Anh A nợ tôi số tiền 300 triệu, nhưng theo xác minh của cơ quan thi hành án về tài sản của anh A thì quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã được thế chấp tại ngân hàng, đồng thời ngân hàng cũng đang tiến hành kê biên tài sản của anh A. Xin cho hỏi nếu ngân hàng kê biên và bán đấu giá tài sản đó thì tôi có được quyền lợi gì trong đó không? Tôi có được trả nợ số tiền trên không?
Gửi bởi: Nguyễn Văn Định
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Về quyền của bạn liên quan đến việc ngân hàng kê biên tài sản của A
Có hai trường hợp có thể xảy ra như sau:
– Trường hợp thứ nhất: Việc bạn cho A vay tiền có biện pháp bảo đảm và tài sản bảo đảm cũng chính là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà A thế chấp tại Ngân hàng. Đây là trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 324 Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Theo đó, khi Ngân hàng kê biên để xử lý tài sản thế chấp thì bạn có quyền tham gia xử lý tài sản và thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định như sau (theo Điều 325 Bộ luật Dân sự và Điều 6 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm):
+ Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký;
+ Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán;
+ Trong trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các giao dịch bảo đảm đều không có đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm.
+ Trong trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán cho các bên nhận bảo đảm có cùng thứ tự ưu tiên thanh toán thì số tiền đó được thanh toán cho các bên theo tỷ lệ tương ứng với giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
– Trường hợp thứ hai: Việc bạn cho A vay tiền mà không có biện pháp bảo đảm. Như vậy, bạn sẽ không được tham gia xử lý tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà A đang thế chấp tại Ngân hàng với tư cách là bên nhận bảo đảm.
2. Về nghĩa vụ trả nợ của A
Khi bạn và A giao kết hợp đồng vay tiền đã phát sinh nghĩa vụ trả nợ của A đối với bạn theo Điều 474 Bộ luật Dân sự: A có nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thìcác bên phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình và tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, nếu không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ, bạn có quyền yêu cầu A trả nợ số tiền 300 triệu; nếu A không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị định 163/2006/NĐ-CP Về giao dịch bảo đảm
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN