Tôi kết hôn năm 1999 và ở nhà chồng. Năm 2002 mẹ đẻ tôi mua 1 căn nhà chưa có bìa đỏ và cho tôi về ở để đi làm cho thuận tiện. Chồng và con tôi cũng chuyển về ở cùng. Sau đó mẹ tôi có viết giấy tay giao quyền sử dụng căn nhà đó cho tôi. Do có giấy viết tay này nên anh cán bộ địa chính phường đã ghi xác nhận việc giao quyền sử dụng nhà vào góc tờ giấy nhà nhưng không có đóng dấu của UBND phường vào chỗ ghi xác nhận cũng như vào giấy viết tay của mẹ tôi. Sau đó tôi cùng chồng, con nhập hộ khẩu về căn nhà này. Năm 2010, chúng tôi lại chuyển đến ở 1 căn nhà khác của mẹ đẻ tôi. Căn nhà trên mẹ tôi cho thuê. Sau đó vợ chồng tôi tôi ly hôn. Vậy tôi xin hỏi: Căn nhà mà mẹ tôi cho tôi ở ban đầu thuộc quyền sở hữu của mẹ hay của tôi? Nếu là của tôi thì có phải là tài sản riêng không?
Gửi bởi: Binh Minh
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại khoản 1 Điều 120 và khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 thì trong trường hợp tặng cho, các bên tham gia giao dịch phải lập hợp đồng tặng cho đồng thời phải thực hiện hợp đồng công chứng, chứng thực hợp đồng. Như vậy, thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho nhà là quy định bắt buộc. Bên cạnh đó, một trong các điều kiện để thực hiện việc tặng cho nhà ở được quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật này là nhà ở phải có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.
Thông tin mà bạn nêu: “Do có giấy viết tay này nên anh cán bộ địa chính phường đã ghi xác nhận việc giao quyền sử dụng nhà vào góc tờ giấy nhà nhưng không có đóng dấu của UBND phường vào chỗ ghi xác nhận cũng như vào giấy viết tay của mẹ tôi” không phải căn cứ theo quy định của Luật để xác định căn nhà trên thuộc sở hữu của của bạn. Và ngay trong nội dung câu hỏi thì bạn cũng trình bày là mẹ bạn chỉ giao quyền sử dụng căn nhà chứ không phải tặng, cho hay giao quyền sở hữu căn nhà.
Vì vậy, căn nhà trên không thuộc quyền sở hữu của bạn nên không phải tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân.
Các văn bản liên quan:
Luật 65/2014/QH13 Nhà ở
Trả lời bởi: vietduc
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.