Quyền của cha mẹ chuyển quyền sử dụng đất cho các con

Quyền của cha mẹ chuyển quyền sử dụng đất cho các con

Cha mẹ tôi lập di chúc để lại quyền sử dụng đất cho 02 người con có công lớn trong việc khai hoang mảnh đất đó nhưng không được chính quyền địa phương xác nhận vì thời gian đó khu đất còn trong diện quy hoạch. Vì vậy tôi đã giữ nguyên hồ sơ và các anh em trong gia đình đều đồng ý và ký tên. Nay cha mẹ tôi đã qua tuổi 80 thì được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi quyết định chuyển quyền sử dụng đất sang cho em tôi nhưng cha tôi không đồng ý ký tên với lý do có 03 anh em khác không đồng ý nhưng mẹ tôi hoàn toàn đồng ý. Vậy xin hỏi chúng tôi phải làm thế nào trước tình hình khó khăn như vậy?

Gửi bởi: Pham Van Trang

Trả lời có tính chất tham khảo

Trong tình huống này, chúng tôi không xét di chúc của cha mẹ bạn là hợp pháp hay không. Vì, di chúc hợp pháp hay không hợp pháp thì cha mẹ bạn vẫn có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ (Điều 662 Bộ luật Dân sự).

Hiện nay, mảnh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cha mẹ bạn có toàn quyền thực hiện các quyền của chủ sử dụng đất, bao gồm quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Cha mẹ bạn có quyền định đoạt tài sản cho người khác bằng nhiều hình thức như chuyển nhượng, tặng cho hoặc lập di chúc. Việc định đoạt là hoàn toàn tự nguyện, không ai có quyền lừa dối, ép buộc cha mẹ bạn. Đây chính là nguyên tắc đầu tiên được quy định tại Chương II Những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự. Điều 4 BLDS nêu rõ: Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào. Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.

Như vậy, khi thực hiện quyền của chủ sử dụng đất, cha mẹ bạn có quyền tự do thể hiện ý chí của mình trên cơ sở không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Quyết định của cha mẹ bạn phải được chủ thể khác, trong đó có các anh em bạn tôn trọng và thực hiện.

Về trường hợp của gia đình bạn thì anh em bạn chỉ nên bàn bạc với cha mẹ bạn trên cơ sở tình cảm và sự đồng thuận nhất trí của cả gia đình.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191