Nhặt được điện thoại của người giật đánh rơi thì có phạm tội gì không?

Câu hỏi của khách hàng: Nhặt được điện thoại của người giật đánh rơi thì có phạm tội gì không?

Xin mọi người giúp mình
Sự việc: vừa rồi mình có thu 1 điện thoại, người bán nói lụm được của 1 thằng giật bị dí rớt; vậy mình có tội gì không ạ


Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 06/03/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm khi mua điện thoại do phạm tội mà có từ người nhặt được

  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  • Bộ luật dân sự năm 2015;

3./ Luật sư trả lời Nhặt được điện thoại của người giật đánh rơi thì có phạm tội gì không?

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có mua một chiếc điện thoại từ một người có được tài sản này qua việc “lụm được” của một chủ thể khác, và tài sản này có khả năng là tài sản do phạm tội mà có. Việc bạn mua chiếc điện thoại này khi được người bán thông báo rõ về nguồn gốc tài sản sẽ làm phát sinh một số hậu quả bất lợi cho bạn.

Trước tiên về việc xác lập quyền sở hữu của bạn đối với chiếc điện thoại khi phát sinh tranh chấp. Trong trường hợp của bạn, bạn là bên mua, và bên mua là người đã nhặt được chiếc điện thoại đó. Căn cứ Điều 431 Bộ luật dân sự quy định:

Điều 431. Đối tượng của hợp đồng mua bán

1.Tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó.

2.Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán.

Theo đó, bạn có thể nhận thấy, việc người bán điện thoại cho bạn có được chiếc điện thoại do nhặt được điện thoại (mà không phải mua/… bằng con đường hợp pháp) không làm phát sinh quyền sở hữu của người bán với chiếc điện thoại. Do đó, người này không có quyền bán chiếc điện thoại trên, bở chiếc điện thoại không thuộc quyền sở hữu của người bán và người bán cũng không có quyền bán. Trong trường hợp bạn mua chiếc điện thoại này mà chủ sở hữu hợp pháp của chiếc điện thoại  có yêu cầu thì bạn phải trả lại chiếc điện thoại trên cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản. Bởi, mặc dù bạn đã bỏ tiền mua chiếc điện thoại trên, nhưng khi mua bạn hoàn toàn biết bên bán không phải chủ sở hữu/người có quyền bán chiếc điện thoại này (nhưng bạn vẫn quyết định mua vì một số lý do nào đó).

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì khi nhặt được một tài sản, chủ thể có trách nhiệm báo việc này tới Công an xã, phường, thị trấn (nơi gần nhất) để được giải quyết (thông thường là phía công an sẽ thông báo để tìm chủ sở hữu tài sản, trường hợp không có người nhận tài sản, thông thường người khai báo sẽ được xác lập quyền sở hữu với tài sản đó).

Tiếp đó, việc bạn mua chiếc điện thoại trên khi biết đây là tài sản do phạm tội mà có (mặc dù không mua trực tiếp từ người có hành vi phạm tội) có thể còn khiến bạn phải gánh chịu một số trách nhiệm nhất định về hành chính/hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi mà bạn thực hiện. Căn cứ Điều 323 Bộ luật hình sự:

Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1.Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

…”

Thì việc một người chứa chấp/tiêu thụ tài sản khi biết rõ đây là tài sản do người khác phạm tội mà có (không có hứa hẹn trước với người phạm tội) sẽ bị xử lý về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định trên.

Hơn nữa, ngay cả trong trường hợp hành vi của bạn không cấu thành tội phạm hình sự/hành vi vi phạm pháp luật hành chính thì khi các chủ thể có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết vụ việc trên, bạn cũng sẽ có trách nhiệm “hợp tác điều tra” với những chủ thể có thẩm quyền để giúp xác minh sự thật. Và điều này sẽ khiến bạn mất thời gian, thậm chí là tiền bạc của bản thân.

Như vậy, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bạn sẽ có các trách nhiệm khác nhau nếu bạn mua chiếc điện thoại do bên bán nhặt được của một người phạm tội cướp giật đánh rơi, đây có thể là trách nhiệm hành chính, cũng có thể là trách nhiệm hình sự. Nhưng một điều chắc chắn là bạn sẽ không được đảm bảo quyền sở hữu chiếc điện thoại trên nếu sau này có tranh chấp phát sinh giữa bạn và chủ sở hữu hợp pháp của chiếc điện thoại này.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191