Một số vấn đề lý luận chung về bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000

Một số vấn đề lý luận chung về bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000

Xuất phát từ mục đích của việc xác lập quan hệ vợ chồng là nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 khi điều chỉnh các quan hệ giữa vợ và chồng đã dựa trên nguyên tắc tiến bộ, bình đẳng. Điều đó được thể hiện rõ nét trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Có thể nói quan hệ tài sản giữa vợ và chồng đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình, mang những nét đặc trưng gắn liền với nhân thân của vợ chồng.

Về vấn đề này, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã ghi nhận người phụ nữ được bình đẳng với chồng. Bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng là một vấn đề không mới nhưng chưa được nghiên cứu thấu đáo, đặc biệt trong điều kiện kinh tế xã hội của đất nước có nhiều chuyển biến phức tạp, ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ sở hữu tài sản của vợ và chồng. Để đảm bảo cho những quyền tài sản của người phụ nữ được thực thi trong thực tế, những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng cần phải được nhìn nhận và hiểu một cách thống nhất. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được trao đổi một số vấn đề mang tính lý luận xung quanh việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp dưới góc độ bình đẳng giới.

* Khái niệm:

 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chưa ra một khái niệm cụ thể nào về việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để tạo cơ sở thực hiện quyền bình đẳng thực chất giữa vợ và chồng, khái niệm bảo vệ quyền của phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng phải bảo đảm được ba nội dung sau: Ghi nhận đầy đủ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng trong quan hệ hôn nhân hợp pháp; đảm bảo thực hiện quyền tài sản của người vợ trong thực tiễn; và phải có chế tài xử lý những hành vi xâm phạm đến quyền của người phụ nữ….

*Đặc điểm của việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.

Nội dung bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ sở hữu tài sản giữa vợ với chồng bao gồm ba mối quan hệ: quan hệ sở hữu tài sản, quan hệ cấp dưỡng, quan hệ thừa kế. Do đó, việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng có một số đặc điểm sau:

– Việc bảo vệ quyền của người phụ nói chung và quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng nói riêng có quá trình phát triển khác nhau trong mỗi giai đoạn lịch sử, trong mỗi chế độ xã hội và phụ thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị. Quá trình bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng song song với sự phát triển của nhân loại.

Dưới chế độ phong kiến, pháp luật hầu như không bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật) đã chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Đó là quy định họ có quyền có tài sản riêng; khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung; khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người. Song trong Luật Gia Long lại quy định: ở nhà chồng, tài sản làm ra thuộc sở hữu của nhà chồng, khi chồng còn sống, người vợ không có quyền lợi kinh tế, khi chồng chết, tài sản không thuộc về họ mà thuộc về con cái và dòng họ nhà chồng…

Trong Bộ dân luật Bắc Kỳ (1931) và Bộ dân luật Trung Kỳ (1936) đã quy định cho vợ chồng được tự do lập hôn ước, chế độ tài sản pháp định chỉ đặt ra khi vợ chồng không lập hôn ước. Theo chế độ này, tài sản chung của vợ chồng bao gồm tất cả của cải, hoa lợi của chồng cũng như của vợ, không kể tài sản đó được tạo ra trước hay trong thời kì hôn nhân. Hay như trong Tập Dân luật giản yếu năm 1883 không thừa nhận người vợ có tài sản riêng, do đó không thể có cộng đồng tài sản giữa vợ và chồng mà toàn bộ tài sản trong gia đình đều thuộc quyền sở hữu duy nhất của người chồng…

Mặc dù trong chế độ cũ, quan hệ vợ chồng nói chung và quan hệ tài sản giữa vợ chồng nói riêng là quan hệ bất bình đẳng song pháp luật đã cũng bắt đầu đặt ra vấn đề bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng.

Khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, quy định “Bình đẳng giữa nam và nữ về mọi mặt” (Hiến pháp 1946) là nền tảng pháp lý để bảo vệ quyền của người phụ nữ. Trên cơ sở đó, hệ thống văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình sau này được ban hành qua các thời kỳ chính là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền của người phụ nữ nói chung và quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng nói riêng.

– Việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau.

Trong quan điểm của Nho giáo cho rằng: người phụ nữ thuộc vào loại “tiểu nhân”, nếu người phụ nữ nào tuân theo định mệnh thì sẽ hạnh phúc. Tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” của Nho giáo đã tước đi niềm hạnh phúc của người phụ nữ, vị thế và quyền lợi của họ không được bảo vệ trong mọi lĩnh vực của đời sống gia đình.

Theo tư tưởng của Phật giáo, người phụ nữ không được xem như là một phần của người chồng, cũng hoàn toàn không phải là tài sản hay thuộc sở hữu của người chồng. Phật giáo khuyến khích việc tặng của hồi môn cho con gái khi đám cưới, của hồi môn này là tài sản riêng của cô dâu và không bao giờ được xem như là cái giá mà gia đình cô dâu phải trả cho bên gia đình nhà chồng, cũng như không bao giờ giao hết cho gia đình nhà chồng. Của hồi môn là của để dành, sẽ giúp người vợ khi cần dùng đến. Trong giáo lý Phật giáo cũng không chấp nhận việc hạn chế các quyền lợi của người góa phụ như mất quyền thừa kế tài sản, bảo vệ tài sản hay không được tham gia các lễ hội v.v…

– Bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng chịu sự chi phối của các điều kiện kinh tế xã hội, đặc biệt là các điều kiện kinh tế.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được ban hành phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, trong đó đặc biệt chú ý tới chế độ tài sản giữa vợ và chồng, bảo vệ quyền của người phụ nữ.

Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, do điều kiện kinh tế – xã hội ở miền Bắc chưa phát triển, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 chỉ quy định một chế độ tài sản của vợ chồng, chế độ cộng đồng toàn sản. Quy định này đã thực sự bảo đảm được quyền lợi của người vợ trong gia đình về tài sản. Tất cả tài sản vợ, chồng có trước và trong thời kỳ hôn nhân phải thuộc khối tài sản chung, quyền có tài sản riêng không được thừa nhận vì mâu thuẫn với lợi ích của gia đình. “Vợ chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới” [38, Điều 15].

 Khi đất nước bước vào thời kì đổi mới, kinh tế – xã hội phát triển, tài sản của công dân trở nên phong phú, đa dạng về giá trị sử dụng thực tế và giá trị tài sản. Để đảm bảo thực sự quyền tự định đoạt của công dân, để bảo vệ tốt hơn quyền của người phụ nữ, tạo môi trường pháp lý bình đẳng về quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 được ban hành, đã quy định chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm chế độ tài sản chung và chế độ tài sản riêng. Việc ghi nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ, chồng, tạo điều kiện cho vợ, chồng được tự định đoạt tài sản của mình mà không phụ thuộc vào ý chí của bên kia.

– Ngoài ra, pháp luật đã quy định những hình thức, mức độ mà người vợ được phép thực hiện các quyền tài sản của mình trong thời kỳ hôn nhân cũng như những biện pháp xử lý các vi phạm các quyền đó của người vợ.

Điều này có thể thấy rõ trong nội dung các văn bản pháp luật hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ: Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi kết hôn. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cùng có quy định tài sản có trước khi kết hôn là tài sản riêng. Việc chuyển tài sản riêng thành tài sản chung phải theo đúng thủ tục quy định của pháp luật. Vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung…

* Ý nghĩa của việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng

Việc bảo vệ quyền của người phụ nữ luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Vấn đề bảo vệ quyền của người phụ nữ nói chung và bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản với người chồng nói riêng xét cả trên hai phương diện thực tiễn và lý luận có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước hết, phải thừa nhận rằng: sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng phụ thuộc trước tiên vào sự bình đẳng trong quan hệ tài sản. Trong gia đình có xu hướng ai có tài sản, người đó giữ quyền quyết định, điều chỉnh mọi vấn đề của gia đình. Do đó, khi người phụ nữ có cơ hội và thực tế được bình đẳng với chồng về tiềm lực kinh tế, về quyền tài sản, thì đó chính là các điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự bình đẳng trong các quan hệ khác trong quan hệ vợ chồng.

Mặt khác, bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ giữa vợ và chồng nhằm xóa bỏ tư tưởng gia trưởng – phong kiến, quyền áp đặt của người chồng trong quan hệ tài sản với người vợ. Trong quan hệ tài sản với người chồng, người phụ nữ cần được đảm bảo có cơ hội tiếp cận, kiểm soát tài sản như người chồng để có thể có quyền ngang nhau với người chồng trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của gia đình.  Bảo vệ quyền tài sản của người phụ nữ sẽ có tác động to lớn trong việc nâng cao vị thế, vai trò của người vợ trong gia đình và trong xã hội. Khi có tiềm lực kinh tế, người phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với tri thức, với khoa học, được mở rộng tầm hiểu biết, sẽ đóng góp sức lực và trí tuệ, làm giàu nhiều hơn cho gia đình và cho xã hội, con cái có điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe tốt hơn….Việc bảo vệ quyền tài sản của người vợ là cơ sở để đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa vợ và chồng trên thực tế. Việc đảm bảo quyền tài sản của người vợ trên thực tế tạo điều kiện cho người vợ có quyền sở hữu tài sản, tiếp cận các nguồn lực của gia đình, có quyền kiểm soát và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến tài sản của gia đình. Người vợ có quyền quyết định về tài sản sẽ có tiếng nói quan trọng có giá trị trong gia đình và tiến tới đảm bảo quyền bình đẳng giới giữa vợ chồng.

Ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng còn ở khía cạnh xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm quyền tài sản của người vợ trong quan hệ hôn nhân, các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến tài sản, những hành vi hủy hoại danh dự của người vợ…đảm bảo lợi ích chính đáng về quyền tài sản của người vợ trên thực tế.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng, Quyền của người phụ nữ đã được pháp luật ghi nhận, đây chính là một sự tiến bộ. Nhưng việc quan trọng hơn là cần bảo vệ và bảo đảm cho được những quyền của người phụ nữ được thực hiện trong thực tế. Điều đó đòi hỏi một cơ chế đồng bộ từ việc xây dựng pháp luật đến các biện pháp thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành. Chỉ khi bảo vệ được quyền sở hữu tài sản của người phụ nữ trong quan hệ tài sản của vợ chồng thì việc đảm bảo bình đẳng giới mới trở thành hiện thực.

Trần Hồng Nhung – Sở Tư pháp Nam Định

Tham khảo thêm các bài viết:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191