Những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm khi chuyển đổi phòng công chứng số 2 tại Lâm Đồng
29/12/2015
Thực hiện quy định chuyển đổi phòng công chứng sang văn phòng công chứng theo Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (Nghị định số 29/2015/NĐ-CP), Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng trình Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt Đề án chuyển đổi phòng công chứng số 2 tại thành phố Bảo Lộc. Đến ngày 09/11/2015 UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2416/QĐ-UBND ngày 9/11/2015 cho phép chuyển đổi phòng công chứng số 2 thành văn phòng công chứng Lê Trung Kiên, với giá quyền nhận chuyển đổi là 1,8 tỷ đồng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2015 và kể từ ngày này phòng công chứng số 2 chính thức chấm dứt hoạt động sau hơn 20 năm tồn tại. Đây là mô hình chuyển đổi thành công phòng công chứng sang văn phòng công chứng đầu tiên trên cả nước. Nó đánh dấu sự quyết tâm thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, là kết quả của gần một năm nỗ lực chuẩn bị của Ngành Tư pháp tỉnh Lâm Đồng.
Quá trình chuyển đổi phòng công chứng số 2 thuận lợi là do luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng; sự phối hợp hiệu quả, có trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan; sự thống nhất, quyết tâm của Ban Giám đốc Sở Tư pháp trong chỉ đạo thực hiện và sự đồng thuận của đa số đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn, vì đây là mô hình làm thí điểm và chưa có địa phương nào trên cả nước thực hiện, do đó Ngành Tư pháp Lâm Đồng phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Khó khăn đầu tiên, là nhận thức của công chứng viên, viên chức, người lao động về chủ trương chuyển đổi còn nhiều tâm tư, ý kiến trái chiều, do sợ công việc bấp bênh sau chuyển đổi, sợ việc giải quyết chế độ không thỏa đáng… Thứ hai là, khó khăn về thể chế khi Nghị định số 29/2015/NĐ-CP còn có những vấn đề bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho rõ hơn như: Chưa quy định lộ trình tiến hành việc chuyển đổi; cách tính giá quyền nhận chuyển đổi còn khá chung chung, định tính và thiếu căn cứ tính toán giá; việc quy định buộc văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi phải ký hợp đồng lao động với công chứng viên, viên chức, người lao động của phòng công chứng được chuyển đổi còn thiếu tính khả thi vì không có chế tài áp dụng; việc quy định phải đấu giá đối với những phòng công chứng có giá quyền nhận chuyển đổi lớn nhưng không quy định mức bao nhiêu được coi là có giá trị lớn đã dẫn đến việc lúng túng khi áp dụng phương thức chuyển đổi. Thứ ba là, khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị phòng công chứng chuyển đổi và phương thức chuyển đổi phù hợp, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích nhà nước và công chứng viên, viên chức, người lao động. Thứ tư là, khó khăn trong việc giải quyết chế độ chính sách cho công chứng viên, viên chức, người lao động sau khi chuyển đổi, làm sao bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của họ, đảm bảo họ tiếp tục có việc làm, thu nhập ổn định. Thứ năm là, khó khăn trong việc xử lý tài sản Nhà nước phát sinh khi thực hiện chuyển đổi phòng công chứng.
Để giải quyết những vấn đề trên, từ đầu năm 2015 khi xây dựng Kế hoạch công tác năm, Ngành Tư pháp Lâm Đồng đã đưa nội dung chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng là một trong các nhiệm vụ công tác trọng tâm phải thực hiện trong năm 2015. Để triển khai nhiệm vụ này, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, tại buổi làm việc của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy với Sở Tư pháp vào đầu tháng 4/2015, lãnh đạo Sở đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin chủ trương cho thực hiện thí điểm việc chuyển đổi phòng công chứng sang văn phòng công chứng. Sau khi Tỉnh ủy có văn bản đồng ý cho chủ trương thực hiện, Sở tiếp tục có văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh để triển khai thực hiện và ngày 14/5/2015 UBND tỉnh ban hành Công văn số 2532/UBND-NC đồng ý cho Sở Tư pháp chuyển đổi phòng công chứng số 2 thành văn phòng công chứng. Triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp thành lập tổ xây dựng Đề án chuyển đổi phòng công chứng số 2 gồm 10 thành viên do đồng chí Phó Giám đốc Sở phụ trách. Tổ xây dựng Đề án đã tổ chức nhiều buổi làm việc để trao đổi, nắm bắt tư tưởng và trả lời làm rõ những kiến nghị, đề xuất của công chứng viên, viên chức, người lao động phòng công chứng số 2, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị về phương án chuyển đổi, giá quyền nhận chuyển đổi và chế độ chính sách đối với công chứng viên, viên chức, người lao động khi thực hiện việc chuyển đổi. Tiếp theo tổ xây dựng Đề án thu thập thông tin, số liệu, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội công chứng tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để thống nhất dự thảo Đề án chuyển đổi. Trên cơ sở góp ý của các sở, ngành tổ xây dựng Đề án tiếp tục hoàn thiện nội dung Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.
Việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án chuyển đổi chỉ được coi là thành công bước đầu. Tiếp theo, phối hợp với Sở Tài chính để tính toán phương án xử lý tài sản Nhà nước, thanh quyết toán các nguồn thu – chi ngân sách tại phòng công chứng chuyển đổi; phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tính toán chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức, người lao động; phối hợp với phòng công chứng để thống kê các loại tài sản, sổ sách, hồ sơ… Sau khi đã có sự chuẩn bị hoàn tất cho việc chuyển đổi, cuối cùng là trình UBND tỉnh ban hành quyết định cho phép chuyển đổi để triển khai thực hiện.
Đến nay, việc chuyển đổi đã cơ bản thực hiện xong, trong đó đã giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra, nhất là những khó khăn đặt ra ban đầu. Công chứng viên, viên chức, người lao động đã đồng thuận cao với phương thức chuyển đổi là giao cho chính họ được nhận lại quyền chuyển đổi phòng công chứng nơi họ đang làm việc với giá trị nhận chuyển đổi phù hợp trên cơ sở tính toán hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và của chính họ. Việc này đã tạo ra một sự đảm bảo rằng, họ sẽ tiếp tục được đồng hành cùng nhau làm việc trong một môi trường mới, trên một nền tảng thương hiệu, uy tín đã có do chính họ tạo dựng nên. Về chế độ chính sách đối với công chứng viên, viên chức, người lao động cũng đã được giải quyết thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho họ. Trưởng phòng công chứng do không đủ điều kiện nghỉ chế độ theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (Nghị định số 108/2014/NĐ-CP), theo nguyện vọng của đồng chí này, cơ quan đã giải quyết cho thôi việc theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức. Đối với công chứng viên và viên chức thì giải quyết chế độ nghỉ việc theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP do dôi dư sắp sếp tổ chức bộ máy. Đối với người lao động, thì chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ theo pháp luật về lao động. Đối với tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, thì áp dụng Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính để tổ chức thanh lý đối với các tài sản hết hạn sử dụng; điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu; bán đối với các tài sản không còn nhu cầu sử dụng; riêng trụ sở của phòng công chứng đề xuất UBND tỉnh thu hồi và cho văn phòng công chứng nhận chuyển đổi thuê lại với giá ưu đãi trong thời hạn 10 năm.
Việc chuyển đổi thành công phòng công chứng số 2 trong tổng số 5 phòng công chứng trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt sự bao cấp của ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị này mỗi năm gần nửa tỷ đồng, tinh giản được 07 biên chế, đồng thời, đã thu về cho ngân sách nhà nước 1,8 tỷ đồng. Có thể khẳng định, tuy là mô hình thực hiện thí điểm nhưng quá trình thực hiện đã được triển khai hết sức chặt chẽ, khoa học và trách nhiệm dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng với sự quyết tâm thực hiện của lãnh đạo Sở Tư pháp, sự chung sức phối hợp hiệu quả của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, sự đồng thuận cao của công chức, viên chức, người lao động. Đây chính là những bài học kinh nghiệm rút ra về sự thành công của mô hình thí điểm này của Ngành Tư pháp Lâm Đồng.
Vũ Ngọc Thành
Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Lâm Đồng
Tham khảo thêm:
- Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Lý luận và thực trạng quản lý nhà nước đối với đội ngũ giảng viên Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh
- Vướng mắc khi áp dụng quy định về tập sự hành nghề công chứng
- Giải pháp để tránh rủi ro khi việc kết hôn với người nước ngoài gia tăng
- Đôi điều về năng lực và đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên
- Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tư pháp
- Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý xã Thạch Bình – Cầu nối giữa pháp luật với nhân dân
- Thừa phát lại Bình Định – Kết quả và những khó khăn cần tháo gỡ
- Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Một số vướng mắt về áp dụng biện pháp cưỡng chế Thi hành án dân sự
- Thủ tục kháng án giành quyền nuôi con
- Giao dịch bất động sản qua sàn: “Lợi bất cập hại”, giữ hay bỏ?
- Quyền tự định đoạt của đương sự – Một số khó khăn, bất cập và hướng hoàn thiện
- Áp dụng tập quán trong pháp luật dân sự- những vướng mắc, bất cập cần hoàn thiện
- Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù: Lợi ích, căn cứ, điều kiện
- Khái niệm, đặc điểm, vai trò của đương sự trong vụ án dân sự
- Giám định thương mại trong Luật Thương mại Việt Nam
- Những điểm mới theo quy định của Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN
- Một số bất cập trong quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng điện tử – kiến nghị hoàn thiện
- Những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm khi chuyển đổi phòng công chứng số 2 tại Lâm Đồng
- Vai trò của ngành tâm lý học
- Khái niệm, đặc điểm của chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.