TỘI GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ ( ĐIỀU 107 )
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên.
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
Tội phạm này cũng được tách ra từ khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985, nên các dâu hiệu cơ bản của tội phạm này cũng tương tự như tội làm chết người trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 97 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác người bị hại chỉ bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ, không có trường hợp nào người bị hại bị chết. Đây cũng là đặc điểm khác với một số trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Các dấu hiệu về người phạm tội, về điều kiện để được công nhận là người đang trong khi thi hành công vụ, về các trường hợp được sử dụng vuc lực trong khi thi hành công vụ, về hành vi trái pháp luật của người bị hại. v.v… đều tương tự như các dấu hiệu của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, chỉ khác nhau ở hậu quả của tội phạm.
Hậu quả của tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ chỉ làm cho người bị hại bị thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe từ 31% trở lên mà không làm chết người hoặc không dẫn đến chết người.
Như vậy, nếu có trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ mà dẫn đến chết người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 97 Bộ luật hình sự.
Về lý luận, có nhều ý kiến khác nhau về quy định này. Vì sao đối với tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng lại có trường hợp dẫn đến chết người còn tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ lại không quy định trường hợp dẫn đến chết người. Trong khi đó, thực tế vẫn có thể xảy ra trường hợp trong khi thi hành công vụ do sử dụng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích dẫn đến chết người. Đây là vấn đề cả lý luận và thực tiễn vẫn còn là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết.
Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử và nghiên cứu các quy định của Bộ luật hình sự về các trường hợp phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và phạm tội trong khi thi hành công vụ, chúng tôi thấy không nên quy định trường hợp dẫn đến chết ngươì trong cả ba trường hợp phạm tội này, vì nếu thực tế có trường hợp nào dẫn đến chết người, các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó xác định ý thức chủ quan của người phạm tội, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
- Trong khi thi hành công vụ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người
Nếu trong khi thi hành công vụ do sử dụng vũ lực ngoiaf những trường hợp pháp luật cho phép mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người và người này có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, so với khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985 thì quy định tại khoản 1 Điều 107 vẫn nặng hơn, do đó những hành vi được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 1999 mà vẫn áp dụng khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985, vì mức hình phạt cải tạo không giam giữ khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nặng hơn khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985.
- Trong khi thi hành công vụ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người trong khi thi hành công vụ là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên và mỗi người đều bị thương tật từ 31% trở lên.
Nếu có nhiều người bị thương tật nhưng chỉ có một người có tỷ lệ từ 31% trở lên thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy, có trường hợp trong khi thi hành công vụ do sử dụng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người nhưng chỉ có một người có tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên, còn những người khác có tỷ lệ thương tật dưới 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật lại trên 31%, thậm chí tới trên 61%.Vậy có truy cứu người phạm tội theo khoản 2 Điều 107 không. Đây cũng là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết vì khoản 2 Điều 107 Bộ luật hình sự là quy định mới, chưa có tổng kết hướng dẫn, nhưng qua thực tiễn xét xử và nghiên cứu loại tội phạm này.
Theo chúng tôi. do điều luật không quy định phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng khác, do đó nếu gây thương tích cho nhiều người, trong đó có một người có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên còn những người khác có tỷ lệ thương tật dưới 31 % nhưng tổng tỷ lệ thương tật của những người này từ 31% trở lên thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 107 Bộ luật hình sự.
Người phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.