Rút đơn yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật

Rút đơn yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật

Tôi muốn hỏi khi tôi nộp đơn yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật, sau khi Tòa thụ lý tôi muốn lại rút đơn yêu cầu thì Tòa án có chấp nhận không? Tòa án sẽ giải quyết ra sao?

Gửi bởi: Nguyễn Thị Chanh

Trả lời có tính chất tham khảo

Thứ nhất: về thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật

Việc bạn nộp đơn yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật thuộc vụ việc dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 28 Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-VPQH hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự của Văn phòng quốc hội ban hành ngày 20/3/2013. Cũng trong quy định tại Điều 311 văn bản hợp nhất này thì: Tòa án áp dụng những quy định của Chương này, đồng thời áp dụng những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này để giải quyết những việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 26, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28, khoản 1 và khoản 4 Điều 30, khoản 3 Điều 32 của Bộ luật này”.

Vì thế, quy định về thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu của bạn sau khi đã được Tòa án thụ lý sẽ được áp dụng theo tinh thần Điều 179 văn bản pháp luật nói trên. Theo đó, kể từ thời điểm Tòa án thụ lý, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là từ 2 đến 4 tháng đối với vụ việc đơn giản và 3 đến 6 tháng đối với các vụ việc phức tạp.

Thứ hai: về việc Tòa án có chấp nhận đề nghị rút đơn yêu cầu của bạn hay không?

Trong khoảng thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu nói trên mà bạn rút đơn yêu cầu thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Văn bản hợp nhất. Điều kiện được Tòa án chấp nhận được quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai «Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm» của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:«Khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện, thì Toà án cần phải xem xét trong vụ án có yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không để quyết định… »

Tuy nhiên, cũng tại Điều 311 Văn bản hợp nhất có quy định: “Việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”

Nhận thấy, mục đích mà bạn hướng tới khi nộp đơn là yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, đây là việc dân sự không có tranh chấp. Vì thế, trong vụ việc dân sự này thứ nhất sẽ không có bị đơn, nên sẽ không có yêu cầu phản tố từ phía bị đơn; thứ hai, không có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên sẽ không phát sinh yêu cầu độc lập của đối tượng này… (ở đây chỉ có người liên quan là người tham gia tố tụng cùng với bạn nếu yêu cầu được Tòa án đưa ra giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Tòa)

Mà tại khoản 1 Điều 24 Nghị quyết trên quy định : «Trong trường hợp không có yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập, thì Toà án chấp nhận việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện và căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự »

Do vậy, trong trường hợp bạn rút đơn yêu cầu trong thời gian chuẩn bị xét đơn sau khi Tòa án thụ lý đơn của bạn thì Tòa án sẽ căn cứ các quy định pháp luật nói trên :

– Chấp nhận việc rút đơn của bạn ;

– Ra quyết định đình chỉ vụ án ;

– Xóa tên yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật này trong sổ thụ lý và trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho bạn nếu bạn có yêu cầu theo quy định tại Khoản 2 điều 24 Nghị quyết nói trên;

– Trả lại tạm ứng án phí mà bạn đã nộp theo quy định tại khoản 3 Điều 193 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ Luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự

Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự

Trả lời bởi: CTV7


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191