TỘI BỨC TỬ (ĐIỀU 100)
Bức tử là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm cho người đó tự sát.
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
- Người bị coi là phạm tội bứ tử khi có một trong những hành vi sau đây:
– Đối xử tàn ác với nạn nhân
Người phạm tội đã có hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, có hành động gây đau khổ cho người lệ thuộc mình. Sự đau khổ của nạn nhân có thể là sự đau khổ về thể xác hoặc sự đau khổ về tinh thần như: bị đánh đập, bị bỏ đối, bị bỏ rét, bắt làm việc nặng nhọc, không cho học hành, vui chơi…Hành vi này không chỉ bị pháp luật cấm mà dư luận xã hội cũng lên án.
– Thường xuyên ức hiếp nạn nhân
Là hành vi dựa vào quyền hành, sức mạnh, tiền tài để đè nén, buộc người lệ thuộc chính mình phải chịu đựng điều bất công phi lý như: bị đánh mà không được kêu khóc; hai người đều có lỗi như nhau nhưng chỉ phạt một người; cùng có kết quả lao động như nhau nhưng người này được trả công ít hơn người kia v.v…
Hành vi ức hiếp phải xảy ra thường xuyên thì mới coi là tội phạm. Nếu chỉ xảy ra một vài lần thì chưa coi là hành vi bức tử. Ví dụ: vợ chồng Nguyễn Văn B chỉ có một đưá con gái. Do được nuông chiều từ nhỏ nên con gái của vợ chồng B thường bỏ nhà đi chơi, không chịu học hành; một hôm, con gái của B đi chơi về khuya, B bực tức tát con gái một cái và nói: “lần sau còn như thế thì đừng về cái nhà này nữa.” Đêm hôm đó con gái của B đã uống thuốc ngủ tự tử .
– Ngược đãi đối với nạn nhân.
Là hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, trái với lẽ phải, với đạo đức giữa con cái đối với bố mẹ, giữa các cháu với ông bà, giữa vợ chồng với nhau v.v…
Lẽ phải và đạo đức là những quy tắc xử sự trong xã hội, những truyền thống của một dân tộc. Người có hành vi ngược đãi là làm ngược lại những quy tắc, những truyền thống đó như: Con cái phải kính trọng bố mẹ, vợ chồng phải có nghĩa vụ yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, nhưng người phạm tội lại làm ngược lại. Ví dụ: Bà Trần Thị T ở quê lên thăm con trai là Phạm Văn Đ ở thành phố, bà T làm gì cũng bị Đ mắng là ngu, đần; đến bữa ăn, vợ chồng Đ không cho bà T ngồi ăn cùng mâm mà bắt bà phải ăn sau ở nhà bếp. Đ còn bắt bà T phải ăn những thức ăn thừa. Đ luôn miệng nhiếc móc và đuổi mẹ về. Thậm chí còn nguyền rủa bà chết đi cho rảnh. Bà T thấy con vì buôn bán có tiền nên không kính trọng mẹ nữa nhưng bà vẫn chịu đựng vì bà chỉ có mình Đ là con. Một hôm, do sơ ý, bà T làm vỡ chiếc phích đựng nước liền bị Đ quát tháo, chửi mắng thậm tệ. Vì quá uất ức với con trai, nên đêm hôm đó bà T đã uống thuốc tự tử.
– Làm nhục nạn nhân
Người phạm tội đã có hành vi làm tổn thương đến nhân phẩm danh dự người lệ thuộc mình bằng lời nói hoặc hành động như: xỉ vả trước đám đông, tung tin thất thiệt để người khác tưởng thất là nạn nhân xấu xa. Ví dụ: Chị H là con dâu ông M, chồng chị H là bộ đội. Ông M nghe dư luận chị H có quan hệ bất chính với anh T, ông M tra khảo chị H, nhưng chị H không nhận có quan hệ với anh T, nên ông M đã lột hết quần áo của chị H, cạo dầu bôi vôi rồi đuổi ra ngoài đường. Chị H thấy bị xỉ nhục, quá uất ức đã uống thuốc sâu tự tử.
- Về phía người bị hại phải thoả mãn những điều kiện sau:
– Người tự sát phải là người lệ thuộc vào người phạm tội
Mối quan hệ lệ thuộc giữa nạn nhân và người phạm tội là yếu tố bắt buộc để xác định hành vi của một người có phạm tội bức tử hay không. Người bị lệ thuộc phải là người dựa vào người khác trong cuộc sống về các mặt vật chất và tinh thần như: lệ thuộc về kinh tế; bị ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, quan hệ công tác, thầy trò hoặc quan hệ tôn giáo…
– Nạn nhân phải là người tự tước đoạt tính mạng của mình
Nạn nhân, bằng nhiều phương pháp khác nhau, đã tự mình thực hiện việc tước đoạt tính mạng của chính mình như: thắt cổ, uống thuốc độc, nhảy xuống sông, đâm vào bụng, bắn vào đầu v.v… Nếu nạn nhân tuy muốn chết nhưng lại không thực hiện hành vi tự tước đoạt tính mạng của mình mà nhờ người khác giúp thì không phải là tự sát và người có hành vi ngược đãi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử.
– Nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân tự sát là do hành vi của người phạm tội
Vì bị đối xử tàn ác, thường xuyên bị ức hiếp ngược đãi hoặc bị làm nhục, nên nạn nhân đã tự sát. Nếu vì lý do khác làm cho nạn nhân tự sát, thì người có hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp… cũng không bị coi là phạm tội bức tử. Ví dụ: Chị H mẹ chết sớm, bố lấy vợ khác, H phải ở với dì ghẻ từ lúc 3 tuổi. Trong cuộc sống, H thường xuyên bị dì ghẻ ức hiếp, đối xử tàn ác và nhiều lần bị dì ghẻ làm nhục trước bạn bè. Khi H 18 tuổi yêu một bạn trai hơn H một tuổi. Vì nhẹ dạ nên H đã có thai với người yêu. Sau khi biết H có thai, người yêu của H đã bỏ rơi. Do thất tình, H đã viết một lá thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc tự tử.
Chỉ cần nạn nhân có hành vi tự sát là tội phạm hoàn thành, còn việc nạn nhân chết hay được cứu sống chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt. Tuy nhiên, đối với trường hợp nạn nhân không bị chết, tuỳ thuộc vào từng trường hợp mà có thể truy tố hoặc không truy tố người có hành vi bức tử.
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
- Bức tử làm một người tự sát ( khoản 1 Điều 100)
Bức tử làm một người tự sát là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm cho người đó (một người) tự sát và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 100 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù, là tội phạm nghiêm trọng. So với khoản 1 Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1985 là tội nặng hơn, vì mức thấp nhất của khung hình phạt theo khoản 1 Điều 100 cao hơn mức thấp nhất của khung hình phạt theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1985. Do đó, những hành vi bức tử được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000, nhưng sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 100 đối với người phạm tội mà chỉ áp dụng khoản 1 Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1985 để xét xử đối với họ.
- Bức tử làm nhiều người tự sát ( khoản 2 Điều 100)
Bức tử làm nhiều người tự sát là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục nhiều người lệ thuộc mình làm cho những người đó (từ hai người trở lên) tự sát và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 100 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ năm năm đến mười hai năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Đây là cấu thành mới so với Bộ luật hình sự năm 1985, do yêu cầu của thực tiễn xét xử hơn 10 năm thi hành Bộ luật hình sự, nên nhà làm luật đã xây dựng một cấu thành tăng nặng đối với tội bức tử. Ví dụ: Trong thời gian qua, một số nhà hàng, khách sạn ở một số thành phố, thị xã xuất hiện nhưng ổ nhóm “bảo kê”, bọn chúng khống chế, ép buộc các nữ tiếp viên phải nộp tiền cho chúng, buộc phải bán dâm theo sự sai khiến của chúng, nếu không nộp tiền, không ‘tiếp khách” theo yêu cầu của chúng thì chúng đánh đập thậm tệ hoặc làm nhục, nhiều chị em không chịu nổi sự hành hạ đó đã tự sát.
Bức tử là hành vi phạm tội nghiêm trọng và trong nhiều trường hợp còn là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, nó vừa xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người vừa xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân. Do đó khi xử lý hành vi bức tử phải nhằm đạt được yêu cầu phòng, chống những hành vi côn đồ, hung hãn, độc đoán, gia trưởng; những tư tưởng phong kiến, tư sản. Đồng thời phải giáo dục mọi người chống những tàn dư của chế độ cũ, chống lại những biểu hiện tiêu cực, thấy bất công không giám đấu tranh, tố giác tội phạm mà chọn cái chết để giải thoát sự bất công là một hành động tiêu cực.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.