(Kiemsat.vn) – Cần bố trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử án hình sự phải ngang hàng, ngang cấp với Hội đồng xét xử như hiện nay, vừa mang tính khoa học và mang tính truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Ngày 01/4/2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số: 88/ TANDTC- PCchỉ đạoTòa án nhân dân các cấp triển khai thực hiện theo mô hình Phòng xử án đối với vụ án hình sự sẽ thực hiện ngày 01/7/2016.
Theo quy định tại Điều 257 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì:
“1. Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác.
“ 2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này”.
Như vậy, chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Kiểm sát viên trong hoạt động xét xử của Tòa án tại phòng xử án không được đề cấp đến và quy định rõ trong Điều 257 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, như: Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn,bảo đảm chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, đồng thờibảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác.
Với mô hình Phòng xử án đối với vụ án hình sự như Công văn số 88/TANDTC-PCcủa Tòa án nhân dân tối cao chỉ phù hợp cho phiên tòa theo mô hình tố tụng tranh tụng, mà các nước khác trên thế giới đang áp dụng. Ởphiên tòa được tổ chức theo mô hình tố tụng tranh tụng: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có vị thế điều khiển phiên tòa, đồng thời làm chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật như: “phản đối vô hiệu” “phản đối hữu hiệu” “yêu cầu bị cáo, nhân chứng, bị hại, người có quyền lợi liên quan… trả lời câu hỏi của Luật sư, Kiểm sát viên”. Thẩm phán không thực hiện chức năng xét hỏi. Việc phán quyết bị cáo tội danh thành lập hay không thành lập theo chế định Bồi thẩm đoàn và Bồi thẩm đoàn cũng không thực hiện chức năng xét hỏi. Mặt khác, phiên tòa được tổ chức theo mô hình tố tụng tranh tụng luôn luôn có Luật sư bào chữa cho bị cáo.
Việt Nam đang thực hiện mô hình tố tụng xét hỏi, bảo đảm chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giữ vai trò hỏi chính, Kiểm sát viên kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án, nên vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên mà Tòa án nhân dân tối cao sẽ thay đổi vào ngày 01/7/2016 theo Công văn số 88 là không phù hợp với mô hình tố tụng xét hỏi ở Việt Nam.
(Mô hình phòng xử án theo công văn số 88/TATC-PC)
Nhận thức đúng về vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự theo mô hình tố tụng xét hỏi, đồng thờibảo đảm sự bình đẳng giữa Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác, có ý nghĩa góp phần tạo vị thế uy nghiêm nhân danh Nhà Nước đọc cáo trạng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, đồng thời thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Kiểm sát viên là chủ thể tiến hành kiểm sát hoạt động xét xử hình sự trong TTHS Việt Nam. Kiểm sát viên khi được phân công kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại điểm m khoản 1 Điều 42 BLTTHS năm 2015: “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử của Tòa án và những người tham gia tố tụng; kiểm sát bản án, quyết định và các văn bản tố tụng khác của Tòa án”.
Do đó, cần giữ nguyên vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự như BLTTHS năm 2003 quy định, theo quan điểm này, vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên được bố trí ngồi bên phải, ngang hàng, ngang cấp với Hội đồng xét xử trong phòng xét xử vụ án hình sự.
Hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử hình sự của Viện kiểm sát là một hoạt động mang tính quyền lực mà Quốc hội đã giao cho cơ quan Viện kiểm sát, trong đó chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử vụ án hình sự là thực hiện chức năng giám sát tối cao mà Quốc hội giao cho Viện kiểm sát. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự, Thẩm phán chủ tọa điều khiển phiên tòa, Kiểm sát viên thực hiện quyền Kiểm sát hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử. Trong mối quan hệ chế ước này, nếu vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên ngồi không ngang hàng, không ngang cấp với Hội đồng xét xử thì ở vị thế “Dưới hàng, dưới cấp” khó mà làm tốt chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử, vì không phù hợp và không khoa học, bởi lẽ: Người có quyền giám sát lại ngồi “dưới thế” người được giám sát. Mặt khác, sắp xếp vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên ngang hàng, ngang cấp với người bào chữa thì sẽ giảm vị thế của Nhà nước, bởi, quyền công tố là quyền của Nhà nước truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội ra trước Tòa án. Người bào chữa (Luật sư) được luật tố tụng hình sự hiện hành xác định tư cách là người tham gia tố tụng, trong khi đó, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng, Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng.
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà người công dân chưa hoàn toàn tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, theo quy định của pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng, nếu như Viện kiểm sát nhân dân không được Quốc hội giao thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong đó có kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự của Tòa án, thì các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử sơ thẩm hình sự của Tòa án, không có cơ quan nào phát hiện, xử lý những vi phạm đó, bởi lẽ: Ba chức năng của Nhà nước ta (chức năng lập pháp, chức năng hành pháp và chức năng tư pháp) được tổ chức không ngang bằng, không đối trọng, mà có sự phân công phối hợp để thực hiện quyền lực Nhà nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước tiếp tục giao cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện đồng thời hai chức năng: Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có kiểm sát hoạt động xét xử án hình sự của Tòa án là hoàn toàn hợp lý, sát thực tiễn và khoa học.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử sơ thẩm hình sự của Tòa án và theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở đất nước ta, cơ quan Viện kiểm sát phải nâng cao trách nhiệm, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của Kiểm sát viên, đảm bảo cho Kiểm sát viên đủ thực quyền chủ động, độc lập khi làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án.Bổ sung quy chế xét xử hình sự “trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án, Kiểm sát viên phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân và việc chấp hành pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng”.
Từ những phân tích trên cho thấy, để thực hiện tốt vai trò của Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật và chức năng thực hành quyền công tố tại phiên tòa thì việc bố trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử án hình sự phải ngang hàng, ngang cấp với Hội đồng xét xử như hiện nay, vừa mang tính khoa học và mang tính truyền thống của dân tộc Việt Nam./.
Trần Ngọc Đảm
Viện cấp cao 3 tại thành phố Hồ Chí Minh
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.