Phân tích các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính với người chưa thành niên

Phân tích các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính với người chưa thành niên.

Xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên là hoạt động cưỡng chế, áp dụng các biện pháp hạn chế những quyền và lợi ích nhất định với người chưa thành niên nếu có hành vi trái pháp luật. Đây cũng là một trong những vấn đề được Nhà nước quan tâm, vì người chưa thành niên ít nhiều có ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.

Chính vì vậy, các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên phải được quy định một cách rõ ràng, cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành được những hoạt động theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Để tìm hiểu rõ hơn các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, em xin chọn đề tài: “Phân tích các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính với người chưa thành niên”.

I. KHÁI NIỆM NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1.Khái niệm người chưa thành niên

Người chưa thành niên là người chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ về nhân cách, chưa có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân. Pháp luật ở mỗi quốc gia có những quy định cụ thể về độ tuổi của người chưa thành niên.

Ở Việt Nam độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến pháp 2013, Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật dân sự 2005, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tất cả các văn bản pháp đó đều quy định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi.

Tóm lại, khái niệm người chưa thành niên có thể được hiểu như sau: Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên.

2.Khái niệm xử phạt vi phạm hành chính

Xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính và các biện pháp cưỡng chế hành chính khác (trong trường hợp cần thiết, theo quy định của pháp luật) đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính.

II. CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1.Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính

1.1.Cảnh cáo

Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của nhà nước do người có thẩm quyền quyết định với chủ thể vi phạm hành chính. Cảnh cáo là sự lên án mang tính quyền lực nhà nước, là hình thức xử phạt nhẹ nhất trong xử phạt vi phạm hành chính. Hình thức phạt cảnh cáo chỉ nhằm mục đích giúp người vi phạm hiểu được hành vi của mình là trái với các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành, từ đó có những hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội hơn.

Hình thức xử phạt này được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhe hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.

Phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên được chia thành hai nhóm đối tượng: người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, là giai đoạn có những biến đổi nhất định về cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó hình thành nên tính cách mỗi người. Vì vậy cần có biện pháp phù hợp để giáo dục cho họ có nhận thức đúng đắn về các chuẩn mực trong xã hội. Nếu có vi phạm xảy ra thì cũng chỉ nên sử dụng những biện pháp khoan dung mang tính chất giáo dục là chủ yếu.

Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt hành chính với những vi phạm do lỗi cố ý và phạt cảnh cáo được áp dụng với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện lỗi cố ý (Điểm a Khoản 1 Điều 5, Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính).

Với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc tổ chức vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện được văn bản pháp luật quy định là có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cảo. Nếu loại vi phạm mà tổ chức cá nhân đó thực hiện mà pháp luật quy định chỉ bị áp dụng hình thức phạt tiền thì không được phép áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.

Thứ hai, việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính chỉ được thực hiện khi đó là vi phạm lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Điều 9 Luật xử lí vi phạm hành chính năm 2012.

1.2.Phạt tiền

Phạt tiền là hình thức xử phạt mang tính chất tài sản và được quy định tại Điều 23 Luật xử lí vi phạm hành chính năm 2012. Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nếu không thuộc trường hợp bị xử phạt cảnh cáo thì bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền.

Mức phạt được quy định trong Luật xử lí vi phạm hành chính hiện nay là từ  50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. Tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm và tính chất của các quan hệ xã hội bị hành vi vi phạm xâm hại tới để xác định mức tiền phạt tối đa cho từng trường hợp.

Phạt tiền áp dụng với cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên. Người chưa thành niên vi phạm hành chính bị áp dụng phạt tiền là người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là chủ thể của mọi vi phạm hành chính do họ thực hiện , vì vậy khi họ thực hiện hành vi vi phạm được quy định trong luật thì sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền.

Mức tiền phạt được áp dụng đối với họ không được quá một phần hai mức phạt đối với người thành niên; trong trường hợp họ không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải nộp thay. Việc cha mẹ, người giám hộ phải nộp tiền phạt thay cho người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực chất là việc họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của con em mình mà pháp luật đã xác lập.

2.Các hình thức xử phạt bổ sung

Theo quy định của pháp luật, ngoài hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, người chưa thành niên vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một số hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tuy nhiên hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là hình thức thực tế không áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính.

Vì để đảm bảo các chủ thể có thể thực hiện được các hoạt động theo đòi hỏi pháp luật và có khả năng chịu trách nhiệm độc lập về hoạt động của mình thì độ tuổi ít nhất phải là tuổi thành niên.

Biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính được quyết định với tư cách là hình thức xử phạt bổ sung với những vi phạm có tang vật hay có sử dụng phương tiện. Đối với tang vật vi phạm hành chính là những vật mà việc chiếm hữu hay sử dụng vật là trái pháp luật hoặc là những vật mà Nhà nước cấm mua bán, trao đổi, sử dụng.

Trong trường hợp các vật này người chưa thành niên có được từ hành vi vi phạm nên tang vật phải bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với phương tiện được sử dụng để vi phạm thì theo quy định trong luật hiện hành chỉ tịch thu những phương tiện được sử dụng trực tiếp để vi phạm và chỉ những hành vi nào có mức độ nguy hiểm đáng kể thì hình thức xử phạt bổ sung này mới được áp dụng. Phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có thể thuộc sở hữu của người chưa thành niên hoặc thuộc sở hữu của một người khác.

Trong trường hợp phương tiện được sử dụng dụng để vi phạm hành chính thuộc sở hữu của người chưa thành niên hoặc chủ thể khác mà người chủ sở hữu đó có lỗi trong việc để người chưa thành niên sử dụng phương tiện thực hiện vi phạm thì phương tiện sẽ bị tịch thu, sung quỹ nhà nước. Còn trong trường hợp phương tiện do người chưa thành niên chiếm đoạt bất hợp pháp của chủ thể khác thì phương tiện đó được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

Nói tóm lại, khi quy định các hình thức xử phạt chính cùng các hình thức xử phạt bổ sung đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính cần phải cân nhắc giữa những lợi ích đạt được và hậu quả pháp lý mà người chưa thành niên vi phạm hành chính phải gánh chịu. Từ đó có những hình thức xử phạt theo hướng có lợi nhất cho đối tượng này với mục đích chủ yếu là nhằm răn đe, giáo dục.

3.Các biện pháp xử lý hành chính khác

Theo quy định tại Điều 89, 91, 93, 95 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 bao gồm bốn biện pháp. Tuy nhiên đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ áp dụng hai biện pháp:

+ Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 89)

+ Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 91)

III. ĐÁNH GIÁ CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1.Ưu điểm

Một là, đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biện pháp phạt cảnh cáo  luôn được coi là hình thức xử phạt hợp lý được áp dụng nhiều trên thực tế. Vì đây là nhóm đối tượng còn đang trong giai đoạn trưởng thành, nhận thức còn hạn hẹp. Sử dụng biện pháp cảnh cáo nhằm mục đích nhắc nhở họ phải có ý thức về hành vi của mình.

Hai là, hình thức phạt tiền chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không áp dụng với nhóm đối tượng từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Vì trên thực tế, ở độ tuổi này, nếu có vi phạm hành chính thì họ cũng không có tiền để nộp, những người thuộc đối tượng này chủ yếu vẫn đang đi học, hoặc nếu không đi học thì cũng không thể tự mình tạo ra thu nhập.

Ba là, mức phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá một phần hai mức phạt tiền đối với người đã thành niên vi phạm hành chính. Điều này thể hiện được mục đích của Nhà nước ta là chỉ nhằm răn đe, giáo dục mà không đặt nặng mức độ tiền phạt là nhiều hay ít.

Bốn là, biện pháp giáo dục cải tạo tại xã, phường, thị trấn cũng là một biện pháp được áp dụng nhiều trên thực tế. Đây là biện pháp có sự kết hợp hài hòa sự quản lí của Nhà nước, gia đình và địa phương nơi người chưa thành niên vi phạm hành chính sinh sống. Biện pháp này được áp dụng một cách linh hoạt mà không tốn kém chi phí. Môi trường sinh sống hiện tại của nhóm đối tượng vi phạm hành chính này sẽ giúp họ có những nhìn nhận đúng hơn về hành vi vi phạm của mình. Từ đó sửa đổi, trở thành người có ích cho cộng đồng.

2.Nhược điểm

Thứ nhất, một số điều luật quy định chưa chặt chẽ, tạo điều kiện cho người có hành vi vi phạm hành chính “lách luật”, các nhà chức trách có thẩm quyển khó xử lý thích hợp.

Thứ hai, các văn bản về xử lý hành chính trong thời gian qua ban hành theo hai hướng đối lập gây nhiều khó khăn cho chính quyền nơi có người chưa thành niên vi phạm hành chính.

Thứ ba, nhiều đối tượng là người chưa thành niên vi phạm hành chính vẫn chưa có biện pháp xử phạt thỏa đáng, Nhà nước chưa quản lý, giáo dục được những nhóm đối tượng này.  Vì vậy, trên thực tế, hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành gây ra còn khá nhiều.

IV. NHỮNG GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Thứ nhất, sửa đổi và hoàn thiện những bất cập trong các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên.

+ Quy định rõ ràng hơn mức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội để các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền dễ dàng xác định mức phạt đối với họ, tránh gây nhầm lẫn, hiểu sai ý nghĩa của nhà làm luật.

+ Theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật xử lý vi phạm hành chính, thời hạn để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ 3 tháng đến 6 tháng. Nhưng thiết nghĩ, khoảng thời gian này còn ngắn, chưa đủ để giáo dục người có hành vi vi phạm hành chính. Nên áp dụng thời hạn là 1 năm.

Thứ hai, ban hành những văn bản pháp luật quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân, cơ quan có có thẩm quyền quyết định hình thức xử phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.

Thứ ba, lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội và nhân dân cùng những sự việc thực tế đã xảy ra để hoàn thiện Luật xử lý vi phạm hành chính.

Người chưa thành niên là người chưa có sự phát triển đầy đủ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, mọi quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên chủ yếu mang tính chất giáo dục, răn đe, nhắc nhở không nên quá cứng nhắc, quá hình sự. Các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên phạm tội cần được áp dụng một cách linh hoạt, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của họ và đặc biệt hơn nữa là thể hiện tính ưu việt, tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với đối tượng là chủ nhân tương lai của đất nước này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. CAND, 2014.
  2. Bình luận khoa học Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính 2002, Viện khoa học pháp lý, Nxb. Tư pháp, Hà Nội 2005.
  3. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
  4. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008).
  5. Nghị định của Chính phủ số 81/2013/ NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết về Luật xử lý vi phạm hành chính.

Tham khảo bài viết:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191