Quyền của chủ tài sản khi chung sống như vợ chồng với người khác

Quyền của chủ tài sản khi chung sống như vợ chồng với người khác

Tôi muốn lập di chúc để lại căn hộ thuộc diện tái định cư (do nhà nước đền bù) của tôi cho 1 người cháu. Tuy nhiên, khi ra Phòng công chứng thì công chứng viên cho rằng, chỉ với Giấy chứng nhận độc thân tôi vừa xin cấp tại UBND Phường nơi cư trú là chưa đủ để xác định căn nhà trên là của riêng tôi. Trước đây, tôi từng cư trú tại tỉnh khác, và sống như vợ chồng với 1 người (không đăng ký kết hôn) và có 02 người con sinh năm 1975 và 1984. Sau đó chồng tôi mất tích, nghe nói đã chết rồi (không có giấy chứng tử, và hiện cũng không thể xin cơ quan có thẩm quyền cấp). Trên giấy khai sinh (làm từ năm 2010) 2 người con của tôi cũng không ghi tên cha. Với tình trạng hôn nhân như trên, tôi cần bổ sung thêm giấy tờ, hay thủ tục gì để có quyền hoàn toàn với căn nhà trên? Và sau này, khi được nhà nước cấp sổ hồng, tôi có thể tự mình bán, hay cho người khác không? Xin cảm ơn!

Gửi bởi: Phan Thị Hồng Minh

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Theo những thông tin bác nêu sẽ có một số vấn đề cần làm rõ dưới đây:

Về tình trạng hôn nhân của bác

Khi cư trú ở tỉnh khác, bác đã chung sống như vợ chồng với người khác và có được hai người con. Tuy bác không nêu rõ đã bắt đầu chung sống từ năm bao nhiêu nhưng với thông tin về năm sinh của hai người con thì có thể xác định là trước thời điểm năm 1975.

Sở dĩ phải xác định thời điểm chung sống như vợ chồng vì: Khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Tuy nhiên, nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình đã hướng dẫn chi tiết vấn đề này như sau: Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Trường hợp này được coi là hôn nhân thực tế, các vấn đề về quan hệ vợ chồng, con cái được xác định như với trường hợp có đăng ký kết hôn.

Vì bác đã chung sống với nhau như vợ chồng với người đó từ trước năm 1975 nên trước pháp luật, hai người đã tồn tại hôn nhân thực tế.

Về tài sản của bác

Như trên đã nói, giữa bác và người khác đã có hôn nhân thực tế nên vấn đề tài sản chung vẫn được đặt ra. Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Hiện nay, dù bác đã không còn chung sống như vợ chồng với người đó nhưng quan hệ hôn nhân thực tế vẫn còn tồn tại vì hai người vẫn chưa ly hôn. Nếu người đó vẫn còn sống thì theo quy định pháp luật hiện hành, tài sản mà bác đang có được hình thành trong thời kỳ hôn nhân và là tài sản chung của hai người. Nếu người đó đã chết thì phải xem thời điểm chết để xác định các vấn đề phát sinh.

2. Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi xin trả lời câu hỏi cụ thể của bác như sau:

Để đảm bảo quyền lợi của mình bác cần xác nhận rõ tình trạng hôn nhân của mình.

Theo thông tin bác cung cấp thì người chồng đã mất tích hoặc có thể đã chết nên có hai cách: bác có thể đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu tuyên bố người đó đã mất tích và đồng thời có thể xin ly hôn với người đó theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Dân sự. Nhưng cách tốt nhất hiện nay thì bác nên yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó đã chết theo Điều 81 BLDS. Ngày chết sẽ do Tòa án xác định căn cứ vào ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Kể từ ngày người đó chết thì hôn nhân thực tế chấm dứt và tài sản của bác tạo lập sau đó đương nhiên là tài sản riêng của bác. Tất nhiên việc tuyên bố mất tích hoặc chết phải có đầy đủ cơ sở thực tế và căn cứ theo quy định của pháp luật.

Sau khi có quyết định tuyên chồng bác chết, bác có thể yêu cầu UBND xã, phường nơi cư trú xác nhận tình trạng hôn nhân của mình là: kể từ ngày chồng chết đến nay chưa đăng ký kết hôn với ai theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã cư trú tại nhiều phường thì UBND cấp xã nơi thường trú hiện tại sẽ xác nhận tình trạng hôn nhân của bác theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch: nếu Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của bác ở những nơi khác thì yêu cầu bác viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.

Cùng với việc xin xác nhận tình trạng hôn nhân thì bác có thể chứng minh tài sản của mình là do bác tự tạo lập mà không liên quan đến người chồng đó. Có thể chứng minh bằng cách như: được tặng cho riêng, hoặc do bác mua trong khoảng thời gian người đó mất tích…

Sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục trên thì bác sẽ có toàn quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó và khi nhà nước cấp giấy chứng nhận mang tên bác thì tự bác có thể bán hoặc tặng cho cho người khác theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Nghị quyết 35/2000/QH10 Về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191