Pháp luật quy định như thế nào về thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường?
Gửi bởi: Ngọc Minh
Trả lời có tính chất tham khảo
Thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính được quy định cụ thể tại Nghị định 16/2010/NĐ-CP.
* Trách nhiệm của Bộ Tư pháp được quy định tại Điều 22
“1. Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
b) Hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường;
c) Giải đáp vướng mắc về việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
d) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;
đ) Theo dõi, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong phạm vi cả nước;
e) Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường, kịp thời phát hiện những yếu kém, hạn chế về lề lối làm việc, trình độ, kinh nghiệm của cán bộ, công chức để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục;
g) Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc giải quyết bồi thường trong phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ.
2. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan hướng dẫn việc giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng và quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng;
b) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật;
c) Hàng năm tổng hợp về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng, báo cáo Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 21 và điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị định này;”
* Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ được quy định tại Điều 23:
“1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 21 của Nghị định này và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan trong phạm vi do mình quản lý theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;
b) Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường;
c) Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
2. Tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại Điều này. ”
* Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 24:
“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 21 của Nghị định này;
b) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc địa phương do mình quản lý theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;
c) Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường;
d) Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
2. Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương theo quy định tại Điều này.”
* Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định tại Điều 26:
“Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 2, 3, 6, 7 và 8 Điều 21 của Nghị định này và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các đơn vị do Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý và Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc địa phương do mình quản lý theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;
2. Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương;
3. Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”
Các văn bản liên quan:
Nghị định 16/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Trả lời bởi: hoidapphapluat
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.