TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH ( ĐIỀU 105)
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
Đây là tội phạm được nhà luật tách từ khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985.
Các dấu hiệu của tội phạm này cũng tương tự như trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 95 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở ý thức chủ quan của phạm tội đối với hậu quả và hậu quả thực tế đã xảy ra.
So với khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985, thì các dấu hiệu cấu thành được quy định tại Điều 105 đầy đủ hơn và hoàn toàn tương tự với các dấu hiệu cấu thành tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại khoản 3 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1985.
Khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định “bị kích động mạnh vì hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân”, chứ chưa quy định “hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc người thân tích của người đó” như khoản 1 Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1999. Mặt khác, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định rõ tỷ lệ thương tật là từ 31% trở lên thì người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định gây thương tích nặng. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Họi đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì thương tích hoặc tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân có tỷ lệ thương tật 31% được coi là thương tích nặng. Trường hợp nạn nhân có tỷ lệ thương tật dưới 31% thì người thực hiện hành vi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ sở để xác nhận nạn nhân bị thương tích nặng hoặc bị tổn hại nặng đến sức khoẻ là kết luận của Hội đồng giám định y khoa. Nếu ở nơi nào không có điều kiện tổ chức Hội đồng giám định y khoa thì có thể căn cứ vào Bảng tiêu chẩn thương tật được ban hành kèm theo Thông tư liên Bộ số 12/TTLB ngày 26-7-1995 của Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để xác định tỷ lệ thương tật đối với người bị hại.
Người phạm tội chỉ có ý định gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân, chứ không mong muốn cho nạn nhân chết, nếu nạn nhân bị chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Đây là vấn đề rất khó xác định, bởi lẽ trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh, con người không còn đủ bình tĩnh sáng suốt để lựa chọn một cách rành mạch có mong muốn hay không mong muốn cho nạn nhân chết. Thông thường, người phạm tội chỉ hành động với ý thức bỏ mặc cho hậu quả muốn ra sao thi ra, miễn là cho hả giận. Tuy vậy, thực tiễn xét xử vẫn có không ít trường hợp trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh người phạm tội vẫn còn đủ minh mẫn đẻ lựa chọn ahnhf vi chỉ gây thương tích cho nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân lại bị chết. Ví dụ: Đào Văn T nghị vợ mình ngoại tình với Nguyễn Trung Đ. Một lần, T bắt gặp vợ mình và Đ đang ôm hôn nhau, T liền dùng dao đâm nhiều nhát vào người Đ, vợ y thấy vậy ôm Đ đẩy ra thì bị trúng một nhát dao vào bụng. Thấy vậy, T vội đưa vợ vào bệnh viện cấp cứu, nhưng do bị ra nhiều máu, nên vơ của T đã chết sau đó 7 ngày. Trong trường hợp này, T hoàn toàn không có ý định tước đoạt tính mạng của vợ, nhưng vì quá bực tức nên dùng dao đâm Đ, chẳng may lại trúng vợ mình.
Các dấu hiệu khác như: trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội đều tương tự như đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
- Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%
Trương hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người và người này có tỷ lệ thương tậ từ 31% đến 60% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật hình sự, có hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.
Theo quy định của Bộ luật hình sự thì trường hợp phạm tội này là tội phạm ít nghiêm trọng nhưng thương tích của người bị hại lại là thương tích nặng, nên khi xét xử loại tội này, Toà án cần phân tích để người bị hại và những người khác biết vì sao hình phạt cao nhất chỉ có hai năm tù, có trường hợp người phạm tội chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ.
Đối với khoản tiền buộc người phạm tội phải bồi thường cho người bị hại, Toà án phải tính đến phần lỗi của người bị hại để quyết định cho thoả đáng, người bị hại có lỗi càng nặng thì khoản bồi thường càng ít hơn so với trường hợp người bị hại có lỗi bình thường.
- Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên và mỗi người đều phải có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
Hai người trở lên bị thương tật từ 31% đến 60% đều phải là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội. Đây là quy định mới so với khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985, nên chỉ áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000.
Nếu chỉ có một người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, còn những người khác không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, thì người phạm tội bị truy cứu về hai tội: Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh và tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.
Nếu có nhiều người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, nhưng chỉ có một người có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, còn những người khác chỉ bị thương tật dưới 31 % thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 105. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có trường hợp tuy chỉ có một người bị thương tật từ 31% đến 60%, nhưng lại có nhiều khác bị thương tật dưới 31% và tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 31% thậm chí trên cả 60 %, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo khoản 1 Điều 105 thì không công bằng. Tuy chưa có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền về trường hợp phạm tội này, nhưng theo chúng tôi nếu chỉ có một người bị thương tật 31% đến 60%, nhưng còn gây gây thương tật cho nhiều người khác mà tổng tỷ lệ thương tật của những người này từ 31% đến 60% thì cũng phải coi là phạm tội đối với nhiều người và người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 105 Bộ luật hình sự, có như vậy mới thể hiện nguyên tắc công bằng khi xử lý tội phạm.
- Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên
Đây là trường hợp người phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh dã gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 61% trở lên. Thương tật từ 61% trở lên là thương tật rất nặng, nên trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội cũng nặng hơn so với trường hợp chỉ gây thương tật cho một người có tỷ lệ thương tật 31% đến 60%.
Người bị hại trong trường hợp này cũng phải là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội, nếu không thuộc trường hợp trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Điều luật không quy định thương tật 61% trở lên là thương tật của một người, nhưng nếu áp dụng cho cả trường hợp nhiều người cùng bị thương tật từ 61% trở lên thì không công bằng, nên cũng có ý kiến cho rằng các nhà làm luật nên cấu tạo Điều 105 có ba khoản, trong đó khoản 3 quy định trường hợp gây thương tật cho nhiều người và mỗi người đều có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên và trường hợp dẫn đến chết nhiều người. Hy vọng rằng ý kiến này sẽ được quan tâm khi sửa đổi Bộ luật hình sự trong thời gian tới. Khi chưa có sửa đổi, bổ sung thì trường hợp gây thương tật cho nhiều người và mỗi người có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên và trường hợp dẫn đến chết nhiều người thì người phạm tội phải bị áp dụng cả điểm a và điểm b khoản 2 Điều 105 Bộ luật hình sự và mức hình phạt phải cao hơn trường hợp người phạm tội chỉ bị áp dụng một điểm ( a hoặc b) khoản 2 Điều 105 Bộ luật hình sự.
- Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh dẫn đến chết người
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Người bị hại bị chết là do chính vết thương mà người phạm tội đã gây ra, nhưng người phạm tội hoàn toàn không mong muốn và cũng không bỏ mặc, tức là không có căn cứ để xác định thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 95 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc phân biệt trường hợp nào là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết người, còn trường hợp nào là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không đơn giản, vì một người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh rất khó xác định mục đích của họ có mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra hay không. Do đó chỉ nên coi là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết người nếu người bị hại không chết ngay mà sau một thời gian nhất định, người bị hại đã được cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng nên đã chết.
Trường hợp nếu dẫn đến chết nhiều người, khi chưa có sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị áp dụng cả điểm a và b khoản 2 Điều 105 Bộ luật hình sự và hình phạt đối với họ phải nặng hơn trường hợp chỉ dẫn đến chết một người.
- Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ, người phạm tội trong trường hợp này là trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và người bị hại là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, còn thế nào là trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng lại phụ thuộc vào việc đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên trường hợp đặc biệt nghiêm trọng quy định ở đây không phải là những trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% tở lên hoặc dẫn đến chết người, nhưng trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác ở đây là những trường hợp nào thì các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải xác định.
Các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 105 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng có khung hình phạt từ một năm đến năm năm. So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì đây là những quy định mới, do dó không áp dụng đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng như trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, khi xét xử đối với loại tội này, Toà án cần phân tích để người bị hại và những người tham dự phiên toà thấy được lỗi của người bị và hành vi phạm tội của bị cáo để mọi người không có ấn tượng vì sao gây thương tích nặng, rất nặng thậm chí dẫn đến chết người nhưng hình phạt tối đa có năm năm tù.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.