Câu hỏi của khách hàng: Phân tích Quyền thu giữ và bán tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng
Các luật sư tư vấn cho em vấn đề này với ạ. Tổ chức tín dụng (TCTD) khi xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42/2017/QH14 thì TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm và bán tài sản bảo đảm cho bên mua để thu hồi nợ. Vậy quy trình thủ tục như thế nào ạ. em xin cảm ơn ạ.
Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 04/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng
- Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm
- Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản.
- Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN
3./ Luật sư trả lời Phân tích Quyền thu giữ và bán tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng
Căn cứ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi bên bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện không đúng. Thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm được quy định như sau:
Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14:
“Điều 7. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm
Bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác (sau đây gọi là hợp đồng bảo đảm) và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này. …”
Theo đó, thu giữ tài sản bảo đảm là một quyền của tổ chức tín dụng được pháp luật bảo vệ.
Căn cứ Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 thì tổ chức tín dụng sẽ chỉ được thu giữ tài sản bảo đảm khi có đủ các điều kiện sau:
-Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định, đó là các trường hợp như:
+Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
+Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
+Các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định
-Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;
–Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
-Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định.
-Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định.
+Nếu tài sản là bất động sản thì việc thông báo phải được thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ trước ít nhất là 15 ngày trước khi tiến hành thu giữ tài sản bằng cách đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình; Gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an nơi có tài sản bảo đảm; Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm; Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.
+Nếu tài sản là động sản thì việc công khai thông tin phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức và thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm trước khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm; Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản trước thời điểm thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng cách gửi theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm
Trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo thì đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.
Về việc ủy quyền thu giữ tài sản. Căn cứ Khoản 6 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 thì tổ chức tín dụng sẽ chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng đó;
Và tổ chức tín dụng, tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.
Về việc xử lý tài sản bảo đảm, căn cứ Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP thì:
-Thông báo xử lý tài sản bảo đảm: Thời hạn xử lý tài sản bảo đảm do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận tổ chức tín dụng có quyền quyết định về thời hạn xử lý, nhưng không được trước 07 ngày đối với động sản hoặc 15 ngày đối với bất động sản, kể từ ngày thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm; trừ trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị,… cần phải xử lý ngay nhưng cũng phải thông báo cho bên bảo đảm biết.
-Giao tài sản: Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo. Hết thời hạn trong thông báo nếu không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ
-Trong thời gian chờ xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm được khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm hoặc cho phép bên bảo đảm hoặc ủy quyền cho người thứ ba khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm theo đúng tính năng và công dụng của tài sản. Việc cho phép hoặc ủy quyền khai thác, phương thức khai thác và việc xử lý hoa lợi, lợi tức thu được phải được lập thành văn bản.
Hoa lợi, lợi tức thu được phải được hạch toán riêng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Sau khi trừ các chi phí cần thiết cho việc khai thác, sử dụng tài sản, số tiền còn lại được dùng để thanh toán cho bên nhận bảo đảm.
-Trong trường hợp, trước thời điểm xử lý tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bên nhận bảo đảm và thanh toán chi phí phát sinh do việc chậm thực hiện nghĩa vụ thì có quyền nhận lại tài sản đó
-Bán tài sản đảm bảo: các bên có thể thỏa thuận bán tài sản đảm bảo qua phương thức đấu giá tài sản hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá bán tài sản bảo đảm.
-Chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm: người mua tài sản đảm bảo được đảm bảo về quyền sở hữu tài sản đó.
Trong trường hợp tài sản bảo đảm có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người nhận chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ này.
Như vậy, việc thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng cần phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định trên.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.