Chị Hồng có hộ khẩu thường trú tại thị trấn T thuộc tỉnh Lạng Sơn. Từ năm 2001 đến năm 2004, khi đi học đại học ở tỉnh Thái Nguyên, chị đăng ký tạm trú có thời hạn tại phường K, tỉnh Thái Nguyên nhưng vẫn có hộ khẩu thường trú tại gia đình ở thị trấn T. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Hồng đi du học tại Nga. Tháng 6 năm 2006, trong dịp về thăm gia đình, chị Hồng đến Uỷ ban nhân dân thị trấn T nơi mà chị có hộ khẩu thường trú từ nhỏ cho đến khi ra nước ngoài du học để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau khi tìm hiểu về quá trình cư trú của chị Hồng, cán bộ tư pháp – hộ tịch tại thị trấn T cho rằng chị Hồng phải xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại phường K, tỉnh Thái Nguyên, vì đây là nơi chị Hồng cư trú thực tế trước khi xuất cảnh đi du học.
Cán bộ tư pháp – hộ tịch thị trấn T hướng dẫn chị Hồng về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như vậy có đúng không? Tại sao?
Gửi bởi: Admin Portal
Trong tình huống nói trên, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho chị Hồng thuộc trường hợp cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 66 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP:
“Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian ở trong nước, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú trước khi xuất cảnh, thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”.
Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật để giải quyết yêu cầu của chị Hồng, cán bộ tư pháp – hộ tịch thị trấn T đã hiểu không đúng về “nơi cư trú trước khi xuất cảnh” của chị Hồng, do đó, xác định sai về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho đương sự. Trong trường hợp này, để hiểu đúng nơi chị Hồng cư trú trước khi xuất cảnh là thị trấn T (thuộc tỉnh Lạng Sơn) hay là phường K (thuộc tỉnh Thái Nguyên), cần viện dẫn quy định về xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP: “Đối với công dân Việt Nam ở trong nước, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú; nếu không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật và đăng ký hộ khẩu”.
Từ các quy định nêu trên, áp dụng vào trường hợp xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của chị Hồng như sau:
– Thứ nhất, mặc dù chị Hồng đang trong thời gian du học ở nước ngoài, nhưng chị có yêu cầu xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở trong nước, mặt khác, chị Hồng trực tiếp xin cấp Giấy tại cơ quan có thẩm quyền ở trong nước, nên cần áp dụng giải quyết như đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
– Thứ hai, giả thiết của tình huống trên cho thấy trong thời gian cư trú ở trong nước trước khi đi du học, chị Hồng tuy cư trú thực tế theo diện tạm trú có thời hạn tại phường K, nhưng đồng thời chị vẫn có hộ khẩu thường trú tại thị trấn T. Như vậy, cho đến thời điểm trước khi đi du học thì nơi cư trú của Hồng trước khi xuất cảnh được xác định là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú – tức là thị trấn T. Uỷ ban nhân dân thị trấn T vẫn là cơ quan quản lý hộ tịch đối với chị Hồng trong suốt thời gian chị đi học đại học tại tỉnh Thái Nguyên, cho đến khi chị Hồng đi du học ở nước ngoài. Do đó, theo thứ tự ưu tiên trong xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch thì Uỷ ban nhân dân thị trấn T sẽ là nơi có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho chị Hồng.
Như vậy, việc cán bộ tư pháp – hộ tịch thị trấn T hướng dẫn chị Hồng đến Uỷ ban nhân dân phường K thuộc tỉnh Thái Nguyên để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là không đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, cán bộ tư pháp – hộ tịch thị trấn T cần tiếp nhận và giải quyết yêu cầu chính đáng của chị Hồng.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: Admin Portal
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.