Mối liên hệ giữa chính sách pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật

Mối liên hệ giữa chính sách pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật

03/07/2013

Trong tình hình hiện nay, để tất cả cán bộ và nhân dân có ý thức chấp hành pháp luật cao, thì chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ta phải được xây dựng và phát triển đúng với vị trí và vai trò của nó. Trước hết là cần phải xây dựng một nhận thức, quan niệm đúng đắn, đầy đủ về chính sách pháp luật, để từ đó có cơ sở lý luận chuyển hoá thành pháp luật, thành nguyên tắc ứng xử và ý thức pháp luật trong đời sống của cán bộ và nhân dân. Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn làm rõ thêm dưới góc độ khoa học và thực tiễn các yếu tố cấu thành chính sách pháp luật, vị trí của chính sách pháp luật và ảnh hưởng của nó đến quá trình hình thành ý thức chấp hành pháp luật.

1. Chính sách pháp luật

Trong những năm qua, công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật. Với sự nỗ lực và cố gắng của các cấp, các ngành, công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ và nhân dân. Đảng và Nhà nước ta cũng xây dựng các chương trình trọng điểm quốc gia về phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngày 9/12/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 32-TW/CT về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, các chính sách pháp luật đã từng bước được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, hệ thống pháp luật đã được bổ sung và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Đảng và Nhà nước ta đã lấy con người là trung tâm, vừa là điểm xuất phát, vừa là mục tiêu của pháp luật. Xuất phát từ quan điểm đó, việc nghiên cứu về hoạt động áp dụng pháp luật, các thủ tục pháp lý, cơ chế bảo vệ quyền con người như là điều kiện để xây dựng lối sống theo pháp luật. Đây là những đảm bảo về thực tiễn và trực tiếp nhất cho việc nâng cao ý thức pháp luật, xây dựng lối sống theo pháp luật. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách pháp luật còn phải bắt đầu từ sự nghiêm chỉnh tôn trọng pháp luật, không vì những lợi ích trước mắt, những sự tiện lợi và hợp lý hàng ngày mà làm giảm uy tín của pháp luật, gây sự bất chấp kỉ cương và phép nước.

Sự coi thường pháp luật còn có nguồn gốc từ tình trạng các vi phạm pháp luật và phạm tội không bị trừng trị kịp thời. Nguyên tắc không để sót kẻ phạm tội và xử lý nhanh chóng công minh đối với kẻ phạm tội có ý nghĩa không chỉ đối với hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp và đối với việc đảm bảo lợi ích của xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, mà còn có ý nghĩa lớn đối với việc giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật. Nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, vẫn không bị xử lý bằng pháp luật một cách công khai, mà theo lối xử lý nội bộ, đã là mất đi lòng tin của người dân vào pháp luật.

Pháp luật của ta đang trong thời kỳ chuyển đổi, vẫn còn những quy định chưa phù hợp với thực tiễn, những quy định pháp luật của chúng ta chưa chặt chẽ, chưa thật đồng bộ và đầy đủ. Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất lại là con người, là chính những người thực thi công vụ. Vẫn có nhiều cá nhân coi thường và vi phạm pháp luật không được xử lý nghiêm và kịp thời.

Đối với quá trình xây dựng chính sách pháp luật cần chú ý đến tính chất khách quan của pháp luật. Nếu nhu cầu điều chỉnh pháp luật được phát hiện kịp thời và chính xác thì các quy định pháp luật được ban hành có ý nghĩa lớn, phát huy được hiệu lực và hiệu quả của nó. Ngược lại, khi có sự chậm trễ hoặc không chính xác thì kết quả có tác dụng ngược lại.

Một văn bản được cơ quan nhà nước ban hành, nhất là luật của Quốc hội và các pháp lệnh thường được đăng trên các báo trung ương và địa phương hoặc báo ngành. Nhưng không phải văn bản nào cũng được đăng trên báo và sự theo dõi của các cán bộ, nhân dân cũng ở những mức độkhác nhau. Việc phổ biến chính sách pháp luật đến được tầng lớp cán bộ và nhân dân là rất cần thiết.

Để chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đi đến được với các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, cũng như đi đến được với đại đa số bộ phận người dân thì việc phổ biến nó là một việc vô cùng quan trọng. Thực tiễn ở nước ta, việc phổ biến các chính sách pháp luật thường thông qua các hình thức sau đây:

Qua đào tạo pháp luật: Đây là phương thức phổ biến kiến thức pháp luật đầy đủ, có hệ thống nhất trong tất cả các hình thức tìm hiểu pháp luật của nhân dân. ở hình thức này, kiến thức pháp luật được truyền đạt từ các nguyên tắc pháp luật, những quy định chung của ngành luật, các chế định và quy định cụ thể của luật. Các chương trình đào tạo pháp luật bao giờ cũng bao gồm các loại vấn đề cơ bản như thế. Các chương trình đó chỉ khác nhau ở mức độ kết hợp, theo mục đích đào tạo và trình độ đào tạo, chẳng hạn ở các trường đại học luật (hoặc khoa luật) thông thường kiến thức chung kết hợp với kiến thức cụ thể tương đối đồng đều. ở những năm cuối khoá mới bắt đầu việc đi sâu hơn vào các chuyên ngành, chẳng hạn, đào tạo chuyên gia luật hành chính, luật kinh tế, về tư pháp, công pháp quốc tế v.v… Đây là một hình thức rất quan trọng. Nhu cầu về pháp luật càng cao, thì đội ngũ luật gia chuyên nghiệp được đào tạo đầy đủ về pháp luật lại càng phải đông hơn. Đội ngũ đó càng đông thì kiến thức chung về pháp luật càng cao, vì không chỉ có họ được trang bị, mà còn có khả năng trang bị, phổ biến kiến thức pháp luật đầy đủ và chính xác cho người khác.

Qua phương tiện thông tin đại chúng: Hình thức này được áp dụng cho dân cư ở thành phố, cán bộ cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng ở Trung ương, ở thành phố, thị xã lớn. ở nông thôn, nhất là miền núi, báo chí và các phương tiện thông tin khác rất hạn chế. Điều đó cho thấy, nếu chỉ trông chờ hoặc thoả mãn với việc công bố nội dung văn bản pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, thì không thể nói là mọi người đã có thể hiểu biết pháp luật. Sự thiếu sót và hẫng hụt ấy thường được bù đắp qua các kênh khác như truyền đạt của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, những việc làm đó là nhất thời, không phổ biến và do đó không thể coi là cái bù đắp được. Vả lại, sự truyền đạt bao giờ cũng thiếu chính xác ở mức độ khác nhau.

Qua học tập chính trị và quản lý: Ngày nay, với chủ trương tăng cường hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân, nhiều đợt sinh hoạt chính trị đã có một số nội dung và kiến thức pháp luật theo tính chất của việc học tập chính trị. Chẳng hạn, trong các đợt nghiên cứu các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, như Nghị quyết Đại hội Đảng, cương lĩnh và chiến lược, nghị quyết của Hội nghị Trung ương, bên cạnh các giải pháp kinh tế – xã hội, chính trị – tư tưởng, bao giờ cũng có nội dung có tính pháp luật.

Các chương trình đào tạo cán bộ quản lý của ta cũng đang dần dần dựa vào kiến thức pháp luật nhằm trang bị cho cán bộ quản lý về đường lối chung, trong đó bao gồm kiến thức pháp luật, đặc điểm của kiến thức đó là ở dạng nguyên tắc chung, nhu cầu chung hoặc nguyên lý phổ thông, kiến thức phổ thông. Các chương trình này chỉ ra nhu cầu phải tìm hiểu sâu về pháp luật còn bản thân các chương trình đó không cho lời giải đáp và không cung cấp nội dung pháp luật. Còn đối với các chương trình đào tạo cán bộ quản lý, kiến thức pháp luật thường phụ thuộc vào cường độ đào tạo, hướng (ngành) đào tạo, tính chất đào tạo.

Qua việc thảo luận, góp ý các dự án luật: Cơ chế xây dựng pháp luật bao gồm trong đó khâu trưng cầu ý kiến và thảo luận dự án luật. Qua quá trình đó, người dân có thể có điều kiện tiếp cận trực tiếp với quy định và nội dung của các điều luật sắp ban hành. Việc trưng cầu và tổ chức thảo luận dự án luật thường được tổ chức rộng hẹp tuỳ tính chất của văn bản. Ví dụ, dự thảo các văn bản pháp luật lớn như các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự… thường được được tổ chức trong phạm vi cả nước và cho cán bộ và có thể có sự tham gia của nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể của mình. Đối với văn bản liên quan chủ yếu đến một số ngành hoặc một ngành thường chỉ được tổ chức nghiên cứu và thảo luận trong vị các ngành ấy là chính.

2. Ý thức pháp luật

Chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước có mối quan hệ mật thiết đối với ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. ý thức pháp luật là thước đo để đánh giá nhận thức của con người đối với các vấn đề ý thức của con người đối với các vấn đề ý thức lập pháp, là năng lực trong việc giải thích pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật. ý thức pháp luật có mối quan hệ mật thiết với chính sách pháp luật và giáo dục pháp luật. ý thức pháp luật là sản phẩm của quá trình phát triển xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của các hệ tư tưởng và quan niệm xã hội, cũng như chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của chính sách pháp luật. Do đó, việc tìm hiểu các đặc điểm về mặt xã hội, về mặt nhận thức quá trình hình thành ý thức pháp luật là một việc khá quan trọng. Từ đó, xác định những mối liên hệ cần chú ý trong quá trình chuyển đổi nhận thức từ chính sách pháp luật của Nhà nước tới việc hình thành ý thức pháp luật.

Ý thức pháp luật, đó là trình độ hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về pháp luật, trong đó có cả cán bộ nhân viên nhà nước, tổ chức Đảng, các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là của cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng trực tiếp thi hành, áp dụng và bảo vệ pháp luật. ý thức pháp luật còn là tháiđộ đối với pháp luật, ý thức tôn trọng hay coi thường pháp luật, đó là thái độ với những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.

Hoàn thiện pháp luật và hoàn thiện thực tiễn áp dụng pháp luật chính là việc hướng chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trở thành ý thức pháp luật của công dân nói chung và của cán bộ, công chức nhà nước nói riêng, hai mặt này có mối liên quan khăng khít với nhau và phải luôn luôn được chú ý như nhau. Thông thường, người dân hiểu về pháp luật, xây dựng thái độ của mình đối với pháp luật ít khi trực tiếp qua chính văn bản pháp luật mà thông qua sự nhìn nhận, đánh giá về hoạt động của các cơ quan áp dụng pháp luật. Từ pháp luật đến với người dân là cả một quá trình rất phức tạp, từ chính sách đến thực tiễn thi hành. Quá trình đó phụ thuộc vào các yếu tố như: ý thức pháp luật và trình độ văn hóa chung của cán bộ, công chức của cơ quan pháp luật, khả năng của họ trong việc hiểu và vận dụng các quy định của luật (thực tiễn xét xử cho thấy đa số sai sót trong xét xử là do áp dụng sai điều luật), các khả năng về vật chất, kỹ thuật, phương tiện. ở mức độ cá nhân con người, ý thức pháp luật thể hiện tập trung thông qua các hành vi có ý nghĩa pháp lý.

Trên cơ sở hiểu rõ cơ cấu, nội dung ý thức pháp luật của các tầng lớp, thành phần dân cư và trên cơ sở đánh giá đúng các đặc điểm của việc hình thành lối sống theo pháp luật, cần đưa ra các biện pháp về lập pháp, về hành pháp và tư pháp, về giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật như là những đảm bảo trực tiếp cho quá trình xây dựng lối sống theo pháp luật. Xây dựng ý thức pháp luật, hình thành lối sống theo pháp luật chỉ có được định hướng đúng và với nội dung phù hợp khi xã hội, Nhà nước và mỗi công dân hiểu hết và hiểu đúng đắn tính chất của pháp luật, các mối liên hệ của pháp luật với những chuẩn giá trị và các công cụ điều chỉnh khác của xã hội. Điều này cho phép khắc phục tư tưởng coi thường pháp luật, đồng thời cũng cho phép khắc phục tình trạng làm giảm hiệu lực và hiệu quả của chính sách pháp luật, làm giảm giá trị và uy tín của pháp luật trong đời sống xã hội.

Ý thức pháp luật chịu ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau của các yếu tố xã hội và các yếu tố nhận thức khác. Để hiểu được ý thức pháp luật và để có được cơ sở cho việc hình thành ý thức pháp luật cao và lối sống theo pháp luật, điều quan trọng là phải làm rõ những ảnh hưởng đó theo không gian, thời gian. Trong số những vấn đề cần nghiên cứu, sự chú ý lớn nhất được dành cho ảnh hưởng của các hệ tư tưởng, của văn hóa, đạo đức và tập quán truyền thống, của điều kiện phát triển đất nước và các cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Trong quá trình áp dụng pháp luật, phải triệt để thực hiện nguyên tắc về tính tối thượng của pháp luật. ở đây, cần thấy hết ý nghĩa của việc giám sát sự tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động xây dựng pháp luật, trong hoạt động áp dụng pháp luật. Từ góc độ của yêu cầu nâng cao ý thức pháp luật, nguyên tắc pháp chế có một ý nghĩa rất lớn. Pháp luật phải trở thành chế độ pháp quyền, được thể hiện thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân.

Hiện nay vẫn còn tình trạng kéo dài cơ chế xin cho, ban ơn, làm chậm một quá trình hình thành và phát triển cơ chế bình đẳng. Một phần nào đó làm giảm uy tín về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, có nguy cơ dẫn đến mất lòng tin vào những giá trị công bằng và khả năng điều chỉnh của pháp luật. Điều đó có tác dụng tiêu cực là làm giảm chất lượng của văn bản pháp luật được ban hành. Luật của ta trong nhiều trường hợp chưa tuân theo những quy luật nội tại của nó, làm cho nó thiếu tính hệ thống, thiếu chặt chẽ. Dần dần, trong thực tiễn pháp luật của ta đã hình thành một thiên hướng không coi luật của Quốc hội có hiệu lực thi hành trực tiếp, mà còn phải được bổ sung bằng các văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn, cụ thể hóa luật.

Thực tiễn ở nước ta hiện nay, sau khi một văn bản luật ra đời, liền sau đó có một loạt văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện theo từng mảng vấn đề, các văn bản hướng dẫn đó về hình thức và tên gọi không có gì sai trái với luật, nhưng về nội dung thì trong một số trường hợp đã làm giảm tác dụng của luật, hoặc làm sai lệch một số nội dung cơ bản của nó. Các văn bản dưới luật chỉ tập trung vào giải thích những điều khó hiểu, chưa rõ hoặc những điều mâu thuẫn của văn bản luật, mà không được làm sai lệch nội dung chính của nó. Trong quá trình thi hành, vô hình chung, việc áp dụng pháp luật trong một số trường hợp đã vô hiệu hoá một số quy định của luật.

Tình trạng để cho luật phải chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, đã làm phát sinh ở cơ quan quản lý và cán bộ các cơ quan đó ý thức chờ đợi, thiếu chủ động và đôi khi coi thường luật. Sau khi ban hành xong luật, các cơ quan, các cá nhân có trách nhiệm thường ít quan tâm đến việc thi hành luật, kiểm tra, giám sát quá trình đó, tạo điều kiện cho pháp luật đi vào cuộc sống và xem xét hiệu quả thực tế của nó. Nếu đề cao vai trò của pháp luật, tuyên truyền về những giá trị và khả năng của nó mà không đi liền với kiểm tra việc thực hiện pháp luật, không quan tâm đến hiệu quả thực tế, mặt mạnh, mặt yếu của nó từ khi được ban hành cho đến khi luật đó đi vào cuộc sống thì chỉ có thể dẫn đến chỗ làm mất giá trị của pháp luật.

Khác với quá trình xây dựng pháp luật chủ yếu do các cơ quan tập trung cao trí tuệ và khả năng của xã hội, quá trình áp dụng pháp luật do sự đa dạng của chủ thể áp dụng và điều kiện áp dụng pháp luật mà tác động của các yếu tố chủ quan là rất lớn và phức tạp. Các yếu tố đó rất nhiều, từ sự hiểu biết không đến nơi đến chốn về đặc tính và khả năng của pháp luật, cho đến các thói quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, v.v… áp dụng pháp luật phụ thuộc phần lớn vào thủ tục áp dụng. Nếu có nhiều luật, thậm chí là những luật tốt, mà không đủ các thủ tục tiện lợi và đầy đủ để áp dụng luật, thì pháp luật cũng chỉ dừng lại trên giấy, trên các trang công báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, phải thấy hết vai trò của việc nhanh chóng kiện toàn các thủ tục pháp lý trên tất cả các lĩnh vực áp dụng pháp luật.

Mọi hiểu biết pháp luật đều thông qua lăng kính của bản thân từng con người. Như vậy, sự hiểu biết pháp luật và thái độ đối với pháp luật, suy cho cùng là do bản thân con người quyết định. Nhưng con người không phải là khái niệm chủ quan, trừu tượng, chung chung. Con người là tổng hoà các quan hệ xã hội. Lĩnh hội pháp luật như thế nào trước hết phụ thuộc vào điều kiện tiếp xúc với pháp luật và khả năng ghi nhận, hiểu biết về pháp luật, sau đó là ý thức tâm lí – xã hội, các yếu tố lợi ích, động cơ, các giá trị xã hội, v.v… sẽ chi phối thái độ đối với pháp luật.

Để nhân dân nắm được chính sách, nắm được pháp luật không phải là con đường tuyên truyền, phổ biến chung chung. Đó phải là sự vận động của tri thức thông qua hoạt động thực tiễn của con người, khi đó kiến thức pháp luật mới thực sự là kiến thức pháp luật trong hành động. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi con đường cơ bản, phương pháp cơ bản của việc giác ngộ lợi ích, giác ngộ về chính trị, trong đó có giá trị luật pháp, là con đường lôi cuốn nhân dân đông đảo tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tạo ra điều kiện tham gia thực tế của công dân vào các quan hệ pháp luật, trở thành chủ thể thực tế của pháp luật vừa là thước đo, vừa là điều kiện để nâng cao dân trí, trong đó có tri thức về pháp luật của nhân dân, khắc phục sự tha hoá về xã hội, tính thụ động và sự dè dặt đối với các quy định của pháp luật.

Sự cảm nhận và hiểu biết trên thực tế về chính sách pháp luật còn được hình thành trong những hoạt động khác mà người dân tham gia. Đó là những hoạt động bình thường về xã hội, về sản xuất, học tập, v.v… Trong quá trình tham gia các hoạt động bình thường đó, người dân đóng những vai trò và có những vị trí rất khác nhau, nhưng có rất nhiều hoàn cảnh pháp lý đòi hỏi họ phải có quan điểm xử sự, thái độ và cách giải quyết. Và qua đó, người dân tiếp xúc với pháp luật một cách tự nhiên. Do vậy, tính tích cực của người dân chỉ có thể hình thành và phát triển trên cơ sở hoạt động xã hội tích cực. Và đào tạo ra những điều kiện cho sự sống động của xã hội, trong kinh tế, trong sinh hoạt, trong đời sống chính trị và tinh thần, chính là tạo điều kiện để nhân dân am hiểu về pháp luật và ngược lại, chỉ có thể có tri thức văn hoá và sự ứng xử theo pháp luật mới có thể tạo ra hoạt động bình thường của xã hội.

Sự hiểu biết về chính sách pháp luật của cán bộ, nhân dân là yếu tố đầu tiên để hình thành ý thức pháp luật. Pháp luật phải qua nhiều hình thức khác nhau mới đến được với người dân và trở thành sự hiểu biết về pháp luật, tri thức pháp luật. Tri thức pháp luật tồn tại ở những dạng khác nhau. Có thể đó là các nguyên tắc chung, có thể đó là kiến thức cụ thể về điều luật cụ thể. Mỗi đối tượng có nhu cầu hiểu biết và khả năng hiểu biết khác nhau. Có người chỉ có nhu cầu có kiến thức chung, không có ý định đi sâu và không có nhu cầu hiểu cụ thể, có người ngược lại rất cần biết kiến thức cụ thể, các quy tắc chung không cần lắm cho họ. Đối tượng nào có nhu cầu như thế nào, đó là điều rất quan trọng để các cơ quan và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả, sử dụng có hiệu quả kiến thức pháp luật vào việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của mình.

Xây dựng lối sống theo pháp luật không thể dựa trên cơ sở hiểu biết về tình hình vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống xã hội, không thể thiếu những thông số về nguyên nhân, điều kiện của các vi phạm, về toàn bộ cơ chế tâm lý của hành vi vi phạm pháp luật trong các điều kiện khách quan và tâm lý – sinh lý con người Việt Nam. Cần làm rõ những mối liên hệ, sự tác động qua lại giữa các loại vi phạm. Trên cơ sở đó, rút ra kết luận cho phép tổ chức việc đấu tranh phòng ngừa và chống các vi phạm pháp luật một cách đồng bộ. Ngăn ngừa và đẩy lùi các vi phạm và tội phạm là điều kiện để xây dựng nếp sống có trật tự, kỷ cương, tuân thủ pháp luật.

Khi nói đến xây dựng ý thức pháp luật, chính là đấu tranh phòng và chống hành vi thiếu tôn trọng pháp luật, vi phạm pháp luật, hạn chế và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. Không ngừng mở rộng, khuyến khích và tăng cường hành vi, hoạt động tuân theo pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành và tôn trọng pháp luật.

Tóm lại, chính sách pháp luật đúng đắn của Nhà nước là tiền đề và định hướng của việc giáo dục lối sống theo pháp luật và làm giàu tư duy pháp lý của cán bộ, nhân dân, giúp cho ý thức pháp luật của con người trong xã hội được nâng cao. Bênh cạnh đó, nó còn góp phần thiết thực vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

TS. Nguyễn Huy Hoà

Học viện Chính trị – Hành chính Khu vực III tại Đà Nẵng

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191