Một số sai sót, bất cập trong bộ luật Hình sự năm 2015 (phần 1)
(Kiemsat.vn) – Xung quanh việc xây dựng Bộ luật hình sự 2015 (BLHS), có rất nhiều sai sót đã và đang được phát hiện. Với hy vọng Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ, thẩm định kỹ càng toàn bộ quy định liên quan để sau khi được sửa đổi, BLHS sẽ được áp dụng ngay và thực sự “đi vào cuộc sống”, chúng tôi xin giới thiệu bài viết về những bất cập sai sót trong BLHS năm 2015:
Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, bao quát cả phần những quy định chung lẫn phần các tội phạm cụ thể, trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt, phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định trong Bộ luật, chúng tôi thấy còn có quy định chưa hợp lý [1, 2, 3]. Ngày 29 tháng 6 năm 2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số: 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Ngoài những vấn đề đã được các chuyên gia, những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp nêu ra trong thời gian gần đây, chúng tôi xin nêu thêm một số nội dung khác còn bất cập hoặc sai sót trong BLHS năm 2015 nhằm góp phần bảo đảm việc rà soát, sửa đổi BLHS được đầy đủ, chính xác, hạn chế thiếu sót, vướng mắc khi áp dụng.
1. Không phân loại tội phạm đối với pháp nhân
Điều 9 BLHS năm 2015 quy định về phân loại tội phạm cơ bản kế thừa BLHS năm 1999, theo đó phân loại tội phạm theo tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm dựa trên hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn, chung thân, tử hình. Đối với các tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì căn cứ để xác định bắt buộc phải có là hình phạt tù, tuy nhiên không có quy định về phân loại tội phạm riêng đối với pháp nhân. Vấn đề đặt ra là, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 căn cứ vào quy định về phân loại tội phạm theo Điều 9 BLHS để xác định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử (Điều 172, Điều 240, Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Tuy nhiên trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì không có hình phạt tù vì không thể áp dụng hình phạt này với một thực thể pháp lý được. Ngoài hình phạt tiền, có thể áp dụng hình phạt khác đối với pháp nhân như: đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Vậy tội phạm mà pháp nhân thực hiện được phân loại như thế nào? Việc không phân loại tội phạm đối với pháp nhân sẽ dẫn đến những khó khăn sau:
1.1. Không có căn cứ để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân phạm tội.
“Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
Khoản 2 Điều 27 BLHS 2015 quy định:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.”.
Như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân áp dụng trên cơ sở phân loại tội phạm, trong khi Điều 9 không quy định với pháp nhân. Vậy thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là bao nhiêu năm, áp dụng quy định nào.
1.2. Không có căn cứ để xác định thời hạn điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, truy tố, xét xử.
Việc phân loại tội phạm trong Bộ luật hình sự có ý nghĩa quan trọng vì liên quan trực tiếp đến các quy định về thời hạn điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, truy tố, xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự đều áp dụng các loại thời hạn này theo phân loại tội phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng). Vậy áp dụng thời hạn trong vụ án hình sự có bị can, bị cáo là pháp nhân như thế nào? Giả sử xác định hình phạt đối với pháp nhân là phạt tiền và các hình phạt khác thuộc loại tội ít nghiêm trọng quy định tại Điều 9 BLHS thì như vậy, trong mọi trường hợp, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân được áp dụng như loại tội ít nghiêm trọng. Điều này là không hợp lý, vì điều tra vụ án đối với pháp nhân thường phức tạp, khó khăn, thu thập đánh giá chứng cứ phức tạp hơn nhưng thời hạn lại ngắn hơn.
2. Quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chưa hợp lý
Điều 107 BLHS năm 2015 quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội căn cứ vào loại tội chứ không căn cứ vào mức hình phạt như xóa án tích đối với người trên 18 tuổi. Cụ thể:
2. Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Trong khi đó, Điều 70 BLHS năm 2015, “Đương nhiên được xóa án tích” (được hiểu là áp dụng đối với người bị kết án trên 18 tuổi) lại căn cứ vào mức hình phạt, cụ thể:
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Quy định như trên dẫn đến trong một số trường hợp, việc xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bất lợi hơn người trên 18 tuổi. Ví dụ: A (17 tuổi) bị kết án về tội “cướp giật tài sản” theo khoản 2 Điều 171 BLHS 2015 (tội rất nghiêm trọng) và bị xử phạt 3 năm tù. Nếu áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 107 BLHS thì thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với A là 2 năm. Tuy nhiên, vì A là người dưới 18 tuổi nên phải áp dụng khoản 2 Điều 107 BLHS để xóa án tích, theo đó, thời hạn xóa án tích đối với A là 3 năm. Như vậy, cùng một tình tiết, hành vi phạm tội và mức hình phạt như nhau, nhưng người dưới 18 tuổi có thể sẽ bị bất lợi hơn khi xác định điều kiện xóa án tích, nguyên nhân xuất phát từ việc Điều 107 BLHS quy định xóa án tích dưới 18 tuổi phạm tội lại dựa trên loại tội chứ không dựa trên mức hình phạt như Điều 70 BLHS.
3. Quy định tình tiết định khung không hợp lý
Trong nhóm tội xâm phạm sở hữu, BLHS năm 2015 áp dụng tình tiết định tội như BLHS năm 1999 là: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm, b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Tuy nhiên, điểm thay đổi quan trọng là có 04 điều luật trong BLHS năm 2015 lại sử dụng các tình tiết này làm tình tiết định khung hình phạt, bao gồm: “Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản” (Điều 172), “Tội trộm cắp tài sản” (Điều 173), “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174), “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178). Ví dụ, tại Điều 173 “Tội trộm cắp tài sản” quy định:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
……………
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
……………
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này”.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
……………………..
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
……………..”.
Điểm a, b khoản 1 mà các khoản 2, 3, 4 viện dẫn chính là việc áp dụng yếu tố “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”, “đã bị kết án chưa được xóa án tích”. Các Điều 172, 174, 178 cũng quy định tương tự. Việc áp dụng tình tiết “đã bị kết án”, “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” làm tình tiết định khung hình phạt rõ ràng làm nặng hơn tình trạng của bị can, bị cáo và bất hợp lý, vì:
– Không phân loại được tính chất nguy hiểm của hành vi thuộc trường hợp “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”,”tái phạm” với “tái phạm nguy hiểm”, khi sử dụng cả ba tình tiết này làm tình tiết định khung hình phạt.
– Các nhóm tội phạm khác không quy định tình tiết này làm tình tiết định khung hình phạt mà chỉ có 04 tội danh trong nhóm tội xâm phạm sở hữu nêu trên [ 4 ].
– Nghiên cứu các điều luật liên quan, chúng tôi thấy rằng, việc áp dụng các tình tiết định khung thông dụng như: phạm tội từ 02 lần trở lên, phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm… chỉ áp dụng đối với 01 khung hình phạt cụ thể trong 01 điều luật. Ngay tại 04 tội danh nêu trên, tình tiết “tái phạm nguy hiểm” chỉ sử dụng tại 01 khung hình phạt duy nhất (khoản 2). Tuy nhiên tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” và “đã bị kết án” lại được áp dụng làm tình tiết định khung cho tất cả các khung hình phạt tại 04 tội danh nêu trên trong BLHS năm 2015, mặc dù, xét về tính chất nguy hiểm thì rõ ràng “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” và “đã bị kết án” ít nguy hiểm hơn.
– Quy định như trên dẫn đến thực tế sẽ có những trường hợp phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” có thể áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn trường hợp “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”, “tái phạm”. Chúng tôi xin nêu dẫn chứng để chứng minh bằng 02 ví dụ sau:
Ví dụ 1: A trộm cắp tài sản trị giá 100 triệu đồng. A có 01 tiền án về tội “cố ý gây thương tích”, 01 tiền án về tội “mua bán trái phép chất ma túy”, phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”. Vì 02 bản án đối với A không thuộc nhóm tội chiếm đoạt tài sản nên không sử dụng làm tình tiết “đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội …” để định khung hình phạt. Do đó, hành vi của A cấu thành tội “trộm cắp tài sản” theo điểm c, g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 với mức hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.
Ví dụ 2: B trộm cắp tài sản trị giá 100 triệu đồng, nhưng trước đó B “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” về hành vi trộm cắp tài sản. Vì B “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” về hành vi chiếm đoạt nên theo điều luật, tình tiết này được áp dụng làm tình tiết định khung hình phạt. Do đó, B phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội trộm cắp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều BLHS năm 2015 với mức hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù.
Như vậy, với 02 hành vi trộm cắp có trị giá tài sản như nhau, cùng tội danh nhưng B phạm tội thuộc trường hợp “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” lại phải chịu khung hình phạt nặng hơn A phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”. Chúng tôicho rằng, quy định như vậy là không hợp lý, làm nặng hơn tình trạng của bị can, bị cáo và không logic, không phù hợp với các điều luật liên quan.
4. Phạm tội chưa gây thiệt hại nhưng hình phạt bằng hoặc nặng hơn trường hợp đã gây thiệt hại trên thực tế.
4.1. Phạm tội chưa gây thiệt hại nhưng hình phạt lại bằng trường hợp đã gây thiệt hại trên thực tế.
Điều 268 “Tội cản trở giao thông đường sắt”, tại khoản 4 và khoản 5 quy định:
“4. Người đặt chướng ngại vật … gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Như vậy, hình phạt tại khoản 4 và khoản 5 Điều 268 BLHS năm 2015 là hoàn toàn trùng nhau, quy định như vậy có 02 điểm không hợp lý vì: 1) Nếu trong một điều luật mà hình phạt hoàn toàn giống nhau thì phải nhập vào một khoản; 2) Quy định hình phạt trong trường hợp phạm tội đã gây thiệt hại thực tế với trường hợp có khả năng gây ra thiệt hại trên thực tế (chưa gây thiệt hại) giống nhau là không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm, hành vi, hậu quả và tính chất nguy hiểm của tội phạm.
Điều 273, “Tội cản trở giao thông đường thuỷ” BLHS năm 2015 cũng quy định tương tự.
4.2. Phạm tội chưa gây thiệt hại nhưng hình phạt nặng hơn trường hợp đã gây thiệt hại trên thực tế.
Ngoài Điều 268, 273 nêu trên, một số điều luật trong BLHS năm 2015 còn bất hợp lý hơn nữa khi quy định mức hình phạt trong trường hợp đã gây thiệt hại trong thực tế nhẹ hơn trường hợp có khả năng gây thiệt hại (tức là chưa gây thiệt hại), cụ thể:
Khoản 4, 5 Điều 272 “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” quy định:
“4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Như vậy, trường hợp phạm tội đã gây thiệt hại trên thực tế theo khoản 5 Điều 272 BLHS năm 2015, mức hình phạt cao nhất chỉ 02 năm tù, nhưng nếu phạm tội theo khoản 4 (phạm tội trường hợp có khả năng dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, tức là chưa gây thiệt hại) thì mức hình phạt cao nhất lên đến 03 năm tù. Điều 295, “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”; Điều 307 “Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” cũng quy định tương tự như trên [ 5 ].
Rõ ràng, việc xác định mức hình phạt như trên là bất hợp lý, không phù hợp với tính chất, mức độ nguyhiểm, hậu qủa của hành vi phạm tội, có khả năng dẫn đến không công bằng khi áp dụng quy định của Bộ luật vào thực tiễn.
—————————————————————————–
(*) Bài đã được đăng nhiều kỳ trên:phapluatngaynay.vn
Tài liệu tham khảo:
[1] Trần Văn Cường, Có tới 7 sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015 – http://kiemsat.vn/ct/co-toi-7-sai-sot-trong-bo-luat-hinh-su-nam-2015-1116.html.
[2] Bộ luật hình sự 2015 bị phát hiện 03 lỗi nghiêm trọng, http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/bo-luat-hinh-su-2015-bi-phat-hien-3-loi-nghiem-trong-3385347.html.
[3] Quốc hội biểu quyết hoãn thi hành luật hình sự mới vì 90 lỗi kỹ thuật – http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/quoc-hoi-bieu-quyet-hoan-thi-hanh-luat-hinh-su-moi-vi-90-loi-ky-thuat-3426950.html.
[4] (Đối với Điều 265, “tội tổ chức đua xe trái phép” có áp dụng tình tiết “đã bị kết án” làm tình tiết định khung ở khoản 2, nhưng không áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” làm tình tiết định khung, còn tình tiết “tái phạm nguy hiểm” được quy định ở khoản 3 điều luật).
[5] Riêng Điều 307, “Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” thì mức hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù tại khoản 4 (đã gây thiệt hại) và khoản 5 (chưa gây thiệt hại) là bằng nhau, nhưng khoản 4 được áp dụng hình phạt tiền còn khoản 5 không có hình phạt tiền…. (còn nữa)
Bài luận liên quan:
- Hình sự hóa quan hệ dân sự
- Áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội xâm hại tình dục trẻ em – Những khó khăn vướng mắc thực tiễn
- Một số sai sót, bất cập trong bộ luật Hình sự năm 2015 (phần 1)
- Hệ thống các thiết chế pháp lý của ASEAN theo Hiến chương
- Đối với các dấu vết khác nhau cần sử dụng các phương tiện khác nhau để thu lượm
- Phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt
- Hiện nay, nguyên tắc đồng thuận đang được ASEAN sử dụng dể thông qua các quyết định của mình, bên cạnh những ưu điểm, nguyên tắc đồng thuận cũng đã và đang bộc lộ rất nhiều hạn chế – Vì vậy, để hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra khi Cộng đồng ASEAN đã chính thức được hình thành, ASEAN cần phải thay thế nguyên tắc đồng thuận bằng một nguyên tắc khác linh hoạt và phù hợp hơn
- Lợi ích của việc đăng ký giao dịch bảo đảm
- Đặc trưng cơ bản để phân biệt quy tắc xử sự chung với xử sự riêng
- Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước
- Thủ tục kháng án giành quyền nuôi con
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.