Ngăn cản người xác xây sửa mộ cho bố mình có được không?

Câu hỏi của khách hàng: Ngăn cản người xác xây sửa mộ cho bố mình có được không?

Bố em mất sớm, sau đó ông bà nội lần lượt mất theo. Khi sang cất cho bố và ông nội thì xây 2 ngôi mộ liền kề nhau, còn của bà chưa xây.(tất nhiên gia đình bên nội hiện giờ không coi nhà em ra gì hết).

Bây giờ Chú Thím và các Cô làm mộ cho bà nội làm lại luôn mộ của ông nội và bố em. Và không hề nói chuyện gì với nhà em về việc làm lại mộ cho bố em.

Khi biết chuyện em đã nói rất nhẹ nhàng tại sao không ai nói cho cháu biết về việc làm lại mộ cho bố cháu. Và các Cô Chú bảo tại sao phải hỏi, tao làm cho ông bà thì tao làm luôn cho bố mày.

Trước khi mất bố em có 1 ng con gái riêng. Sau khi bố em mất thì biệt vô tăm tích. Giờ bà Cô em bảo là do đứa con gái riêng nó bỏ tiền ra xây. Em đã yêu cầu Cô Chú không được xây dựng phần mộ của bố em nữa.

Giờ em muốn hỏi mọi người là Cô Chú làm vậy là đúng hay sai?

=>Nếu căng quá em làm đơn khiếu lại nhờ pháp luật thì có được không ạ?(Vì thật sự không coi nhà em ra gì hết và nhiều vấn đề khác).


Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự  – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 23/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Hành vi sửa chữa lại mồ mả của người đã chết

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017

3./ Luật sư trả lời Ngăn cản người xác xây sửa mộ cho bố mình có được không?

Mồ mả được hiểu là nơi an táng (chôn cất) người đã chết. Cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm đến mồ mả của người khác sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn (cùng người con còn lại của bố của bạn) được xác định là người có quyền và nghĩa vụ trông coi, tu sửa,… phần mồ mả của bố của bạn. Do vậy, mọi hành vi tu sửa không có sự đồng ý của bạn cùng người con còn lại của bố bạn đều bị coi là hành vi xâm phạm mồ mả.

Mà như bạn trình bày thì người con còn lại của bố bạn đã không có tin tức, không liên lạc được trong nhiều năm rồi. Nên, việc tu sửa mộ của bố của bạn có thể sẽ không bắt buộc phải có sự đồng ý của người này. Tuy nhiên, trong trường hợp người này gửi tiền về để tu sửa, việc tu sửa phải có sự đồng ý của bạn.

Bạn có thể yêu cầu những người chú, cô, bác,… của mình chứng minh việc những người này đã nhận được tiền của người con còn lại của bố bạn, việc tu sửa là do người con này nhờ vả. Trường hợp xác định được đối tượng thực hiện là chủ thể nào (là cô, chú, bác,.. của bạn- trong trường hợp tự ý, hay là người con còn lại của bố của bạn). Bạn có thể yêu cầu chủ thể chấm dứt hành vi xâm phạm.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật dân sự thì người có hành vi xâm phạm mồ mả sẽ phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả theo quy định tại Điều 607 Bộ luật dân sự khi hành vi của họ gây thiệt hại cho bạn. Mà, trong trường hợp tu sửa trên, việc thiệt hại gần như là không xảy ra, do đó, những chủ thể này cũng rất ít phải bồi thường thiệt hại cho bạn.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự:

Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

1.Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. …

Trong trường hợp, người cô, chú, bác,… của bạn có những hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì những người này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại Điều 319 Bộ luật hình sự.

Vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần xác định rõ hành vi của chú, thím và các cô của bạn có phải là gì, có phải hành vi xâm phạ tới thi thể, mồ mả, hài cốt hay không?

Trong trường hợp việc làm của những người này chỉ đơn thuần là xây sửa lại mộ của bố bạn, bạn vẫn có thể làm đơn yêu cầu những chủ thể này chấm dứt hành vi. Nếu họ vẫn tiếp tục thực hiện, bạn có thể làm đơn yêu cầu UBND giải quyết (thông thường là hòa giải), khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, sự việc được giải quyết ra sao còn tùy thuộc vào nhận định của tòa án, các căn cứ mà các bên đưa ra được, cũng như hành vi cụ thể của bên kia, bởi, việc xâm phạm mồ mả được coi là từ hành vi làm biến dạng kiến trúc liên quan đến mục đích bảo vệ người đã chết được nguyên vẹn, đều bị coi là hành vi xâm phạm mồ mả. Mà, hành vi xây sửa lại phần mộ của người đã mất không bị coi là xâm phạm mồ mả, và do đó, không bị áp dụng quy định về chế tài hình sự.

Trường hợp của bạn, nếu không muốn cô chú tu sửa phần mộ của bố mình, bạn nên nhờ UBND cấp xã hòa giải, thuyết phục cô, chú,… bạn dừng việc tu sửa lại (không nên khởi kiện ra tòa vì ở đây chưa có yếu tố xâm phạm mồ mả, việc giải quyết sẽ khó khăn, tốn thời gian và chi phí.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191