Một số vấn đề về công ty hợp danh ở Việt Nam theo Luật Doanh nghiệp và hướng đề xuất hoàn thiện
Công ty hợp danh là loại hình công ty ra đời sớm nhất của lịch sử loài người, là loại hình đặc trưng của công ty đối nhân có từ hai thành viên cùng hợp tác kinh doanh dưới tên gọi chung cùng chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới về nghĩa vụ tài sản của công ty.
Công ty hợp danh được quy định lần đầu tiên trong Bộ luật Thương mại Pháp năm 1807, tuy nhiên người ta đã tìm thấy những hình thức hợp tác giữa các thương nhân dưới góc độ hợp danh theo nghĩa rộng trong các đạo luật cổ thời cổ đại như Bộ luật Hammurabi của Babylon vào khoảng năm 2.300 trước công nguyên.
Ở Việt Nam, ngay từ khi thực dân pháp đô hộ đất nước ta, công ty hợp danh đã được quy định dưới hình thức là Hội người trong dân luật Bắc kỳ năm 1931, Dân luật Trung kỳ năm 1936 và Bộ luật Thương mại Sài Gòn trước năm 1975.
Cho đến những năm cuối của thế kỷ XX, khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hơn một thập kỷ, thì công ty hợp danh lần đầu tiên được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 1999 với vẻn vẹn chỉ có 4 điều (từ Điều 95 đến Điều 98).
Vài năm sau đó, những quy định về công ty hợp danh đã bộc lộ những nhược điểm khi nhà đầu tư không mặn mà với loại hình doanh nghiệp này. Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định 11 Điều về công ty hợp danh (từ Điều 130 đến Điều 140).
Trong gần 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005, số lượng công ty hợp danh vẫn chỉ dừng lại ở con số vài chục, điều đó chứng tỏ loại hình công ty này vẫn còn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư kinh doanh, đến Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn quy định hình thức công ty hợp danh gồm 11 Điều (từ Điều 172 đến Điều 182) và chưa khắc phục được những đặc điểm cố hữu của việc quy định loại hình công ty này.
1. Thực trạng quy định pháp luật về công ty hợp danh (CTHD)
Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa tách bạch loại hình CTHD và công ty hợp vốn đơn giản theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, CTHD có tối thiểu là hai thành viên hợp danh, ngoài các thành viên hợp danh thì công ty có thể có thêm thành viên hợp vốn. Nếu CTHD vì lý do nào đó mà chỉ còn một thành viên hợp danh và một thành viên hợp vốn thì không thể hoạt động được.
Thứ hai, Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa quy định thống nhất về nghĩa vụ tài sản đối với công ty của thành viên hợp vốn. Điểm c khoản 1 Điều 172 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thành viên hợp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp, nhưng tại điểm a khoản 2 Điều 182 lại quy định thành viên hợp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp.
Điều này gây tranh cãi về trách nhiệm về tài sản của thành viên hợp vốn và gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.
Thứ ba, cả Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì thành viên hợp vốn trong CTHD chỉ được quy định rất ít quyền lợi, dường như họ chỉ là những người bỏ tiền vào công ty và trông chờ tất cả vào khả năng điều hành và quản lý công ty của các thành viên hợp danh theo kiểu “được may rủi chịu”. Chính vì vậy, việc đầu tư vào CTHD với tư cách là thành viên hợp vốn không hấp dẫn nếu không muốn nói là rủi ro lớn so với các hình thức đầu tư vốn khác nhau gửi tiết kiệm hay đầu tư cổ phiếu chứng khoán.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa có quy định mới mở rộng quyền cho thành viên hợp vốn, hơn thế nữa việc góp vốn hay thoái vốn khỏi CTHD của các thành viên hợp vốn cũng không phải dễ dàng, bởi theo quy định tại khoản 4 Điều 177 và khoản 1 Điều 181, thành viên hợp vốn phải được 2/3 số thành viên hợp danh của công ty đồng ý.
Bên cạnh đó, việc thành viên hợp vốn chỉ được tham gia biểu quyết các vấn đề tại hội đồng thành viên trong một số trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích của họ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 181 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nhưng cụ thể là họ được quyền biểu quyết vấn đề gì và giá trị phiếu biểu quyết của họ có bằng với phiếu biểu quyết của thành viên hợp danh hay không vẫn chưa có quy định rõ.
Thứ tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa quy định rõ ai là người đại diện cho CTHD, vì theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 179, thì tất cả các thành viên hợp vốn bao gồm cả chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật cho công ty trừ khi bên thứ ba biết được hạn chế của thành viên hợp danh trong giao dịch đó, trong thực tế thì để chứng minh thế nào là bên thứ ba “biết được hạn chế” là điều không dễ dàng.
Thứ năm, Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa quy định thống nhất quyền rút vốn của các thành viên hợp danh, cụ thể khoản 3 Điều 175 quy định thành viên hợp danh được quyền chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho người khác nếu được các thành viên hợp danh còn lại đồng ý , có nghĩa là các thành viên hợp danh còn lại phải nhất trí. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 177 và điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 180, thì thành viên hợp danh được rút vốn nếu được 2/3 tổng số thành viên đồng ý.
Thứ sáu, theo quy định tại khoản 3 Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2014, CTHD không được phát hành bất kỷ loại chứng khoán nào và cũng không được phát hành trái phiếu như những loại hình công ty khác có tư cách pháp nhân. Bản chất của trái phiếu như một quan hệ vay tài sản giữa doanh nghiệp với người chủ sở hữu trái phiếu, người chủ sở hữu trái phiếu không thể can dự vào việc quản trị công ty như người sở hữu vốn góp. Như vậy, khả năng huy động vốn của công ty là rất hạn chế so với các loại hình doanh nghiệp khác.
Thứ bảy, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Doanh nghiệp năm 2014, CTHD có tư cách pháp nhân. Điều này dường như mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 93 Bộ luật Dân sự năm 2005, bởi theo đó thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân đối với những giao dịch do pháp nhân thực hiện, trong khi chúng ta biết rằng, thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới với nhau về nghĩa vụ tài sản của công ty hợp danh.
Thứ tám, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 172, điểm d khoản 2 Điều 176 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty. Điều này có nghĩa chủ nợ chỉ được yêu cầu các thành viên hợp danh trả nợ tiếp khi tài sản CTHD đã được thanh lý hết nhưng không đủ, nếu trong thời gian đó mà thành viên hợp danh chủ động tẩu tán tài sản thì sẽ ảnh hưởng tới chủ nợ rất nhiều.
Thứ chín, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì thành viên hợp danh của CTHD chỉ có thể là cá nhân, mà không thể là pháp nhân. Người làm luật cho rằng, bởi vì thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn về nghĩa vụ tài sản nên chỉ có cá nhân mới phù hợp. Chúng ta thấy, trách nhiệm vô hạn là phải lấy toàn bộ tài sản hiện có, thậm chí tài sản sẽ có trong tương lai để trả nợ cho đến khi hết nợ mới thôi.
Hiện nay, xu thế mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ngày càng nhiều, pháp nhân vẫn có thể kế thừa các quyền và nghĩa vụ cho nhau, vậy tại sao lại không thể quy định thành viên hợp danh cũng có thể là một pháp nhân?
2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về công ty hợp danh.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 được coi mà một bước cải cách thể chế lần hai nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, để loại hình công ty hợp danh trở thành một hình thức thu hút các nhà đầu tư lựa chọn, tác giả xin đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về loại hình công ty hợp danh như sau:
Một là, nên tách bạch rõ loại hình công ty hợp danh hiện nay thành công ty hợp danh chỉ có các thành viên hợp danh với ít nhất 02 thành viên hợp danh trở lên với công ty hợp vốn bao gồm tối thiểu 01 thành viên hợp danh và 01 thành viên hợp vốn.
Hai là, quy định thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty và quy định rõ ràng, cụ thể về các quyền lợi của họ để thu hút đầu tư vốn cho CTHD.
Ba là, quy định rõ về người đại diện cho CTHD trong các giao dịch cụ thể đối với bên thứ ba, cũng như quy định thống nhất việc thành viên hợp danh thoái vốn ra khỏi CTHD.
Bốn là, nên quy định CTHD là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân như trong Luật Doanh nghiệp năm 1999 để phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, đồng thời không cho phép công ty hợp danh phát hành cổ phiếu nhưng được quyền phát hành trái phiếu để tạo điều kiện cho công ty dễ dàng huy động vốn.
Năm là, quy định cho phép chủ nợ được yêu cầu một trong số các thành viên hợp danh trả nợ khi họ chứng minh được tài sản CTHD không đủ trả nợ hoặc đã yêu cầu CTHD thực hiện trả nợ trong một thời hạn ngắn nhưng CTHD không thực hiện. Bên cạnh đó, cần quy định lại việc hạn chế của thành viên hợp danh là không được làm thành viên hợp danh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân trong bất kỳ trường hợp nào. Ngoài ra, cũng nên xem xét cho phép pháp nhân cũng có thể trở thành thành viên hợp danh của CTHD để đa dạng hóa hình thức thu hút các nhà đầu tư lựa chọn.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Xem: Luật Doanh nghiệp năm 2014;
2. Xem: Giáo trình Luật Thương mại của Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2006;
3. Xem: Lê Việt Anh, về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh, tạp chí nghiên cứu lập pháp số 113, tháng 01/2008;
4. Xem: Ngô Huy Cương, Khái niệm công ty hợp danh tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 11, tháng 6/2009;
5. Một số bài viết về công ty hợp danh trên intenet.
Đoàn Thị Ngọc Hải
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.