Phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

Phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Anh chị có nhận xét, đánh giá gì về việc thực thi chính sách bồi thường về đất nông nghiệp trong thời gian qua và lí giải vì sao trong thời gian qua người có đất nông nghiệp bị thu hồi thường khiếu nại về vấn đề bồi thường.

Đất nông nghiệp là tài sản thiêng liêng, quý giá và có giá trị quan trọng bậc nhất trong đời sống đối với người nông dân. Nó được ví như “nguồn sống còn”, như “cần câu cơm” của mỗi người nông dân và nếu không có nó thì người nông dân sẽ chỉ là những người vô sản không có gì cả. Đối với một quốc gia mà diện tích đất nông nghiệp chiếm tới khoảng 70% như Việt Nam thì vấn đề giải quyết ổn thoả những vấn đề xoay quanh đất nông nghiệp là một bài toán nan giải và phức tạp. Để vừa phát triển được nền kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vừa duy trì ổn định trật tự xã hội nhất là về vấn đề thu hồi đất nông nghiệp vào dự án công thì Nhà nước cần xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật phù hợp để thực thi. Nhận thấy tầm quan trọng của hoạt động này nên em quyết định chọn đề tài để nghiên cứu cho bài tập học kỳ lần này là : “Phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Anh chị có nhận xét, đánh giá gì về việc thực thi chính sách bồi thường về đất nông nghiệp trong thời gian qua và lí giải vì sao trong thời gian qua người có đất nông nghiệp bị thu hồi thường khiếu nại về vấn đề bồi thường.”

1. Khái niệm về đất nông nghiệp

Đất nông nghiệp (đất canh tác hay đất trồng trọt) là những vùng đất, khu vực thích hợp cho sản xuất, canh tác nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Đây là một trong những nguồn lực chính trong nông nghiệp[1]. Trong quản lý đất đai, việc xác định đất nông nghiệp là yếu tố tiền đề để có những quyết định hợp lý trong đầu tư, quản lý, giải quyết chế độ, chính sách phù hợp với người dân. Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất nông nghiệp được phân loại như sau: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa, đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thuỷ sản; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ[2].

Thu hồi đất nông nghiệp: Nhà nước thực hiện quyền đại diện sở hữu thông qua việc định đoạt đất đai. Hiến pháp năm 2013 là cơ sở để có cách hiểu chính xác hơn về thu hồi đất: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng….” (Khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013). Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, cũng như tiếp thu có chọn lọc các ý kiến, quan điểm, khái niệm thu hồi đất được Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau: “Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai” Hậu quả của thu hồi đất nông nghiệp xét về mặt pháp lý cũng giống như việc thu hồi các loại đất khác nó làm chấm dứt quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng mảnh đất[3].

Bồi thường: Theo Từ điển Tiếng Việt, bồi thường là đền bù những tổn hại đã gây cho người ta. Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất mà còn những vấn đề bồi thường về tài sản gắn liền với đất, những chi phí đầu tư vào đất được quy định cụ thể hơn tại các điều luật khác.

2. Căn cứ pháp lý về chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

Luật Đất đai năm 2013 đã Luật hóa các nguyên tắc đồng thời tách nguyên tắc bồi thường về đất và nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thành 02 điều riêng biệt (Điều 74 và Điều 88 Luật Đất đai năm 2013) và có một điều luật riêng quy định về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà 20 nước thu hồi đất (Điều 83 Luật Đất đai năm 2013). Trong đó, quy định cụ thể các nguyên tắc bồi thường về đất và các nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất, nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để các bộ, ngành, địa phương và người thu hồi đất căn cứ vào đó thống nhất thực hiện. Theo đó, về cơ bản, nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thể hiện trên các khía cạnh sau: Thứ nhất, người bị thu hồi đất có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được bồi thường, hỗ trợ (Khoản 1 Điều 74 Luật Đất đai). Đây không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là trách nhiệm xã hội, chính trị, thể hiện rõ tính nhân đạo của Nhà nước; Thứ hai, việc bồi thường bảo đảm đầy đủ các thiệt hại; Thứ ba, việc bồi thường phải theo giá thị trường; Thứ tư, việc bồi thường phải bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, kịp thời và đúng quy định pháp luật; Thứ năm, về phương thức bồi thường.

Dựa trên các nguyên tắc và điều kiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì chính sách bồi thường đối với hoạt động này như sau:

Theo quy định tại Điều 93 Luật Đất đai năm 2013: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi. Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm 29 chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2012[4] tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả. Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước. Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách Nhà nước”. Vấn đề về hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được quy định cụ thể tại nghị định 06/2020/NĐ-CP[5] và nghị định 47/2014/NĐ-CP và đặc biệt tại điều Điều 20, nghị định 47/2014 còn chi tiết về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp[6].

3. Thực trạng vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

Việc pháp luật quy định thì là như vậy, tuy nhiên trên thực tế lại xảy ra rất nhiều vấn đề. Nếu Nhà nước thu hồi đất và bồi thường hợp lý thì không sao nhưng bên cạnh đó có rất nhiều trường hợp thu hồi nhưng bồi thường thì lại bất hợp lý khiến người dân vô cùng bức xúc và bất bình. Đã xảy ra rất nhiều vụ người dân đưa đơn kiện chính quyền thực hiện chính sách thu hồi đất không hợp lý, ví dụ như tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Trung ương Hội Nông dân VN tổ chức chiều 12-3, ông Phạm Hữu Văn – Phó trưởng Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phát biểu, “Thu hồi đất giá rẻ, bán giá đắt: dân không chịu đâu”.Nêu thực tiễn chuyện thu hồi đất của người dân phục vụ các dự án được gọi là phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian qua còn nhiều bất cập, ông Phạm Hữu Văn đồng tình với quan điểm Nhà nước thu hồi đất vào mục đích an ninh, quốc phòng, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhưng không đồng tình với việc tất cả các loại đất đều áp dụng cách thức thu hồi. “Tôi nghĩ cần nhìn thằng thực tế thu hồi đất vào mục đích công thì thuận lợi, người dân sẵn sàng nhận tiền, nhưng tại sao khi thu hồi đất đất làm các khu đô thị lại khó? Bởi lẽ cũng vì mục đích chung nhưng giá đền bù cho người dân chỉ vài trăm nghìn/m2, nhà đầu tư chỉ đầu tư khoảng 2-3 triệu làm hạ tầng, sau đó bán đất với giá 40-50 triệu/m2. Người dân hiểu ngọn ngành đấy, họ biết cả vì sao bán được 40-50 triệu/m2, lợi nhuận đó đi đâu nên họ bức xúc là ở chỗ đó. Tôi đề nghị cần phải phân rõ làm 2 loại đất. Thứ nhất là thu hồi đất phục vụ cho an ninh, quốc phòng, giao thông, thủy lợi, các công trình công. Còn những công trình vì mục đích phát triển kinh tế có lợi nhuận của chủ đầu tư thì quyền lợi của người sử dụng đất phải đặt lên trên hết. Nếu không, ông chủ đầu tư nào cũng nói tôi phục vụ cho mục đích chung, cho lợi ích quốc gia, chung cư cũng nói là lợi ích quốc gia, nhưng cứ giá của dân thì rẻ, sang tay là giá đắt, người dân không chịu đâu[7]”.

Bên cạnh sự việc như trên thì năm vừa qua, cả nước đã sửng sốt trước vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nguyên nhân của vụ này xuất phát từ việc người dân xã Đồng Tâm không đồng tình việc chính quyền huyện Mỹ Đức giao đất đanh canh tác của họ cho Viettel do quân đội quản lý. Theo tờ Người cao tuổi, năm 1980Chính phủ Việt Nam cho thu hồi 208ha đất vì mục đích an ninh quốc phòng, trong đó có 47,36ha là đất nông nghiệp của xã. Theo RFI, do không thực hiện được dự án, Lữ đoàn 28 Phòng không – Không quân đã bàn giao lại số đất nông nghiệp cho UBND xã Đồng Tâm và năm 2015Bộ Quốc phòng cho thu hồi trên 50ha đất quốc phòng giao cho Viettel, một công ty thương mại do Bộ Quốc phòng làm chủ và quản lý, trong đó có 46ha thuộc xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, sau khi có kết quả thanh tra, thì khu đất này là khu đất thuộc sân bay Miếu Môn và là đất quốc phòng. Từ 1989, kế thừa Bộ Tư lệnh Công binh, Lữ đoàn 28 đã ký một số hợp đồng giao khoán (một hình thức cho thuê) hằng năm trên diện tích 19,9ha cho xã Đồng Tâm, xã giao cho các đội sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Vị trí diện tích đất giao khoán này nằm trong diện tích đất quốc phòng của sân bay Miếu Môn. Mặt khác, các đơn vị quốc phòng chưa thực hiện di dời một số hộ dân đã ăn ở trên đất quốc phòng từ trước năm 1980, để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép, là buông lỏng quản lý đất quốc phòng[8].Sự việc tranh chấp đã trở nên căng thẳng khi đã có nhiều chiến sĩ, công an vào cuộc, có xảy ra án mạng và bị thương. Sự việc này chính là lỗ hổng lớn của pháp luật không chỉ trong vấn đề minh bạch về thu hồi, phân loại đất nông nghiệp mà còn là lỗ hổng về tình trạng tham nhũng, để người dân sử dụng đất sai mục đích.

4. Đánh giá những kết quả đạt được qua việc áp dụng pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

Trên thực tế, Luật Đất đai năm 2013 đang áp dụng khá cụ thể và chi tiết, đã giải quyết được khá cơ bản về vấn đề thu hồi đất nông nghiệp và chính sách bồi thường. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm bất cập, quy định đã rất lạc hậu so với thực tế đang diễn ra. Bất cập ở chỗ công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều yếu kém. Bất cập ở chỗ lĩnh vực đất đai đang là mảnh đất màu mỡ cho biểu hiện của tham nhũng. Bất cập ở chỗ đất đai đã và đang tác động đến sự phân hóa giàu, nghèo và gây ra những bất ổn định cho xã hội. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Lượng – Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có nói : “ Chỉ có số ít người trở nên giàu có từ đất, nhưng có số đông người dân mất đất, và đã mất đất là cuộc sống trở nên khó khăn hơn”. Theo ông Lượng, với một chính sách pháp luật về đất đai có nhiều bất cập, cộng thêm những biểu hiện của nhóm lợi ích giữa doanh nghiệp và chính quyền kết cấu, trục lợi từ đất đai diễn ra ở nhiều nơi với tình chất và quy mô khác nhau khiến cho việc khiếu kiện, khiếu nại về đất đai trở nên phức tạp. “Nhiều quyết định của chính quyền không hợp lòng dân khiến người dân bất bình, nhiều nơi cán bộ vô cảm làm ngơ trước lợi ích của dân. Rất nhiều vụ việc tố cáo có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng và có nguyên nhân do cấp trên nể nang, bao che cho cấp dưới làm sai, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Ngay việc đền bù, bồi thường tái định cư, cũng cho thấy đa phần đơn thư đều xuất phát từ việc người dân không đồng tình với quyết định của chính quyền. Những quyết định đó nếu có đúng quy định mà dân vẫn kiện thì điều đó chứng tỏ lỗi chính sách pháp luật về đất đai không hợp lý nữa rồi. Vì vậy, việc sửa Luật cần hướng tới mục đích đảm bảo được quyền lợi, thể hiện được nguyện vọng của người dân và có sự công bằng trong thực hiện”, ông Lượng nhấn mạnh.

5. Ảnh hưởng của chính sách thu hồi đất nông nghiệp tới đời sống, việc làm của người nông dân

Một trong những thách thức lớn nhất của việc thu hồi đất nông nghiệp để công nghiệp hóa là việc làm của nông dân sau khi chuyển giao đất cho các xí nghiệp công nghiệp. Do đất nông nghiệp của các hộ còn lại rất ít. Do đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng các nhà máy, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của các hộ điều tra so với trước khi thu hồi đất có giảm đi. Thông thường mỗi hộ chỉ còn từ 1 đến 2 lao động làm nghề nông, trồng cấy trên diện tích đất còn lại hoặc chăn nuôi theo qui mô nhỏ. Một số hộ thuê đất của các hộ khác trong thôn hoặc các thôn trong xã hoặc các xã lân cận để làm nông nghiệp. Một phần lớn lao động ở các hộ phải tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực khác. Lao động làm thuê dưới nhiều hình thức như làm thuê trong nông nghiệp, làm việc gia đình, phụ hồ, làm thuê trong các xưởng nhựa, bán hàng thuê… là công việc rất nhiều nông dân mất đất thực hiện. Các loại hình dịch vụ khác như buôn bán nhỏ, bán hàng rong, làm nghề phụ như chế biến nông sản, nghề may, nghề mộc, nghề nề, các dịch vụ cho công nhân các nhà máy công nghiệp cũng phát triển trong các xã điều tra. Nhìn chung, những nông dân sau khi bị thu hồi đất làm bất cứ thứ việc gì có thu nhập để đảm bảo cuộc sống[9].

Đối với người nông dân thì đất nông nghiệp là công cụ sản xuất chính. Vì vậy khi bị thu hồi đất, việc không tự chủ được lương thực ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và khả năng tích lũy để tái đầu tư vào sản xuất, đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe của người dân trong các vùng công nghiệp hóa. Trong cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình, chi tiêu cho thức ăn vẫn chiếm một tỉ lệ rất lớn. Thu nhập hàng tháng của các hộ chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày.

Việc thu hồi đất nông nghiệp cũng mang lại một sự biến đổi xã hội rất lớn trong các vùng nông thôn công nghiệp hóa. Trước hết là sự phân tầng xã hội trong nông thôn trở nên rất rõ nét. Khoảng cách giữa hộ giàu và nghèo trở là rất lớn. Những tệ nạn xã hội cũng xảy ra ngày càng nhiều trong các vùng nông thôn công nghiệp hóa. Việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp trên địa bàn dân cư đông đúc, lượng lao động nhập cư vào các địa phương này ngày càng tăng. Việc quản lý lao động nhập cư còn yếu kém, mới chỉ dừng lại ở việc đăng ký tạm trú, thiếu các qui định chặt chẽ đối với người nhập cư.

Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội trở nên rất phức tạp. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút đã xuất hiện trong các thôn làng vốn rất thuần nhất. Nếp sống văn hóa của người dân nông thôn cũng bị thay đổi.

Một trong những tác động rất lớn của việc thu hồi đất nông nghiệp cho công nghiệp hóa là tình trạng ô nhiễm môi trường và lãng phí các nguồn lực tự nhiên, đặc biệt là đất và nước.

Chính vì có quá nhiều ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của người nông dân nên họ rất lo ngại về việc bị thu hồi đất nông nghiệp nên tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đối với hoạt động này cũng khá phổ biến. Mặc dù có nhiều bất cập như vậy nhưng dù sao đó cũng là sự nỗ lực rất lớn của Nhà nước khi phần nào đó đã giải quyết được ổn thoả vấn đề bồi thường và hỗ trợ tái định cư về vấn đề thu hồi đất nông nghiệp này.

6. Đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật

Vì liên quan trực tiếp tới kinh tế, đời sống, xã hội của người dân nên bản thân họ rất nhạy cảm khi nói tới vấn đề thu hồi đất nông nghiệp. Để pháp luật đất đai dễ dàng phổ cập tới đời sống thực tiễn hơn thì mọi câu chữ khi các nhà làm Luật, ban hành Luật cũng nên trau chuốt hơn để vừa pháp luật gần với dân, cũng vừa thuận lợi cho việc thi hành chính sách phát triển đất nước mà vẫn trên tiêu chí ổn định xã hội.

          Không nên dùng khái niệm thu hồi đất đối với người dân. Việc áp dụng hình thức trưng dụng, trưng mua là hợp lý nhất. Thực tế nếu bằng quyết định hành chính của Nhà nước để thu hồi đất của người dân trong trường hợp người dân đang sử dụng ổn định thì vô tình như áp dụng hình thức “kỷ luật” với người sử dụng đất. Vì vậy cần trưng dụng quyền sử dụng đất của người dân vào các mục đích, công trình an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cồng, còn trưng mua vào mục đích kinh tế, cuối cùng chỉ áp dụng hình thức thu hồi với những chủ sử dụng đất vi phạm.

          Nên có sự tách bạch ngay từ đầu và công khai, minh bạch trong phân loại loại đất tránh tình trạng xảy ra người dân không biết đất đó thuộc loại đất gì và dẫn đến tình trạng đáng trách như ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức.

          Cần có sự thanh tra, giám sát thường xuyên công tác quản lí, thu hồi đất của chính quyền địa phương và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, lạm quyền, che đậy gian dối.

Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp theo pháp luật Việt Nam là một vấn đề nóng bỏng và phức tạp. Các quy định về bồi thường đất nông nghiệp thường xuyên thay đổi. Chính vì vậy, đã dẫn tới tình trạng so bì, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi qua các dự án hoặc trong một dự án nhưng thực hiện thu hồi đất qua nhiều năm. Vì vậy, quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đã trở thành một nội dung quan trọng, mang tính tất yếu trong pháp luật đất đai. Nhà nuwocs cần có cái nhìn thực tiễn hơn nữa về vấn đề này để tránh những kiện tụng phiền phức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191