3. Sự tham gia tố tụng của đương sự
3.1. Không đưa những người đang quản lý, sử dụng nhà đất tranh chấp vào tham gia tố tụng là thiếu sót
Ví dụ 1: Vụ án tranh chấp dân sự có nguyên đơn là ông Lê Lam với bị đơn là ông Phạm Văn Do và bà Nguyễn Thị Bê, cụ thể như sau:
Ông Lê Lam khởi kiện đòi ông Phạm Văn Do và bà Phạm Thị Bê phải trả cho ông 370m2 đất. Trên thửa đất tranh chấp có căn nhà số 518A của chị Phạm Thị Thanh Bình (con gái ông Do, bà Bê) hiện gia đình chị Bình đang ở. Lẽ ra trong trường hợp này Tòa án phải đưa chị Bình và chồng chị Bình là anh Hoàng Quang Nhuận vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng pháp luật tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã không đưa anh Nhuận và chị Bình vào tham gia tố tụng (trong khi lại buộc ông Do và bà Bê phải trả đất cho ông Lê Lam, trong đó có phần nhà đất anh Nhuận và chị Bình đang ở) là không đảm bảo quyền lợi của đương sự.
Tại Quyết định số 120/2010/KNDS ngày 06/8/2010, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm và tại Quyết định giám đốc thẩm số 695/2010/DS-GĐT ngày 20/10/2010 Tòa Dân sự TAND tối cao đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Ví dụ 2: Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Trần Thị The với bị đơn là bà Nguyễn Thị Thắm, cụ thể như sau: Bà Trần Thị The khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thị Thắm phải trả bà 21.689 m2 đất tại ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trên thực tế thì trong số diện tích này bà Thắm đã cho ông Võ Văn Cường thuê diện tích 3.936 m2 đất để ông Cường trồng lúa. Tòa án cấp sơ thẩm (huyện Tân Uyên) và Tòa án cấp phúc thẩm (tỉnh Bình Dương) đều không đưa ông Cường vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng pháp luật. Tại Quyết định số 548/2010/KNDS ngày 21/7/2010 Chánh án TAND tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm và tại Quyết định giám đốc thẩm số 699/2010/DSGĐT ngày 20/10/2010, Tòa Dân sự TAND tối cao đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại để đưa ông Cường vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
3.2. Tranh chấp di sản thừa kế nhưng không đưa đầy đủ những người thừa kế vào tham gia tố tụng
Trong vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản thì Tòa án cần làm rõ những người thừa kế để đưa vào tham gia tố tụng vì việc giải quyết phân chia di sản có liên quan đến quyền lợi của họ. Về vấn đề này vẫn có một số vụ việc không đưa đầy đủ các thừa kế vào tham gia tố tụng. Chúng tôi nêu ví dụ về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất có nguyên đơn là ông Huỳnh Lâm Sanh với bị đơn là ông Huỳnh Công Khanh; cụ thể như sau:
Cụ Huỳnh Ngọc Nhuận (chết năm 1981) và cụ Ngô Thị Huệ có 9 người con gồm: Huỳnh Kim Liên, Huỳnh Kim Thành, Huỳnh Hữu Lợi (chết 1972, có vợ và con), Huỳnh Hữu Lộc, Huỳnh Hữu Tài (định cư tại Mỹ), Huỳnh Vĩnh Nguyên, Huỳnh Ngọc Thạch, Huỳnh Lâm Sanh và Huỳnh Công Khanh. Ngày 3/7/1998 cụ Huệ lập di chúc có nội dung để lại cho ông Huỳnh Lâm Sanh nhà và 3.200 m2 đất. Năm 2003, cụ Huệ chết. Nhà và 3.200 m2 đất do ông Huỳnh Công Khanh quản lý, sử dụng. Năm 2005 ông Huỳnh Lâm Sanh khởi kiện yêu cầu ông Huỳnh Công Khanh trả lại nhà đất. Ông Khanh không đồng ý trả.
Tòa án cấp sơ thẩm (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) và Tòa án cấp phúc thẩm (Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp) đã không đưa các thừa kế của cụ Huệ và cụ Nhuận (bao gồm các ông, bà: Huỳnh Kim Liên, Huỳnh Kim Thành, Huỳnh Hữu Lộc, Huỳnh Hữu Tài, Huỳnh Vĩnh Nguyên, Huỳnh Ngọc Thạch và các con ông Huỳnh Hữu Lợi) vào tham gia tố tụng.
Tại Quyết định số 470/2010/KNDS ngày 22/6/2010, Chánh án TAND tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Tại quyết định giám đốc thẩm số 762 ngày 17/11/2010, Tòa Dân sự TAND tối cao đã nhận định: diện tích đất tranh chấp là di sản thừa kế của cụ Huệ và cụ Nhuận. Nguyên đơn kiện đòi nhà, đất vì cho rằng mình được hưởng theo di chúc của cụ Huệ. Bị đơn không đồng ý trả nêu rằng di chúc không hợp pháp. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa những người thừa kế của cụ Huệ và cụ Nhuận vào tham gia tố tụng là thiếu sót.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.