Tôi sinh ngày 29/02/1993 âm lịch (tức 21/03/1993 dương lịch) nhưng vì ngày làm giấy khai sinh bố mẹ tôi khai là ngày 29/02/1993 âm lịch. Vấn đề xảy ra là ngày 29/02 không có trong lịch dương, lại theo tôi suốt quá trình học tập cho đến năm 3 đại học, khi tôi làm hộ chiếu mới phát hiện ra ngày sinh của tôi không hợp lệ. Vậy tôi muốn thay ngày sinh từ ngày âm lịch sang ngày dương lịch có được không và được thì tôi phải làm như thế nào? Và nó ảnh hưởng tới toàn bộ bằng và học bạ của tôi, tôi phải làm như thế nào?
Gửi bởi: Lâm Thị Huyền Trang
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại khoản 2 điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, quan hệ cha mẹ, con, phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”.
Điều 36 của Nghị định số 158 quy định phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch, trong đó có cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký.
Theo quy định tại điểm g mục 5 Phần II của Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02 tháng 6 năm 2008 Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì “Việc cải chính nội dung trong bản chính Giấy khai sinh, đặc biệt là cải chính ngày, tháng, năm sinh, chỉ được giải quyết đối với những trường hợp có đủ cơ sở để xác định rằng khi đăng ký khai sinh có sự sai sót do ghi chép của cán bộ Tư pháp hộ tịch hoặc do đương sự khai báo nhầm lẫn. Trường hợp yêu cầu cải chính nội dung trong bản chính Giấy khai sinh do đương sự cố tình sửa chữa sai sự thật đã đăng ký trước đây để hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân hiện tại, thì không giải quyết”.
Trường hợp mà bạn nêu, do có sự nhầm lẫn trong việc kê khai ngày tháng sinh (ngày âm lịch thành ngày dương lịch, dẫn đến ghi ngày sinh là 29/2/1993, nhưng thực tế năm đó lại không có ngày 29/2), nên theo quy định của pháp luật bạn sẽ được cải chính ngày tháng năm sinh trong bản chính Giấy khai sinh đó. Thủ tục đề nghị được cải chính Giấy khai sinh quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Nghị định số 158, cụ thể:
1. Cơ quan có thẩm quyền cải chính Giấy khai sinh
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 158 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi.
Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cải chính Giấy khai sinh cho bạn là Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Về thủ tục đăng ký việc cải chính Giấy khai sinh
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 158 (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình, chứng thực), thủ tục gồm các bước sau đây”
– Người yêu cầu cải chính Giấy khai sinh nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc cải chính.
– Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp ghi vào Sổ đã đăng ký khai sinh trước đây và Quyết định về việc thay đổi, cải chính Giấy khai sinh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định về việc cải chính Giấy khai sinh. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Sau khi cải chính Giấy khai sinh, bạn có thể yêu cầu điều chỉnh nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác, không phải Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh. Trên cơ sở yêu cầu của bạn, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký hộ tịch căn cứ vào bản chính Giấy khai sinh để điều chỉnh những nội dung đó cho phù hợp với nội dung tương ứng trong bản chính Giấy khai sinh.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 06/2012/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực
Thông tư 01/2008/TT-BTP Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.