Tôi có nhận thế chấp 1 căn nhà bằng giấy viết tay trong vòng 3 năm, bắt đầu từ tháng 2/2012 với ông A. Nguồn gốc ngôi nhà là: nhà của cha mẹ cho 2 anh em ông A (có công chứng). Trong hợp đồng thế chấp thì ông A ký hợp đồng, và người em là người làm chứng. Khi nhận thế chấp thì tôi ký hợp đồng cho ông A thuê nhà đó. Sau khi tìm hiểu thì được biết ông A đã bán nhà này cho người em. Tôi phải liên hệ với ai và làm như thế nào để xác định nhà đã chuyển nhượng cho em trai. Tôi có thể tới nhà đó để ở hay cho người khác thuê không vì trong hợp đồng thế chấp có ghi: trong thời hạn 3 năm có quyền sử dụng nhà. Tôi phải làm như thế nào để lấy lại tiền nhận thế chấp nhà, hoặc lấy nhà theo hợp đồng thế chấp được không?
Gửi bởi: Thanh Thanh
Trả lời có tính chất tham khảo
Bạn không nêu rõ trong câu hỏi nhưng có thể hiểu rằng: bạn cho ông A vay tiền và nhận bảo đảm là nhà ở. Để trả lời câu hỏi của bạn, chúng tôi không đi sâu vào tìm hiểu ngôi nhà có phải là tài sản hợp pháp của ông A hay không và mặc nhiên coi hai bên đã thực hiện giao dịch theo đúng trình tự, thủ tục luật định.
1. Về việc bạn hỏi: bạn có thể tới nhà đó để ở hay cho người khác thuê không.
Bộ luật Dân sự quy định Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Bên thế chấp có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận. Bên nhận thế chấp được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.
Từ quy định trên có thể thấy rõ, thế chấp chỉ là một biện pháp để đảm bảo cho nghĩa vụ dân sự của ông A đối với bạn. Việc thế chấp này không đương nhiên chuyển quyền sở hữu ngôi nhà từ ông A sang bạn. Do vậy, bạn không thể thực hiện quyền của chủ hữu như: đến ngôi nhà đó để ở hoặc cho người khác thuê.
2. Để lấy lại tiền đã cho vay thì đương nhiên bạn phải tìm gặp ông A và yêu cầu ông A thực hiện nghĩa vụ với mình. Nếu được thì bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết. Trong đơn khởi kiện, bạn cần nêu rõ:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
– Tên Toà án nhận đơn khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
– Tên, địa chỉ của người bị kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
– Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
– Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án;
Khi yêu cầu tòa giải quyết thì bạn có thể xuất trình các giấy tờ, tài liệu chứng minh nghĩa vụ của ông A với mình. Tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc bạn có được lấy luôn ngôi nhà là tài sản thế chấp hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: ngôi nhà có đúng là sở hữu hợp pháp của bên thế chấp hay không, thỏa thuận của các bên có hợp pháp không, các bên có thực hiện đúng thủ tục quy định của pháp luật hay không… Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý với bạn: Theo như thông tin bạn cung cấp thì hợp đồng thế chấp có hiệu lực ba năm từ tháng 02/2012 nên có thể thấy rằng nghĩa vụ của ông A vẫn chưa đến thời hạn thực hiện. Nếu chưa khẳng định chắc chắn ông A đã vi phạm nghĩa vụ với mình thì bạn chưa nên khởi kiện ra tòa để giải quyết, bạn nên tìm gặp ông A trước.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.