Một số kết quả sau 2 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Hòa giải là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hoạt động hòa giải mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật. Mục đích của hòa giải ở cơ sở là nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, hàn gắn vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Để triển khai Luật, ngày 29/11/2013 Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1376/KH-UBND về triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 327/UBND-NC ngày 07/4/2015 về việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. UBND cấp huyện đã ban hành kế hoạchvà chỉ đạo tổ chức thực hiện. Qua 2 năm triển khai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:
Toàn tỉnh đã tổ chức được 261 hội nghị, buổi họp. Ở cấp tỉnh, đã tổ chức 79 hội nghị cho hơn 7.900 lượt người là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý; các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn; đại diện lãnh đạo UBDN cấp huyện; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; công chức tư pháp cấp huyện; công chức tư pháp – hộ tịch, giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân và nhân dân. Ở cấp huyện, đã tổ chức 182 hội nghị cho hơn 19.500 lượt người tham dựlà đại diện lãnh đạo UBND cấp xã, các phòng chuyên môn, đoàn thể cấp huyện, cấp xã;báo cáo viên pháp luật cấp huyện; trưởng thôn, bản, tiểu khu, tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận; hòa giải viên, tuyên truyền viên và nhân dân.
Đội ngũ quản lý nhà nước về hoà giải ở cơ sở luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn. Toàn tỉnh có 286 chuyên viên trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, trong đó, cấp tỉnh có 05 chuyên viên, cấp huyện có 24 chuyên viên và cấp xã có 257 chuyên viên.Công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở luôn được Sở Tư pháp và UBND các cấp quan tâm. Kết quả đã tổ chức 25 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 2.562 lượt người. Trong đó, có 14 hội nghị báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh với hơn 1.500 lượt người (thành phần tham dự có công chức phòng phổ biến giáo dục pháp luật và phòng tư pháp cấp huyện); 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 1.198 lượt công chức phòng tư pháp và tư pháp hộ tịch cấp xã.
Việc củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho tổ hòa giải, hòa giải viênluôn được tỉnh quan tâm. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.405 tổ hoà giải với trên 9.128 tổ viên. Tổ chức của các tổ hoà giải cơ bản đầy đủ các thành phần tham gia. Ở những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, thành phần tổ hoà giải còn có đại diện người dân tộc thiểu số. Đa số các hòa giải viên đều có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở lên, một số hòa giải viên có trình độ đại học, chuyên môn luật, đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác hoà giải. Toàn tỉnh đã tổ chức 75 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 7.500 lượt hoà giải viên. Định kỳ hàng năm, các hoà giải viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luậtvề đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự, tiếp cận pháp luật, hình sự, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông…
Hội thi “Hòa giải viên giỏi” là một sân chơi bổ ích, thu hút sự tham gia đông đảo của các hòa giải viên, đây là dịp để các hòa giải viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, qua đó, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, nâng cao năng lực nghiệp vụ, tác phong làm việc khoa học. Năm 2014, Quảng Bình đã tổ chức Hội thi hoà giải viên giỏi lần thứ 6 thu hút sự tham gia của 1.470 tổ hoà giải với 9.470 hoà giải viên. Ban tổ chức Hội thi của tỉnh đã trao 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và 05 giải khuyến khích, 02 giải phụ cho các đội dự thi.
Công tác biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở được tỉnh chú trọng. Đã biên soạn và phát hành 1.825 sổ tay pháp luật về hòa giải ở cơ sở; tái bản 86.200 sách bỏ túi, tờ gấp để cấp cho hoà giải viên, photo 800 cuốn tài liệu về sổ tay hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, phòng, chống tham nhũng… để cấp cho các lớp hoà giải viên. Cấp phát 6.100 cuốn tài liệu, 500 cuốn sách về các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, hòa giải ở cơ sở; 275.000 tờ gấp tìm hiểu pháp luật thuộc các lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, Ngày Pháp luật, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; 24 đĩa DVD về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
Hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng đẩy mạnh phát triển. Hoạt động hoà giải cơ sở đã và đang từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Hai năm qua, các tổ hoà giải đã tiến hành thụ lý 4.006 vụ việc. Trong đó, tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự có 1.546 vụ việc; hôn nhân gia đình có 967 vụ việc; lĩnh vực khác có 1.493 vụ việc.Kết quả, đã hòa giải thành 3.424 vụ việc; hòa giải không thành 463 vụ việc (tranh chấp pháp sinh từ quan hệ dân sự 154 vụ việc, hôn nhân gia đình 219 vụ việc, lĩnh vực khác 90 vụ việc). Số vụ việc chưa giải quyết 23 vụ việc, số vụ việc đang giải quyết 96 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,5%.
Công tác hoà giải ở cơ sở đã được mặt trận các cấp quan tâm, Ban Thường trực Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn UBMTTQVMN các cấp chỉ đạo lồng ghép hoạt động hòa giải trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển văn hóa – xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở. Tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải, khuyến khích những thành viên của gia đình mình và những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm hòa giải tham gia tổ hòa giải. UBMTTQVN các cấp đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch giám sát, lồng ghép giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.Ở cấp xã, UBND đã phối hợp với UBMTTQ cấp xã chỉ đạo tiến hành rà soát, kiện toàn tổ chức của các tổ hòa giải ở cơ sở.
Nhìn chung, việc thực hiện Luật trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả, tạo bước chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở, hầu hết các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hoà giải thành năm sau cao hơn năm trước, số vụ hoà giải thành ngày càng tăng, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Mạng lưới tổ hoà giải được củng cố, mở rộng thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia. Toàn tỉnh có 1.266 thôn, bản, tổ dân phố… nhưng có đến 1.405tổ hoà giải và không có thôn, tổ dân phố nào trên địa bàn không có tổ hoà giải, có những thôn, tổ dân phố có đến 2 tổ hoà giải. Công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên luôn được chú trọng, thực hiện thường xuyên. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Tuy nhiên, việc triển khai Luật vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn vướng mắc, đó là:
– Một số cơ sở chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải.Một số địa phương cho rằng hòa giải tại UBND cấp xã cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nên đùn đẩy, kéo dài gây khó khăn cho người dân khi có yêu cầu thụ lý giải quyết.Sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác hòa giải đôi lúc chưa thật chặt chẽ.
– Một số hoà giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải, nên kết quả hòa giải còn hạn chế; một số còn có tâm lý cho rằng việc hòa giải là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên thiếu nhiệt tình trong việc hòa giải. Trong quá trình hòa giải, một số hòa giải viên ngại va chạm, chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh. Hoạt động hoà giải còn mang tính hình thức chưa chú trọng chiều sâu. Phong trào hòa giải chưa thực sự đồng đều trong phạm vi toàn tỉnh.
– Chưa thống kê được các vụ việc đã được hoà giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc tái mâu thuẫn, tranh chấp hoặc nộp đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chưa có kinh phí cấp riêng cho hoạt động hoà giải ở cơ sở, kinh phí hỗ trợ cho hoà giải viên khi gặp rủi ro, tai nạn, chế độ thù lao cho các hoà giải viên chưa có.
– Đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải còn kiêm nhiệm, chưa có một chương trình, đề án dành riêng cho đội ngũ này nên việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên chưa đạt được kết quả như mong muốn…
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động hoà giải trên địa bàn, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với công tác hoà giải. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác hoà giải; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn đối với hoạt động này.
Hai là, thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp, hòa giải viên, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải.
Ba là, xác định rõ ràng mục đích của hoà giải ở cơ sở là hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau, nhằm ngăn chặn tình trạng “cái sảy nảy cái ung” hay “việc bé xé ra to”. Vì vậy, cần xác định trách nhiệm của hòa giải viên trong hòa giải ở cơ sở là một người “mở nút thắt” trong các vụ việc tranh chấp, đòi hỏi mỗi hòa giải viên cần tận tâm với công việc, trung thực, khách quan trong khi giải quyết các tranh chấp.
Bốn là, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành là một căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác hòa giải cơ sở, vì vậy cần phải tăng cường phổ biến pháp luật hoà giải ở cơ sở đến nhân dân.
Năm là, đẩy mạnh các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm. Hội thi hoà giải viên là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đưa lại hiệu quả cao nhất, vì ở đây không những người dự thi mà các thành viên trong gia đình họ sẽ cũng nhau ôn bài, tìm hiểu các quy định của pháp luật để giải quyết các tình huống của câu hỏi mà ban giám khảo đưa ra; đồng thời, thông qua việc trả lời các câu hỏi, các tình huống thi, các hoà giải viên sẽ góp phần tuyền truyền pháp luật cho các đối tượng khác. Vì vậy, cần tăng cường tổ chức các hội thi hoà giải viên tại cơ sở.
Sáu là, kịp thời biểu dương, khen thưởng, phê bình, nhắc nhở để các hòa giải viên luôn luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bảy là, huy động các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, chú trọng tổ chức tập huấn, bỗi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hoà giải viên; bố trí kinh phí cấp cho công tác hoà giải, cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên.
Tám là, tăng cường rà soát, hệ thống hoá các quy định của pháp luật, để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện thuận tiện cho hoà giải viên hoạt động.
Tuyết Hà
Tham khảo thêm:
- Một số bất cập về thời hiệu xử lý kỷ luật các chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp
- Vai trò của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự tại khu vực phía Nam
- Sự ảnh hưởng của luật tục đến việc thực hiện pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Các hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013
- Quy định pháp luật về công tác tiếp công dân
- Quyền tư pháp và cơ quan tư pháp ở Việt Nam
- Cơ sở pháp lý đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam
- Một số quy định mới về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo Luật Đất đai năm 2013
- Đặc điểm pháp lý và các mối liên hệ cơ bản của quản tài viên
- Một số hạn chế của công tác thi hành án hình sự ở nước ta hiện nay
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.