Năm 2005 tôi cho người ta vay 13 lượng vàng thời hạn 1 năm. Lãi suất thoả thuận miệng. Tôi đòi nhiều lần họ không trả. Năm 2012 họ viết cam kết sẽ trả hết 13 lượng vàng gốc trong 6 năm – tức là đến năm 2018. Tôi không đồng ý với thời hạn đó nên nộp đơn kiện nhưng toà án không nhận đơn với lý do bên vay chưa vi phạm cam kết. Xin hỏi: thời hạn 6 năm do bên vay đưa ra, tại sao buộc tôi phải chấp nhận? Muốn toà thụ lý phải làm sao?
Gửi bởi: Phạm Thị Tuyết
Trả lời có tính chất tham khảo
Bạn thân mến, do thời điểm bạn cho vay là từ năm 2005, thời hạn một năm nên quyền khởi kiện của bạn phát sinh từ thời điểm hết 1 năm đó, tức là năm 2006, luật áp dụng ở đây là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, chưa sửa đổi, bổ sung. Căn cứ theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định:
“Điều 159. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu
1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hiệu yêu cầu là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được quy định như sau:
a) Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm;
b) Thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì bạn đã mất quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vay tài sản của bạn. Tuy nhiên, do năm 2012 bạn mới khởi kiện, khi đó Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã có hiệu lực, theo quy định mới của Bộ luật này thì thời hiệu khởi kiện ở đây không được hiểu là thời hiệu thụ lý đơn, mà phải được hiểu là bên có nghĩa vụ được miễn trừ nghĩa vụ khi đó hết thời hạn mà họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Còn quyền khởi kiện là quyền cơ bản của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự và Toà án luôn có trách nhiệm phải thụ lý đơn khởi kiện và không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện hết để từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi có yêu cầu. Cụ thể, luật quy định Tòa án không được trả lại đơn vì lý do thời hiệu đã hết, mà khi nhận được đơn khởi kiện của đương sự, nếu thấy thời hiệu khởi kiện đã hết thì tùy theo từng trường hợp mà Tòa án giải quyết theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp này, xem xét tình hình thực tế, Tòa có thể đưa ra xét xử hoặc đình chỉ vụ án.
Ví dụ: đối với vụ án vay tiền của bạn khi đó hết thời hiệu khởi kiện, theo cách hiểu nêu trên thì bên cho vay vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết và Tòa án phải có trách nhiệm thụ lý vụ án để xem xét, quyết định việc bên vay phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ khoản tiền đó hay được miễn trừ toàn bộ hoặc một phần khoản tiền đã vay.
Như vậy, Tòa căn cứ vào việc hết thời hiệu để trả lại đơn khởi kiện của bạn là không đúng.
Bên cạnh đó, nếu Tòa án căn cứ theo quy định tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, mục I, Điều 1 khoản 1.1 điểm c quy định về việc xác lập lại thời điểm để tính thời hiệu như sau:
”c) Trường hợp các bên đang tiếp tục thực hiện hợp đồng dân sự, mà thoả thuận đó như một hợp đồng mới thay thế hợp đồng cũ hoặc hoàn toàn độc lập với hợp đồng cũ, thì việc xác định thời hiệu đối với thoả thuận mới được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.”
Để bác đơn khởi kiện của bạn thì cũng không đúng quy định pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định trên, Tòa căn cứ vào yêu cầu đơn phương của bên vay về việc gia hạn hợp đồng để bác đơn là không hợp lý. Tòa chỉ được bác đơn trong trường hợp 2 bên có thỏa thuận mới (tức là bạn đã đồng ý với yêu cầu đưa ra của bên vay).
Bạn không buộc phải chấp nhận yêu cầu mới của bên cho vay, nhưng như đã nói ở trên, nếu Tòa án thụ lý đơn thì có thể Tòa sẽ đình chỉ vụ án hoặc xét xử (tùy tình hình thực tế). Tuy nhiên, nếu Tòa đưa ra xét xử thì cũng sẽ tùy theo từng trường hợp mà Tòa án giải quyết theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm. Và có thể bạn sẽ chỉ được hoàn trả một phần hoặc không được hoàn trả lại số nợ, do hết thời hiệu thì bên có nghĩa vụ (tức là bên vay) đã được miễn trừ nghĩa vụ trả nợ nên bạn có thể cân nhắc để thỏa thuận với bên vay một thời hạn hợp lý hơn.
Trường hợp bạn vẫn muốn khởi kiện ra Tòa thì bạn có thể khiếu nại quyết định trả lại đơn khởi kiện của Tòa án.
Các văn bản liên quan:
Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình
Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục Trợ giúp pháp lý
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.