Bình Định
Tham khảo thêm:
- Bài giảng về những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015
- Quy định dẫn giải đối với người bị hại từ chối giám định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
- Bài giảng của Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào về nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Thực trạng pháp luật lao động về kỷ luật sa thải và một số kiến nghị
- Vướng mắc trong quy định của Bộ luật lao động về bồi thường chi phí đào tạo của người lao động
- Một số điểm mới của chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật dân sự năm 2015
- Một số vấn đề của PL về giao dịch bảo đảm cần tiếp tục hoàn thiện theo quy định của BLDS 2015[1]
- Quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động cần được hướng dẫn
- Áp dụng tập quán trong pháp luật dân sự- những vướng mắc, bất cập cần hoàn thiện
- Hoàn thiện các quy định của pháp luật về rút ngắn thời gian thử thách của án treo
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.